Kỳ 1: Kỷ luật ở “ngôi nhà điên”
Một lần, đi trên tỉnh lộ đoạn qua huyện Văn Lâm (Hưng Yên), tôi thấy một đoàn xe củi đẩy, gồm cả đàn ông lẫn đàn bà, với mũ nón lúp xúp trong mưa rét, liền dừng xe lôi máy ảnh ra chụp.
Thấy có máy ảnh, mấy ông bà “nông dân” này không đẩy xe nữa, mà dừng lại… tạo dáng. Tôi phải bấm máy ảnh liên hồi. Cứ chụp một lúc, nhóm người này lại xúm vào đòi xem ảnh, rồi lại tạo dáng đòi chụp tiếp. Họ cười nói vui vẻ như chẳng cần biết đến trời đất, xung quanh, với những chiếc xe tải đang hú còi inh ỏi xin đi. Quả thực, trong đời, tôi chưa gặp nhóm “nông dân” nào vui tính như thế.
Lát sau, một người dân sống ở ven đường đến bảo: “Mấy ông bà này bị tâm thần đấy. Họ đang được chữa trị ở đền Thó. Những người được ra ngoài đi lấy củi là đỡ bệnh rồi đấy. Ngôi đền ấy kỳ lạ lắm, ai bị bệnh tâm thần, dù nặng thế nào, đến ở thời gian là khỏi”.
Nghe chuyện người tâm thần đến đền ở khỏi bệnh thật khó tin, nhưng tò mò về ngôi đền chứa nhiều bệnh nhân tâm thần, tôi đã theo chân nhóm người lấy củi này.
Bệnh nhân ở đền Thó đi lấy củi |
Bên trong cổng gỗ là một ngôi đền khá cũ. Trước đền là sân gạch rộng, sạch bong. Có hai người đàn bà đứng tuổi, ngồi nghiêm chỉnh trên ghế, dưới gốc cây, bất chấp cái lạnh. Thi thoảng, chiếc lá rơi xuống sân, họ tự tay nhặt lên cho vào thùng rác. Đoàn bệnh nhân đẩy xe củi vào sân, mấy người cầm chổi lau từng vết bẩn.
Ở phía góc sân, mấy người phụ nữ ngồi túm tụm, người nhặt rau, người thái hành, tỏi. Người đàn ông đứng tuổi, dáng cao dong dỏng thái thịt bằng con dao rất sắc trên chiếc thớt to. Ông thái miếng nào ra miếng đó, đều chằm chặp.
Trong bếp, người phụ nữ khoe là bếp trưởng đang nổi lửa nấu nồi cơm to đại tướng và ấm nước, mấy nồi nước luộc rau, phục vụ mấy chục miệng ăn bữa trưa. Mấy chiếc xe củi chở vòng ra phía sau nhà.
Bệnh nhân tự bổ củi |
Đang hí hoáy chụp ảnh, một anh chàng từ đâu đi tới, đi theo kiểu cà nhắc. Một tay anh ta nhấc chiếc cùm sắt đính vào chân, rồi mới nhấc được chân lên để bước đi. Anh chàng này đến bắt tay tôi, rồi mồm miệng liến thắng.
Anh ta giới thiệu tên là M., quê ở Bắc Ninh, cách đây 20 cây số. Anh M. sinh năm 1978, có vợ và 2 con. Đang làm thợ mộc, có đôi tay tài hoa, khéo léo, thì bỗng dưng thành… người giời. Theo anh, tự dưng, anh cứ nhìn thấy Thánh, thấy Phật, và ngày ngày trao đổi, tranh cãi với hai đấng tối cao này. Nghe anh này nói vậy, đủ biết vẫn đang bị thần kinh nặng.
Tôi hỏi: “Sao lại đeo cái cục sắt ở chân thế này?”. Anh M. vui vẻ kể: “Tại em có tội ấy mà. Ngày xưa, em ở trại tâm thần Thường Tín, em toàn trốn trại thôi. Em khỏe lắm, hai tay bẻ cong cả chấn song sắt chuồn ra ngoài chơi. Ở đấy chỉ uống thuốc, rồi ngồi chơi suốt ngày nên chán lắm.
Anh M. với chiếc cùm ở chân |
Tôi hỏi: “Đeo cùm thế này có khó chịu không?”. Anh Minh bảo: “Chả thấy khó chịu gì. Càng thích ấy chứ. Vì đeo cùm thì không phải làm gì cả, chỉ loanh quanh chơi thôi. Hi hi. Thầy bảo với em rồi, ở đây mấy hôm, thấy quen sẽ thích chỗ này và không trốn nữa. Lúc đó, thầy sẽ tháo cùm cho em”.
Đang trò chuyện vui vẻ với anh chàng tên M., thì nghe tiếng hét phát ra từ khu nhà tắm. Trong cái lạnh cắt da cắt thịt, một người đàn ông đang tắm cho một người trẻ hơn. Người trẻ hơn đang ngồi co ro trong góc nhà vệ sinh và kêu nước lạnh quá.
Hóa ra, một bệnh nhân tỉnh táo đang tắm cho một bệnh nhân nặng, mới nhập vào ngôi nhà chung này. Tuy nhiên, người đàn ông kia thay vì xả nước ấm, lại xả nước lạnh dội lên anh ta.
Anh Nguyễn Văn Tự tắm cho bệnh nhân |
Thấy tôi lôi máy ảnh ra chụp, mấy người đang làm việc của mình, bỗng bỏ hết vào nhà vệ sinh ngó nghiêng, đòi được lên ảnh, tạo ra khung cảnh rất nhí nhố và vui nhộn.
Đúng lúc đó, một người đàn ông, mà mọi người gọi là “thầy” về nhà. Nghe tiếng quát, tất cả chạy tán loạn, ai vào việc nấy, tỏ vẻ rất chăm chỉ.
Người đàn ông đó không để ý đến tôi, đi thẳng vào trong nhà tắm, kiểm tra độ nóng của nước, rồi trực tiếp hướng dẫn cách tắm, gội và đo độ ấm của nước. Vừa dội nước, vừa kỳ cọ cho bệnh nhân, anh vừa nói với người lạ là tôi: “Không lúc nào được yên thân với mấy người này, cứ rời ra là hỏng hết cả. Không nghiêm túc thì thành cái chợ mất”.
Anh là Nguyễn Văn Tự, là người được dòng họ giao phó trông giữ đền Thó và trông nom, chăm sóc cho những người tâm thần. Mặc dù mới hơn 40 tuổi, song người đàn ông này được các bệnh nhân cao tuổi hơn rất nhiều gọi bằng thầy và đặc biệt là rất sợ hãi, rất vâng lời.
Còn tiếp…
Phong Nguyệt
Bình luận