Lần nào ra đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cũng mang đến cho tôi nhiều điều mới mẻ. Lần này, ngoài cảm giác choáng ngợp trước sự phát triển không ngừng, Lý Sơn còn mang đến cho tôi nhiều kỳ bí trong những câu chuyện kể của người dân đất đảo.
Nhiều lớp xương người
Trong chuyến công tác ra Lý Sơn lần này, tôi có dịp "trà dư tửu hậu" với anh Nguyễn Văn Lê, Trưởng phòng Kinh tế huyện Lý Sơn và anh Nguyễn Dự, Chủ tịch HĐND xã An Hải. Qua chuyện kể của hai người con đất đảo, tôi hình dung, để có một Lý Sơn hiện đại như hôm nay, vùng đất đảo xa này đã từng “chết đi sống lại” nhiều lần, qua nhiều kiếp người trong hàng ngàn năm qua.
Theo lời kể của anh Lê, trong quá trình xây dựng những công trình trên đảo Lý Sơn, người ta phát hiện sâu trong lòng đất có rất nhiều bộ xương người thời cổ đại. Do đó, người dân huyện đảo mỗi khi cất nhà phải dùng xe múc đào toàn bộ diện tích nền nhà để nếu gặp xương người sẽ mang đi cải táng nơi khác rồi mới tiến hành xây dựng. Bởi họ quan niệm, dưới nhà ở mà có xương người thì không thể sống yên ổn.
Miếng thẻ bài do anh Lê đào được |
Ví như ngay ngôi nhà gia đình anh Lê đang sinh sống tại xã An Vĩnh, khi làm nhà, đào chỗ nào cũng gặp những bộ xương người.
“Khi đào sâu xuống mặt đất khoảng 40-50 cm bắt gặp 1 lớp đất rất mịn, có màu như tro bếp. Đào sâu thêm 10 cm nữa thì thấy rất nhiều bộ xương người. Điều đặc biệt, những bộ xương này không nằm ngay ngắn. Có bộ xương dựng đứng, có bộ trong tư thế ngồi; nhiều bộ xương thiếu tay, thiếu chân, mất đầu. Có nhiều bộ xương nằm chụm lại, cứ như khi chết những người này ôm chặt lấy nhau.
Chưa hết, qua lớp đất có chứa nhiều bộ xương nói trên, đào sâu xuống nữa thì thấy lớp đất cát trắng có chứa vụn vỡ mịn của san hô. Đào qua lớp đất trắng này thêm chừng 3 m nữa thì tiếp tục thấy thấy xương người hiện ra.
Những nhà khảo cổ học từng đến khám phá vùng đất này cho rằng từ nhiều ngàn năm trước, trên đảo đã có rất nhiều lớp người từng tồn tại. Và có thể, đảo Lý Sơn đã từng gánh chịu sóng thần vùi chết 1 lúc rất nhiều người”, anh Lê nói.
Năm 1990, trong lúc đào đất trắng để bán cho những hộ trồng hành, tỏi trên đảo Lý Sơn, anh Lê cũng gặp những bộ xương người. Rồi khi đào móng xây dựng Trường Tiểu học xã An Vĩnh vào năm 2012, người ta cũng gặp 4 bộ xương người cổ đại.
Hầu hết những bộ xương người phát hiện trên đảo Lý Sơn rất to; chết trong nhiều tư thế. Bên cạnh những bộ xương này người ta còn tìm thấy một cây kiếm. Không ai dám mang cây kiếm này về nhà. Cuối cùng, ông Trần Thuận ở xã An Vĩnh phải mang cây kiếm ra thả xuống biển, sau khi đã khấn cầu kỹ lưỡng.
Anh Lê kể thêm: “Vào năm 1987, trong lúc đào hố lấy đất thịt để trồng hành, tôi phát hiện trong lòng đất có một cái hố nhỏ, đường kính khoảng 40 cm. Đào cái hố ấy thì thấy mẻ sành, lẫn trong mẻ sành có vật bằng bạc, trông như tấm thẻ bài. Trên tấm thẻ này có khắc chạm nhiều hình ảnh rất lạ, và vài con chữ không thể đọc nổi.
Theo những nhà khảo cổ học, sau nhiều lớp người từ hàng ngàn năm trước, lớp người cận đại nhất từng sống trên đảo Lý Sơn là người Chăm. Tôi suy đoán đây là tấm thẻ bài là của người Chăm”.
