• Zalo

Không biết cách 'hạ hỏa' coi chừng đột quỵ

Sức khỏeThứ Ba, 14/06/2016 07:45:00 +07:00Google News

Thời tiết nắng nóng gay gắt và kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt cũng như sức khỏe con người, có thể gây các bệnh nguy hiểm như: say nắng, say nóng, tim mạch, đột quỵ…

Theo trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương dự báo, mùa hè năm 2016 có không ít những đợt nắng nóng trên diện rộng và kéo dài, đặc biệt là khu vực Hà Nội, Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người.

Thời tiết nóng nực có thể gây tăng và hạ đường máu khiến nhiều người bị ngất xỉu đột ngột, thậm chí dẫn đến hôn mê. Nếu không cấp cứu kịp thời có thể để lại biến chứng não không phục hồi, hoặc gây tử vong.

5_buoc_so_cuu_dung_cach_giup_nguoi_ngat_xiu_giu_lai_tinh_mang_1

Thời tiết nắng nóng dễ gây ngất xỉu, đột quỵ

Thân nhiệt bình thường của con người là 37oC. Nhưng tiếp xúc kéo dài với nắng nóng, khoảng trên 40oC, cơ thể bắt đầu đổ mồ hôi, thân nhiệt cũng dần tăng lên. Nếu thân nhiệt của cơ thể chạm ngưỡng 40oC và tiếp tục phơi mình trong điều kiện nhiệt độ cực cao, mồ hôi càng toát ra nhiều thì hiện tượng mất nước càng nghiêm trọng, dẫn đến chứng đột quỵ nhiệt. Người đột quỵ nhiệt có thể mê sảng, co giật và hôn mê, thậm chí tử vong nếu không được điều trị y tế khẩn cấp.

Nếu gặp trường hợp bị đột quỵ nhiệt, trước hết, cần đưa bệnh nhân vào chỗ mát, cách ly với môi trường nắng nóng bên ngoài. Cởi bớt quần áo, phun nước lạnh vào người bệnh nhân. Khi nhiệt độ xuống 38oC, gọi cứu thương hoặc đưa đến cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục theo dõi điều trị.

1418872161huong-dan-an-toan-600x427

Nếu phải làm việc dưới trời nóng cần trang bị bảo hộ lao động kỹ càng (Ảnh minh hoạ)

Đề phòng đột quỵ nhiệt, nên tránh đi lâu, làm việc kéo dài ngoài trời khi trời nắng to; trang bị bảo hộ lao động phòng tránh nắng nóng; môi trường làm việc cần thông gió, thông khí đảm bảo; không hoạt động gắng sức khi cơ thể mệt mỏi, ăn uống không đầy đủ.

Bên cạnh đó, phản ứng sốc nhiệt của cơ thể khi nhiệt độ thay đổi đột ngột cũng rất hay xảy ra. Sự chênh lệch nhiệt độ nhiều sẽ làm nhiệt độ cơ thể hạ đột ngột, mồ hôi không toát ra được, tổn hại đến trung khu thần kinh. Biểu hiện đầu tiên là mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, nếu nặng sẽ gây khó thở dẫn đến trạng thái hôn mê.

Vì thế, để tránh sốc nhiệt, nên dừng lại ở những chỗ mát hơn nhiệt độ ngoài trời từ 3-5 phút rồi mới vào trong phòng lạnh. Đồng thời, khoảng cách nhiệt độ ngoài trời nắng và nhiệt độ trong phòng chỉ nên chênh nhau từ 8 - 10 độ là an toàn nhất.

meo-duong-trang-da-cho-dan-van-phong

 Cần uống đủ nước để bổ sung lượng nước bị mất qua mồ hôi 

Để phòng ngừa rủi ro trong thời tiết nắng nóng, quan trọng nhất cần uống đủ nước để bổ sung lượng nước bị mất qua mồ hôi, uống khoảng 1-2 ly nước mỗi giờ để tránh đột quỵ nhiệt.

Khi phải ra ngoài nắng, nên mang theo dung dịch nước có pha đường, muối và baking soda. Đây là loại nước chứa chất điện giải, giúp bổ sung năng lượng, thúc đẩy chức năng của các khoáng chất trong cơ thể, ngăn được tình trạng mất nước, duy trì cơ thể khỏe mạnh, giúp chống chọi với thời tiết khắc nghiệt.

Video: Phòng ngừa đột quỵ mùa hè

Thúy Nga
Bình luận
vtcnews.vn