Chưa bao giờ kiếm tiền trên các nền tảng mạng xã hội lại dễ dàng như hiện nay, và cũng chưa bao giờ, trên khắp không gian mạng lại tràn ngập video nhảm nhí, video rác khiến những người xem có văn hoá phải lắc đầu ngao ngán như bây giờ.
“Xin chào các bạn, đáp ứng yêu cầu của những bạn đã comment trên Facebook, hôm nay tôi sẽ nghịch một trò ngu, nói cách khác là cực ngu, trò ngu không gì ngu bằng nhưng tôi vẫn phải làm. Cái trò này là trò ăn mỳ tôm trong bồn cầu” - đây là đoạn mở đầu của video mà chắc nếu không được chứng kiến, nhiều người sẽ khó tin được đó là sự thật bởi mức độ bệnh hoạn và nhảm nhí của một số người làm sáng tạo nội dung YouTube (YouTuber) ở Việt Nam.
Chưa dừng lại ở đó, “thử thách 24 giờ làm chó, một ngày nằm trong quan tài, thử thách ăn phân, ăn động vật chết vài ngày, hay ăn những sinh vật kỳ dị còn sống”… bất cứ những thứ bệnh hoạn, ghê tởm nào mà người bình thường khó có thể tưởng tượng ra lại đang xuất hiện ngày càng dày đặc trên các nền tảng mạng xã hội mà tiêu biểu nhất là YouTube, Faecbook.
Câu chuyện nấu cháo gà nguyên lông và đập heo đất ăn trộm tiền của Hưng Vlog bị xử phạt cách đây ít lâu chỉ là một góc rất nhỏ nhưng cũng thể hiện thực trạng rất nhức nhối của YouTube và mạng xã hội nói chung hiện nay.
Tràn ngập trên YouTube là những video hài lấy tiếng cười của người xem bằng những câu nói tục tĩu, hành động thiếu văn hoá.
Bên cạnh đó, nhiều “hot girl” lên mạng xã hội dạy nấu ăn nhưng cốt chỉ để "khoe thân" chứ không hề có tài cán đặc biệt.
Trong đó, dư luận rất bức xúc khi xem các clip của V.H.N.P, khi cô gái này thường ăn mặc khêu gợi trong các clip nấu ăn. Tuy nhiên, những clip của cô gái này cũng có tới vài triệu lượt xem.
Không chỉ khoe thân trên những video dạy nấu ăn cho người lớn, những video dung tục, bệnh hoạn còn tấn công cả trẻ em, từ những clip dạng hoạt hình đến những clip nhạc chế.
G.K. TV, F.H TV là những kênh YouTube điển hình với những video nhại lại các nhân vật hoạt hình được trẻ em yêu thích theo hướng dung tục, nhảm nhí nhưng vẫn thu hút hàng triệu lượt xem.
Không có nhan sắc, tài cán, những kẻ di hợm lại sẵn sàng chọn cách đem danh dự, thậm chí sức khoẻ của mình ra để đánh đổi những lượt view, nút like.
Một thời những video kinh dị về ăn thức ăn sống tràn ngập YouTube, Facebook khiến người dùng không khỏi rùng mình.
Chỉ cần search từ khoá “ăn cá sống” trên YouTube hay Google, dễ dàng sẽ thấy vô vàn kết quả trả về là những video bẩn thỉu, ghê rợn.
Hình ảnh những nam thanh niên xuống sông suối bắt cá, tẩm ướp qua loa rồi ngấu nghiến ăn ngay tại bờ với những con cá còn đang giãy giụa, máu me còn chảy theo mỗi miếng cắn man rợ không khác gì thời tiền sử từng ám ảnh rất nhiều người xem.
Những “nhà sáng tạo nội dung” này tự gắn mác ẩm thực đồng quê, ẩm thực dân tộc để minh hoạ cho những video không giống ai của mình. Nhưng chắc chắn không một vùng đất, một dân tộc nào của nước ta có cách ăn uống man rợ như vậy.
Rồi khi “hy sinh” bản thân không còn là cách câu view hiệu quả, nhiều YouTuber lại sẵn sàng đem bạn bè, người thân, thậm chí đem chính ông bà, cha mẹ mình để làm trò quay clip, bất chấp tất cả, kể cả là những trò đùa ngu ngốc nhất để đổi lấy những lượt view.
Có YouTuber đã bị cộng đồng mạng tìm đến tận nhà đánh đập, bắt phải quay clip xin lỗi vì tội bất hiếu sau khi YouTuber này đăng tải video chơi khăm mẹ của mình bằng những trò “nghịch dại”.
Nhưng điều kỳ lạ là dù cho báo chí, xã hội lên án rất gay gắt nhưng các video phản cảm, nhảm nhí vẫn đang tràn lan và thu hút lượng theo dõi đông đảo đến khó hiểu trên YouTube và Fecebook, Tiktok.
Một số kênh YouTube nội dung nhảm nhí, bị chỉ trích nhưng vẫn có lượng đăng ký theo dõi lên đến con số hàng triệu, thậm chí gần chục triệu, lọt top những kênh được đăng ký theo dõi nhiều nhất tại Việt Nam.
