• Zalo

Không nhận chìm chất nạo vét ở Vĩnh Tân: Minh chứng của Chính phủ kiến tạo và phục vụ

Thời sựThứ Sáu, 18/08/2017 14:58:00 +07:00Google News

Xử lý vật, chất nạo vét của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, giải pháp nhỏ cho câu chuyện lớn an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.

Trong thời gian qua, vấn đề xử lý vật chất từ hoạt động nạo vét tại vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 tại vùng biển xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận đã nhận được sự quan tâm rộng rãi của dư luận xã hội.

Câu chuyện Vĩnh Tân 1 không chỉ liên quan đến một dự án nhiệt điện mà thực ra là bài toán cần có lời giải tối ưu về đảm bảo an ninh năng lượng đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước và đời sống của nhân dân đồng thời với bảo vệ môi trường.

Ở một phạm vi nhỏ hơn, cho phép nhận chìm ở Vĩnh Tân 1 nằm trong quy hoạch tổng thể xử lý vật chất nạo vét của cả Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân mà chắc chắn quy hoạch tổng thể này phải bao gồm toàn diện các giải pháp từ nhận chìm, san lấp lấn biển và sử dụng vật chất nạo vét làm vật liệu, theo cách mà thế giới vẫn làm.

vinh-tan-1

Vũng quay tàu trước nhà máy Vĩnh Tân 1. (Ảnh: Phước Tu)

Trên một bình diện khác, mặc dù quyết định cho phép nhận chìm đã được ban hành nhưng với tinh thần trách nhiệm, thận trọng, khoa học và hơn cả là lắng nghe tiếng nói của cộng đồng, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, các cơ quan quản lý đã tích cực vào cuộc để đánh giá lại, thuê đơn vị khảo sát độc lập, tham vấn ý kiến của các nhà khoa học.

Không thể rõ ràng hơn, thông điệp nhất quán của Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan là giải pháp phải đảm bảo về mặt tiến độ cho phát điện để đáp ứng yêu cầu về an ninh năng lượng cho các tỉnh phía Nam; dành đủ thời gian để các nhà khoa học đánh giá một cách khách quan, toàn diện tác động môi trường; đề xuất được các biện pháp tổng thể xử lý đối với vật chất nạo vét của các cảng biển thuộc Trung tâm điện lực Vĩnh Tân.

Phương án tối ưu sử dụng vật, chất nạo vét của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 để san lấp vào khu lấn biển của Cảng tổng hợp thuộc Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận đã được phê duyệt.

Đây là khu vực dự kiến lấn biển bằng cách đổ vật chất từ hoạt động nạo vét của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 4, đã xây kè kiên cố để có thể tiếp nhận ngay khoảng 1 triệu m3 vật, chất nạo vét. Giải pháp này đồng thời đảm bảo tiến độ phát điện đáp ứng yêu cầu an ninh năng lượng cho các tỉnh phía Nam, tránh các tranh chấp pháp lý có thể phát sinh theo hợp đồng BOT mà Bộ Công Thương thay mặt Chính phủ đã ký với nhà đầu tư.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Chính phủ thì việc to, việc nhỏ đều nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân. Vì vậy, nhân dân lại có nhiệm vụ giúp đỡ Chính phủ và làm đúng chính sách của Chính phủ, để Chính phủ làm tròn phận sự mà nhân dân đã giao phó cho”.

Video: Không nhận chìm xuống biển, 1 triệu m³ vật chất sẽ về đâu?

Ngày 4/5/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Chính phủ đẩy mạnh việc chuyển phương thức chỉ đạo điều hành từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ”. Chính phủ kiến tạo bản chất là thực hiện “cho đúng, cho đủ” những chức năng, nhiệm vụ của một Nhà nước pháp quyền hiện đại trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; Tăng trưởng xét đến cùng là công việc của người dân và doanh nghiệp, nhiệm vụ của Chính phủ và địa phương là tạo tiền đề để người dân, doanh nghiệp có thể làm ăn ổn định, phát triển và tạo ra tăng trưởng.

Sẽ còn nhiều cách nhìn nhận về sự việc này nhưng có một niềm hy vọng đang rõ ràng được nhen nhóm và hiện thực hóa. Đó là niềm hy vọng về một nền hành chính phục vụ, nơi mà nguyện vọng người dân, lợi ích của doanh nghiệp và định hướng phát triển được cộng hưởng trong một nỗ lực chung vì tương lai bền vững của đất nước.

PV
Bình luận
vtcnews.vn