Chẳng biết thông tin từ đâu, giới săn cổ vật cứ ùn ùn tìm đến đòi mua. Bảo quản, trông nom những báu vật mà mình vô tình tìm được, gia đình bà Điếm đã nhiều bận nguy nan, khốn khổ.
Quà cho người sùng Phật
Bà Điếm kể, bà tìm thấy hai pho tượng trên cách đây đã ngót 40 năm. Chuyện này, theo bà thì phải có duyên mới gặp. Ngày ấy, nơi bà đang ở bây giờ hoang vu lắm. Bởi trận lụt lịch sử năm 1971, mất nhà, mất đất canh tác nên từ làng ngoài đường cái, vợ chồng bà phải khăn gói vào đây phát nương trồng sắn sống qua ngày.
Cạnh nơi bà làm rẫy khi xưa là ngôi chùa cổ, nghe các cụ cao niên kể lại thì đó là một ngôi chùa lớn, được xây dựng từ ngàn năm trước. Tuy nhiên, thời điểm đó, bởi qua chiến tranh, thiên nhiên cùng con người tàn phá, ngôi chùa đồ sộ thuở nào chỉ còn là đống đổ nát hoang tàn. Dấu tích còn sót lại của ngôi chùa ấy là khoảnh đất rộng thênh thang và một cột tháp nghiêng ngả.
Thiện căn, sùng Phật nên bà đã mở lối lên ngôi chùa đó và bỏ công sức dọn dẹp đống hoang tàn ấy. Mồng một, ngày rằm, bà vẫn đều đặn lên đó khói hương. Bà bảo, chính bởi sự kính trọng đó mà bà đã được Phật ban cho báu vật. Hôm ấy, vợ chồng bà đang làm việc dưới vườn nhà thì giật mình khi thấy có tiếng động ở cột tháp gần nền chùa cổ.
Khi vợ chồng bà lên gần tới nơi, thấy động, mấy người đang hì hục đào bới dưới chân tháp vội vàng bỏ chạy, bỏ lại đống đồ nghề là cuốc, thuổng, xẻng, choòng… Thì ra chúng là những tên chuyên săn tìm cổ vật. Tới nơi, vợ chồng bà đã sững sờ khi thấy cột tháp đã bị phường đạo tặc đào tận gốc theo kiểu hàm ếch.
Bị cưa chân, tháp nghiêng gần đổ. Không thể để ngọn tháp cuối cùng đó gục ngã, vợ chồng bà bảo nhau xúc đất, kèn đá để dựng tháp lại như cũ. Và, trong quá trình cải tạo đó, những báu vật trên đã lộ ra từ dưới chân tháp.
Bà Điếm kể, thành kính rước các “ngài” về nhà, bà cũng chẳng nghĩ đó là khối tài sản khổng lồ mà chỉ đơn giản, đức Phật nhờ bà trông coi thì bà phải hoàn thành nhiệm vụ, khi nào chùa được trùng tu thì bà sẽ đem trả lại.
Nhưng rồi, chẳng biết thông tin từ đâu, giới săn cổ vật cứ ùn ùn tìm đến đòi mua. Người đưa giá thế này, người đòi đổi thứ kia, toàn những món hời ngút mắt, thế nhưng, tự nhủ lòng rằng đã hứa với Phật thì không được hai lòng, bà dứt khoát không đếm xỉa đến chuyện bán chác ấy.
Và, để tránh những ánh mắt tò mò cùng những cuộc ngã giá không mong muốn đó, bà đem 2 “ngài” đi tá túc ở khắp những gia đình mà mình tin tưởng. Thế nhưng, những nhà ấy chỉ giữ được một thời gian rồi lại đem trả lại bà, bởi họ cũng không chịu được sự nhiễu phiền của những vị khách săn đồ cổ không mời mà đến.
Bỏ nhà vì sợ bị săn lùng
Đến giờ, bà Điếm vẫn còn ấn tượng bởi một đoàn khách chừng hơn chục người từ Hà Nội tìm đến nhà bà trên 2 chiếc xe con bóng nhoáng. Nhìn toán khách đó, bà thực sự không có thiện cảm bởi ai nấy mặt mày bặm trợn, nói năng theo kiểu chợ búa, giang hồ. Họ chẳng kỳ kèo gì nhiều, chỉ nói sẽ trả bà số tiền mà bà không thể từ chối để được sở hữu 2 pho tượng ấy.
Quãng đó, nhà bà bấn lắm. Ông đau ốm luôn, thuốc thang tốn kém không biết đâu mà kể. Thương chồng ốm đau, thương mình vất vả, bà thấy những lời thuyết phục khi thì mềm mỏng, khi thì cứng rắn của những vị khách kia cũng xuôi xuôi. Thôi thì trong cơn khốn khó, hay là “gửi lại” các “ngài” cho người ta vậy? Ý nghĩ đó chợt lóe lên trong đầu, thế nhưng nó nhanh chóng biến mất bởi một nỗi sợ hãi mơ hồ.
