Chiến thuật phi đối xứng
Theo Chinamil, xét về ưu thế vũ khí, Triều Tiên đang ở thế yếu so với đối thủ bên kia biên giới là liên quân Mỹ - Hàn. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un trao súng cho một binh lính Triều Tiên - Ảnh: KCNA
Tuy nhiên, sức mạnh quân đội Triều Tiên nằm ở tinh thần chiến đấu quật cường và niềm tin rằng họ sẽ chiến thắng mọi đối thủ.
Dù vậy, Triều Tiên sẽ phải ở thế bị dồn ép khi mà hầu hết trang bị vũ khí của nước này đều chỉ là hàng cải tiến từ thời chiến tranh liên Triều.
Một số chuyên gia quân sự trên các trang mạng phương Tây cho rằng, triết lý quân sự Triều Tiên chịu ảnh hưởng lớn từ Liên Xô (cũ) và vũ khí cũng đa phần do Liên Xô viện trợ.
Nhưng theo Chinamil, thực sự Bình Nhưỡng không có nhiều lựa chọn dù họ thừa hiểu tầm quan trọng của thiết bị, khí tài quân sự.
Vũ khí Triều Tiên bị cho là cũ kỹ - Ảnh: KCNA |
Chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng, với điều kiện địa lý của mình, Triều Tiên buộc phải tấn công chứ không thể phòng thủ do dọc biên giới nước này có quá nhiều điểm để quân địch đổ bộ.
Do đó, nguồn tin của Chinamil dẫn tài liệu quân sự Bình Nhưỡng nói bài học cơ bản của quân đội Triều Tiên là: Tấn công.
Bị bao vây về kinh tế, cấm vận quân sự cũng là những điều khiến quân lính Triều Tiên khó lòng có các trang bị hiện đại.
Điểm yếu chí tử nữa của Triều Tiên là lực lượng không quân, vốn lâu nay bị cho là không phải đối thủ của láng giềng Hàn Quốc.
Tên lửa phòng không Triều Tiên - Ảnh: Chinamil |
Một đại tá không quân Triều Tiên đào ngũ sang Hàn Quốc năm 2010 từng nói rằng mỗi năm ông ta chỉ có 34 giờ bay, do quân đội không đủ xăng cung cấp cho máy bay.
Tổng hợp những yếu tố trên, Chinamil cho rằng nếu chiến tranh nổ ra, Triều Tiên bắt buộc sử dụng chiến thuật phi đối xứng: nhằm vào điểm yếu của đối phương để tung đòn sấm sét, tránh đối đầu trực tiếp quy mô lớn.
Kinh tế cũng là điểm yếu của Triều Tiên nếu có chiến tranh. Theo thông tin từ Bộ Thống nhất Hàn Quốc, chi phí cho 2 vụ quả tên lửa được phóng trong năm ngoái trị giá khoảng 600 triệu USD, các khu vực phóng tiêu tốn 400 triệu USD cho công tác chuẩn bị và các chi phí khác khoảng 300 triệu USD nữa.
Một quan chức của Bộ Thống nhất Hàn Quốc nhận xét: "Số tiền này có thể mua được 4.5 triệu tấn ngô. Nếu nó được dùng để mua lương thực thì Triều Tiên có thể không phải lo nghĩ về thực phẩm trong vòng 4-5 năm tới".
Theo thống kê của tổ chức CIA World Factbook, tổng giá trị của nền kinh tế Triều Tiên hiện nay chỉ vào khoảng 40 tỉ USD.
Tuy nhiên, số tiền 1.3 tỉ USD chỉ là ước tính của Hàn Quốc, chi phí thực tế có thể thấp hơn nhiều do chi phí nhân công và những nguyên liệu tự túc của Triều Tiên khá rẻ.
Theo ông Cheong Wook-Sik, Giám đốc Tổ chức phi chính phủ Mạng lưới hòa bình Hàn Quốc, những công nhân ở khu liên hợp công nghiệp Kaesong chỉ có thu nhập khoảng 100 USD/tháng.
Thế nhưng thu nhập này là khá cao so với mức lương trung bình, nếu không làm việc ở Kaesong, công nhân Triều Tiên chỉ kiếm được khoảng 50 USD/tháng tiền công.
“Nắm đấm hạt nhân” mạnh cỡ nào?
