Ngày 15/11, trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm thành lập với chủ đề: "Hành trình kiến tạo tương lai”.
Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục cho hay, trải qua 25 năm phát triển, trường đã có những thay đổi từ cơ cấu tổ chức, nhân lực, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Từ 4 bộ môn trực thuộc ban đầu của Khoa Sư phạm, đến năm 2009, khi thành lập trường Đại học Giáo dục, trường có 4 phòng chức năng, 3 khoa đào tạo, 6 trung tâm trực thuộc. Đến nay, trường có 7 phòng chức năng, 6 khoa đào tạo, 1 trường phổ thông thực hành, 3 trung tâm nghiên cứu, 1 trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và 1 viện nghiên cứu. Tổng nhân sự trong toàn trường, kể cả trường thực hành là gần 300 viên chức, người lao động, tăng khoảng 15 lần so với thời kỳ đầu thành lập.
Đội ngũ cơ hữu của trường cũng có tỷ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ top đầu cả nước với gần 84% số giảng viên và tỷ lệ có chức danh GS, PGS là gần 30%.
Đội ngũ chuyên gia của nhà trường thường xuyên tham gia tư vấn chính sách, tham gia xây dựng nhiều văn bản pháp luật quan trọng, như Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục, Luật Nhà giáo, các Nghị định, Thông tư trong lĩnh vực giáo dục, tham gia xây dựng phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025… Không chỉ đóng góp đào tạo nhân lực khu vực dân sự mà trường góp phần đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho ngành công an, quân đội, góp phần xây dựng hệ thống đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh của ngành công an, góp phần vào công cuộc bảo vệ tổ quốc.
Trường cũng có sự gia tăng đáng kể chỉ số công bố khoa học và xếp hạng quốc tế. Diễn đàn Hà Nội thường niên về Khoa học Giáo dục và Sư phạm, còn gọi là HaFPES, do trường tổ chức thường niên đã thành thương hiệu thu hút hàng ngàn nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Năm 2023, tổ chức xếp hạng Times Higher Education xếp hạng lĩnh vực Giáo dục của Đại học Quốc gia Hà Nội mà trường Đại học Giáo dục đóng vai trò nòng cốt ở thứ hạng 401 – 500 thế giới.
“Có được thành công ngày hôm nay là nhờ sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của tất cả cán bộ, giảng viên, giáo viên nhà trường, đặc biệt là thế hệ các thầy cô lãnh đạo trường, khoa đã đồng hành cùng nhà trường những năm qua. Các thế hệ cán bộ giảng viên, cán bộ quản lý đã và đang công tác ở trường luôn hết mình nỗ lực để trường khẳng định vị thế trong mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam”, GS Thanh nói.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phạm Bảo Sơn cho rằng, chưa bao giờ trường Đại học Giáo dục có được những thuận lợi và triển vọng lớn như hiện nay, nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, đang thay đổi nhanh chóng, việc áp dụng công nghệ này sẽ tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng mang đến những thách thức lớn cho giáo dục.
PGS.TS Phạm Bảo Sơn nhấn mạnh, đề án quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học và sư phạm 2030, tầm nhìn 2050, trường Đại học Giáo dục được xác định là cơ sở đào tạo sư phạm chủ chốt. Trách nhiệm của nhà trường phải thể hiện vai trò nòng cột trong đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.
Để nắm bắt được cơ hội, vượt qua được thách thức, trường cần tập trung phát triển theo hướng hội tụ về tinh thần, nhất quán trong hành động, đoàn kết trong tổ chức, kỷ cương trong quản lý, thống nhất từ trên xuống dưới.
Kế thừa những thành tích đã đạt được, nhà trường cần tích xây dựng văn hóa chất lượng, lấy người học làm trung tâm trong đào tạo và nghiên cứu khoa học; xây dựng các chương trình nghiên cứu định hướng tham vấn chính sách và các giải pháp phục vụ tăng trưởng; triển khai các giải pháp để tăng cường vị thế, uy tín, thương hiệu.
Đồng thời, trường cũng cần nghiên cứu phát triển nguồn lực tài chính bền vững từ công tác đào tạo bồi dưỡng và chuyển giao sản phẩm khoa học công nghệ; tích cực hơn nữa trong chuyển đổi số để trở thành hình mẫu quản trị đại học thông minh trong các đơn vị của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Bình luận