Việt Nam có hơn 68 triệu người dùng Internet với 65 triệu người có tài khoản mạng xã hội. Báo cáo Vietnam Digital Advertising 2019 của Adsoto cho thấy, nước ta lọt Top 15 quốc gia có số người dùng smartphone cao nhất thế giới với 43,7 triệu người dùng, tương đương 44,9% dân số.
Với video thu hút nhiều người xem, trang SocialBlade chuyên thống kê độc lập các nền tảng xã hội đánh giá, những kênh YouTube hàng đầu tại Việt Nam như Nguyễn Thành Nam, Thơ Nguyễn, Hưng Vlogs… có thể thu về từ hàng trăm triệu với hàng tỷ đồng một năm.
Số liệu của Google cho thấy, Việt Nam có 350 kênh YouTube với hơn 1 triệu lượt người đăng ký theo dõi. Tương tự, Facebook cũng có thể trả tiền cho người sản xuất nội dung trên nền tảng của mình và mạng xã hội này có rất nhiều trang, người dùng sở hữu lượt theo dõi “khủng”.
Việc kiếm tiền quá dễ dàng, mác hào nhoáng bên ngoài chắc chắn là nguyên nhân lớn nhất để những người sản xuất video trên YouTube cho ra đời những video nhảm nhí bất chấp nội dung và những tác động tiêu cực.
View cao, lượt đăng ký khủng, thu nhập trăm triệu đến hàng tỷ đồng, có quá nhiều thứ hấp dẫn các YouTuber khiến họ sẵn sàng kiếm tiền bằng mọi giá, bất chấp văn hoá, đạo lý, pháp luật.
Chỉ cần kiếm được nhiều view (để từ đó phát triển kênh và kiếm tiền), những người làm nội dung sẵn sàng tung lên bất cứ nội dung gì, kể cả bệnh hoạn, đĩ điếm và dị hợm nhất, miễn “có view là có tiền”.
Còn nhớ hơn một năm trước, hiện tượng Bà Tân Vlog từng làm khuấy đảo YouTube và cả cộng đồng mạng với những thành tích đáng nể: chỉ 20 ngày đã đạt nút vàng (đạt 1 triệu người đăng ký theo dõi), trở thành kênh có tốc độ đăng ký tăng nhanh thuộc top đầu thế giới. Kênh Bà Tân Vlog sau hơn 1 năm có đến hơn 4 triệu lượt theo dõi.
Sự nổi lên của Bà Tân, người phụ nữ nông dân lớn tuổi với vóc dáng nhỏ bé là minh chứng cho việc bất kỳ ai, bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cũng có thể “làm YouTube” và kiếm bộn tiền nhờ YouTube.
Từ thành công quá bất ngờ của bà Tân, phong trào người trung niên làm YouTube nở rộ, người người, nhà nhà làm YouTube.
Từ đây, hàng loạt ông bà ra mắt các kênh Vlogs như: Bà Lý Vlogs, Ông Ba Vlogs, Ông Thọ Vlogs... Tuy nhiên, đã là phong trào thì cũng sớm “bão hoà”, người xem nhanh chóng chán ngán với những nội dung na ná, sao chép nhau lặp đi lặp lại, không có nhiều sáng tạo.
Ngay cả Bà Tân, sau một thời gian gây tò mò và được chào đón cũng bắt đầu nhận được những chỉ trích vì quá nhiều những video vô bổ, không đủ sức sáng tạo. Một số video cũng bị xoá do quá nhảm nhí, vi phạm chính sách của YouTube.
Sau trào lưu các cụ ông, cụ bà làm Vlog, tới lượt trào lưu ẩm thực bùng nổ. Tuy nhiên, những kênh YouTube làm ẩm thực sạch, mang tính chất khám phá, giới thiệu văn hoá ẩm thực không có nhiều, thay vào đó là sự nở rộ của các kênh theo hướng giật gân, độc dị, bóp méo văn hoá ẩm thực các địa phương.
Xuất hiện nhiều nhất chính là các video ăn động vật sống như thời tiền sử, săn bắt, ăn thịt động vật hoang dã, hành hạ động vật.
Bên cạnh trào lưu làm kênh Vlog, các kênh làm về ẩm thực thì một số hình thức làm YouTube luôn thịnh hành và thu hút được sự quan tâm của đông đảo người xem là các video dạng thử thách, troll (chơi khăm) hay dạng nhạc chế. Đây đa số là những video vô bổ, thậm chí gây hại nhưng lại luôn có lượng view rất cao.
Video nhảm nhí, dung tục không chỉ xuất hiện trên nền tảng video lớn nhất hành tinh là YouTube, mạng xã hội Facebook, Tiktok cùng nhiều nền tảng khác cũng là môi trường thuận lợi để video xấu độc hoành hành.
Tiktok với cách tiếp cận và sử dụng còn đơn giản hơn YouTube đang tràn ngập những thông tin xấu độc, video nhảm nhí, vô bổ. Tốc độ lan truyền ở nền tảng này thậm chí còn nhanh hơn YouTube.
Bình luận