Sức hủy diệt của quân đội Triều Tiên chính là vũ khí hạt nhân, thế nhưng so với bên kia chiến tuyến, khi mà Mỹ tuyên bố che “ô hạt nhân” cho Hàn Quốc, ưu thế này giảm đi rõ rệt.
Bởi Triều Tiên chỉ mới sở hữu công nghệ hạt nhân, trong khi Mỹ đã thành công với thứ vũ khí hủy diệt này từ hàng chục năm trước.
Ảnh chụp từ vệ tinh về bãi thử hạt nhân của Triều Tiên - Ảnh: AP |
Trong khi đó, đồng minh lớn nhất là Bắc Kinh lâu nay luôn tuyên bố về “sự trỗi dậy hòa bình”, nên các chuyên gia quân sự tin rằng Trung Quốc sẽ không tham chiến với vũ khí hạt nhân.
Trong điều kiện này, Triều Tiên buộc phải sử dụng những gì mình có mà không có sự chống lưng được cho là rất đáng kể của Trung Quốc – năng lực hạt nhân tạm coi là đủ sức tranh hùng với Mỹ.
Nếu kịch bản chiến tranh hạt nhân xảy ra, Triều Tiên dường như cũng không có lợi thế. Có thể Mỹ sẽ mất vài thành phố (trong điều kiện lý tưởng là tên lửa Triều Tiên vượt qua lá chắn phòng thủ Mỹ), thì lượng tên lửa hạt nhân chiến lược, chiến thuật của Mỹ quá thừa khả năng và cái cớ để hủy diệt toàn bộ Triều Tiên – quốc gia có diện tích không lớn.
Triều Tiên được cho là sở hữu tên lửa đạn đạo bắn tới Mỹ - Ảnh: Chinanews |
Trên thực tế, lâu nay Triều Tiên bị cho là vẫn luôn dùng ‘lá bài hạt nhân’ để giành thế có lợi trong đàm phán với Mỹ.
Cũng giống như Syria, Pakistan, Lybia, Iran, hiện chưa có thông tin nào cụ thể về năng lực hạt nhân Triều Tiên, nhưng lá bài đó luôn là thứ có sức mạnh trên bàn đàm phán.
Hiện nay, Triều Tiên có rất nhiều cơ sở phục vụ và thử nghiệm hạt nhân như: cơ sở hạt nhân Yongbyon có lò phản ứng Taechon và nhà máy làm giàu uranium ở Pakchon ở ngay bên cạnh lò phản ứng Teachon; lò phản ứng Sinpo ở phía đông bắc của Triều Tiên; cơ sở nhiên liệu Sunchon ở rất gần thủ đô Bình Nhưỡng; cơ sở khai thác Uranium ở Pyongsan tỉnh Bắc Hwanghae bao gồm hai mỏ Uranium là Kumdongsan và Kumchon.
Tên lửa đạn đạo
Theo các chuyên gia quân sự phương Tây và Trung Quốc, tên lửa đạn đạo chính là lực lượng xuất sắc nhất trong quân đội Triều Tiên.
Lực lượng này được sự trợ giúp đắc lực của những chuyên gia thời Liên Xô. “Sức mạnh tên lửa Liên Xô là điều đã được chứng tỏ trên chiến trường, vì thế công nghệ tên lửa Triều Tiên kế thừa từ Liên Xô cũng không thể coi thường”.
Lực lượng tên lửa chiến lược Triều Tiên - Ảnh: KCNA |
Nguồn tin của trang tin quân sự Military.net còn nói Triều Tiên cũng nhận được sự viện trợ về kỹ thuật tên lửa từ Trung Quốc sau khi Bắc Kinh phóng thành công tên lửa Trường Chinh đưa tàu vũ trụ vào quỹ đạo.
Tên lửa chủ lực hiện nay của Triều Tiên được cho là mô phỏng SAM 7 của Liên Xô với tầm bắn đủ sức vươn tới bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Hàn Quốc, Nhật Bản.
Tên lửa Taepodong được cho là vươn tới tận Mỹ với tầm bắn khoảng 10.000km. Sau vụ phóng thành công tên lửa tầm xa đưa vệ tinh vào quỹ đạo hồi tháng 12 năm ngoái, Triều Tiên trở thành một trong 5 quốc gia sở hữu công nghệ tên lửa không gian.
Nói cách khác, về cơ bản, Triều Tiên đã nắm giữ sức mạnh chế tạo tên lửa đạn đạo – thứ vũ khí có thể quyết định thắng bại trên chiến trường.
Văn Việt
Bình luận