Tôi cũng được anh Lê cho xem tấm thẻ bài nhưng không biết trên đó ghi những gì.
Ly kỳ chuyện đàn gà vàng
Tương truyền, khi Bắc quân đô đốc Bùi Tá Hán, vị tướng của triều Lê đến chiếm đảo Lý Sơn (ngày xưa có tên là cù lao Ré) để làm bàn đạp đánh chiếm đất Quảng Nam từ tay nhà Mạc, những người Chăm đang sống trên đảo Lý Sơn lần lượt kéo nhau vào bờ để tránh khói lửa chiến tranh.
Người Chăm vốn nhiều của cải, nhất là vàng. Khi rời đảo vào đất liền, họ không thể mang hết của cải đi nên phải chôn lại trên đất đảo. Để của cải của mình không bị lạc mất, người Chăm đã làm dấu những nơi chôn vàng, với niềm hy vọng sau này con cháu mình sẽ có dịp tìm lại. Và để của cải của mình không bị chiếm đoạt, người Chăm đã yểm bùa tại những kho báu.
Dân cư sống quanh dinh Bà từng rộ chuyện đàn gà vàng |
Theo chuyện kể của người dân xã An Hải (Lý Sơn), tại dinh Bà thuộc thôn Tây người Chăm ở rất đông. Và quanh đây cũng là nơi người Chăm từng chôn cất kho báu.
Ông Nguyễn Dự, Chủ tịch HĐND xã An Hải, kể: “Lâu lâu có nhiều người Chăm ở tận Ninh Thuận ra đây, có vẻ như họ muốn tìm kiếm điều gì. Sau khi quanh quẩn tại dinh Bà, họ về thôn Đông xã An Vĩnh dò hỏi tìm cây đa, tìm núi Giếng Tiền và cái mả vôi tròn. Cây đa thì đã chết lâu rồi, cái mả vôi thì không biết ai “ra tay” mà chỉ một đêm đến sáng đã thấy bị đào bới tung cả lên, đó là vào khoảng cuối thập niên 80 của thế kỷ 20”.
Ông Ngô Văn Tùy ngồi kể chuyện tại Dinh Bà |
Sau đó, trên nơi chôn kho báu, người Chăm làm dấu bằng cách trồng một cây đa, loại cây có tuổi thọ cao. Cây đa này khi trồng đã được tính toán rất kỹ, để hàng chục, thậm chí hàng trăm năm sau, khi trở lại, hậu duệ của họ chỉ việc đo bóng cây vào một khung giờ nhất định sẽ nhận ra vị trí chôn kho báu”.
Chuyện còn kể rằng, người dân trên đảo dù đoán biết khu vực cất giấu vàng nhưng không thể nào tiếp cận được. Xa xưa, đã có nhiều người cố đốn hạ những cây đa được cho là "chỉ dấu” của kho báu để tìm vàng, ai nấy đều thất kinh khi thấy từ các vết đốn trên cây đa, có nước màu đỏ tứa ra trông như máu chảy.
“Khoảng 15 năm trước, thỉnh thoảng thấy người Chăm ra đảo trong vai người bán thuốc dạo. Sau khi họ về lại đất liền, lập tức có một vài cây đa trên đảo bị chết khô, không rõ nguyên nhân. Chúng tôi nghi rằng họ ra đảo lấy lại tài sản của mình, đó là nơi các cây đa bị chết”, ông Tùy ngờ vực.
Về những kho báu của người Chăm, trong dân gian Lý Sơn còn truyền tụng nhiều câu chuyện ly kỳ hơn nữa. Đó là số vàng được yểm bùa, trong thời gian chờ chủ nhân đến lấy lại, chúng hóa thành những con gà vàng. Những lão niên ở huyện đảo Lý Sơn không ai là không từng được nghe ông bà mình kể cho nghe chuyện này.
Ông Phạm Thoại Tuyền (63 tuổi), ở thôn Đông xã An Vĩnh, là hậu duệ đời thứ 5 của Cai đội Phạm Hữu Nhật, người được mệnh danh là “pho sử sống” của đảo Lý Sơn cũng xác nhận đã từng nghe chuyện gà vàng xuất hiện tại khu vực quanh đền thờ Thiên Y A Na (dinh Bà) ở xã An Hải.
TheoVũ Đình Thung - NNVN
Bình luận