Kiếm cả tỷ đồng, vì sao cầu thủ vẫn bán độ?

Thể thaoThứ Tư, 23/07/2014 08:38:00 +07:00

Khi mà lương cầu thủ đã ở mức vài chục triệu đồng, mỗi năm thu nhập cả tỉ bạc, mà các cầu thủ vẫn bán. Vì sao?

Khi mà lương cầu thủ đã ở mức vài chục triệu đồng, mỗi năm thu nhập cả tỉ bạc, mà các cầu thủ vẫn bán. Vì sao?

Bất chấp để… bán


Một trang web chuyên về thể thao đưa ra câu hỏi: “Theo bạn, cầu thủ bán độ là do đâu?”. Kết quả là 57% chọn phương án “Bản thân cầu thủ bất chấp vì ham tiền”, 35,5% chọn “Do kiểu làm chộp giật của bóng đá Việt Nam”. Rất ít người tin rằng những cầu thủ bán độ là do lương cầu thủ thấp, cá độ mới đủ sống, hay hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn.
Cuộc sống sang giàu của Đức Thiện 1 trong 6 cầu thủ Đồng Nai vừa bị bắt
Ngay sau khi vụ các cầu thủ Đồng Nai hé lộ thì nhiều trang mạng đã nhanh chóng “cập nhật” gia cảnh một số cầu thủ bị cơ quan công an “sờ gáy”. Điển hình như Nguyễn Thành Long Giang - cầu thủ trưởng thành từ giải U.21, từng 3 lần khoác áo U.23 dự SEA Games - là con một trong gia đình làm kinh doanh, nên cơ ngơi mà bố mẹ để lại cho Giang khá hoành tráng. Chưa kể, cầu thủ gốc Tiền Giang này từng có một hợp đồng chuyển nhượng lên tới 5 tỉ đồng với Navibank Sài Gòn.

Hay như Hữu Phát - cầu thủ được cho là chủ mưu trong vụ bán độ - thì chuẩn bị mở một quán karaoke 9 tầng trên lô đất 200 m2 ở Đồng Nai.

Những trường hợp này khiến người ta nhớ lại những “ông trùm” trong vụ 9 cầu thủ V.Ninh Bình bán độ cách đây chưa đầy 3 tháng, đều là những “đại gia”: Trần Mạnh Dũng - người vừa kỷ niệm 1 năm ghi bàn vào lưới Arsenal, trong trại tạm giam - từng có hợp đồng cực khủng gần chục tỉ đồng. Còn Nguyễn Mạnh Dũng - vừa là cầu thủ vừa là chủ doanh nghiệp, tài sản đáng giá triệu USD, vẫn... bán.
Cơ ngơi đáng mơ ước của Long Giang
Điểm lại 2 vụ bán độ nổi cộm, nhiều người giật mình bởi bóng đá VN gần như mất nguyên một thế hệ cầu thủ sinh từ 1988 tới 1992 với những người từng khoác áo tuyển, U.23 và các tuyển trẻ. Đó là Trần Mạnh Dũng, Lê Quang Hùng, Chu Ngọc Anh, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Gia Từ của V.Ninh Bình. Đó là Long Giang, Đức Thiện, Thế Sơn, Đình Hiệp, Kiên Trung, Niệm Tiến của Đồng Nai.

Lẽ ra, đó là những cầu thủ giờ đang ở độ chín của sự nghiệp, nhưng thay vì khoác áo đội tuyển QG, họ chọn con đường bán độ để khoác đồng phục của... trại giam.

Bầu Đức đã đúng khi cách ly U.19 khỏi môi trường V.League

Chủ tịch CLB SLNA, ông Nguyễn Hồng Thanh nói: “Đừng tưởng chỉ có những người ít hiểu biết mới tham gia cá độ. Sinh viên, trí thức bây giờ cũng lao vào cờ bạc, cá độ bóng đá rất nhiều. Tôi cho rằng, một bộ phận cầu thủ cũng có máu đỏ đen, thích cá độ.

Để giải quyết, phải là những giải pháp toàn diện: Xã hội lành mạnh, cầu thủ phải được sống trong môi trường, gia đình lành mạnh và quan trọng là, trong quá trình đào tạo trẻ phải xác định cho họ là việc tham gia cá độ là tuyệt đối cấm, nếu cố tình tham gia sẽ phải trả giá cực đắt.
Bóng đá Việt kỳ vọng vào lứa U19 Việt Nam
Với SLNA, ngoài việc trang bị kiến thức, dạy dỗ đạo đức cho cầu thủ, thì những nhà quản lý như chúng tôi cũng phải có thái độ rõ ràng: Cần lập tức loại cầu thủ có biểu hiện tham gia cá độ, bất kể cầu thủ đó có giỏi đến mức nào”.


Bóng đá là môi trường đầy cám dỗ và dường như trong quá trình đào tạo cầu thủ, các CLB mới chỉ hướng dẫn các cầu thủ nhận đúng chứ chưa dạy họ cách “từ chối đúng”.

Chỉ bầu Đức của HAGL mới mang lại những bài học “nhận đúng”. Đó là khi U.19 VN (nòng cốt là HAGL-Arsenal JMG) thi đấu thành công tại giải Đông Nam Á 2013, VFF quyết định thưởng một khoản tiền lớn cho đội.

Tuy nhiên, bầu Đức đã cấm các cầu thủ nhận tiền. Bầu Đức nói: “Tôi hiểu rất rõ gia đình của nhiều cầu thủ nhí ở quê nghèo lắm, mình có nhiều cách giúp đỡ cho gia đình bọn nhỏ, đâu nhất thiết phải thưởng nóng, thưởng nguội. Tôi cấm cầu thủ tuyệt đối đụng đến tiền, không đá banh vì tiền, mà phải vì màu cờ sắc áo, vì trách nhiệm”.


Bầu Đức đã bảo vệ được các cầu thủ của mình, ít nhất dạy họ cách từ chối đồng tiền để sau này miễn nhiễm với những cám dỗ ở V.League. Đó cũng là lý do bầu Đức kiên quyết cách ly U.19 ra khỏi V.League và đưa đội này đi tập huấn ở nước ngoài.

Hai vụ cá độ, hơn 10 cầu thủ trẻ từng khoác áo các đội tuyển đối mặt với nguy cơ bị cấm thi đấu vĩnh viễn, trong đó hầu hết là những cầu thủ được cho là ngoan, hiền.

Trong chuyện này, đâu phải những nhà quản lý, những ông bầu ở các CLB vô can?

Theo Lao Động
Bình luận
vtcnews.vn