Bà Điếm kể, chẳng hiểu vì sao khi đó bà lại thấy sợ hãi đến vậy. Bà sợ những người kia lừa bà. Ngần ngừ một lát, bỗng dưng bà buột miệng: “Dù có thế nào tôi cũng không thể bán được!”. Nói xong, bà đứng dậy phăm phăm bỏ đi, mặc những vị khách ngồi ngẩn tò te không hiểu mình đã làm gì khiến gia chủ phật ý. Bà đi ra đến cổng còn nghe rõ tiếng những vị khách đó nói với theo: “Chúng tôi sẽ quay lại!”.
Tối đó, cứ nghĩ tới sự quyết tâm của những vị khách đó, rồi hình ảnh những khuôn mặt hầm hố, bặm trợn, những lời nói sặc mùi xã hội đen của họ, bà lại thấy rờn rợn. Biết đâu đêm nay, hay đêm mai họ lại tìm đến và giữa chốn thanh vắng này, vợ chồng bà biết ứng phó thế nào! Nghĩ thế, bà bàn với chồng một diệu kế để thoát khỏi sự bủa vây không mong muốn đó.
Đêm ấy, khi xóm làng chìm trong giấc ngủ vùi, vợ chồng bà lặng lẽ dậy, rước các “ngài” ra và đào hố chôn ở gốc nhãn trước sân. Chôn xong, bà ngụy trang trên miệng hố bằng đống gạch ngất ngưởng. Sáng hôm sau, cắp rổ ra chợ, bà nói với mọi người rằng, bà vừa bán được món đồ quý cho một vị khách ở mãi miền Nam. Với số tiền đó, vợ chồng bà sẽ đi du lịch dài ngày. Và, cũng từ dạo ấy, không ai đến hỏi mua thứ mà bà đang cất giấu ấy nữa.
Của chùa thì trả nhà chùa
Cách đây vài năm, khi xây được nhà kiên cố, bà Điếm mới dám rước các “ngài” lên. Nằm im dưới đất hơn chục năm mà các “ngài” vẫn bóng loáng như hồi nào. Các con đã lớn, xóm làng đông đúc, xum vầy nên bà không còn sợ bị người lạ quấy quả như trước nữa.
Thêm nữa, chắc do trùng hợp ngẫu nhiên, người ngoài muốn “diện kiến” các “ngài” mà không được các “ngài” ưng thuận thì y rằng ốm đau, hoặc gặp chuyện chẳng lành.
Bà Điếm kể, chừng 3 năm trước, một cán bộ văn hóa đã đến nhà bà và “đè” các “ngài” ra chụp ảnh. Sau đó mấy hôm, bởi về nhà cứ mộng mị rồi lăn ra ốm, sợ hãi, vị cán bộ đó đã phải cho người nhà xuống tận nhà bà thắp hương lễ tạ. Cũng kỳ lạ, chỉ vài ngày sau, vị cán bộ đó lại khỏe mạnh như thường. Bởi sự trùng hợp ngẫu nhiên đó nên từ dạo đó, không ai dám ngang nhiên phạm đến các “ngài” nếu chưa được bà “xin phép” nữa.
Bà Điếm cho biết, đã rất nhiều nhà khảo cổ và những cán bộ làm trong ngành văn hóa đến nhà bà để nghiên cứu về hai pho tượng trên. Tuy nhiên, đến thời điểm này, bà vẫn chưa được biết 2 pho tượng mình đang cất giữ thực chất có phải đồng đen hay là được làm từ kim loại nào khác. Tuy nhiên, theo bà thì dù là chất gì đi chăng nữa, dù trị giá có lớn tới đâu thì của nhà chùa bà cũng sẽ trả lại nhà chùa.
Đúng như lời hứa trước đây, bà chỉ giữ hộ nhà Phật. Vài năm nữa, khi chùa Huyền Thiên được tôn tạo lại, bà sẽ lại rước các “ngài” về đó. Bằng chứng là năm 2004, bà đã có cam kết với các cơ quan quản lý văn hóa, di tích Hải Dương về việc trông coi bảo quản 2 pho tượng này. Theo cam kết đó, nếu để mất mát, hư hỏng, bà sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và bà sẽ phải trao lại 2 pho tượng trên khi chùa Huyền Thiên được tôn tạo xong.
Theo ông Nguyễn Văn Sông - Trưởng ban Di tích thị xã Chí Linh (Hải Dương) thì rất có thể 2 pho tượng mà bà Điếm đang bảo quản, cất giữ là đồng hun chứ không phải đồng đen như nhiều người đồn thổi. Tuy nhiên, dù là gì đi chăng nữa thì hai pho tượng trên đúng là báu vật bởi có giá rất cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Theo ông Sông, hai pho tượng này được chế tác từ thời Hậu Lê, chừng 500 tuổi. Bởi thế, nếu chỉ xét riêng dưới góc độ cổ vật thôi thì giá trị đã lớn vô cùng.
Cũng theo ông Sông, vợ chồng bà Vũ Thị Điếm không những có công giữ gìn 2 cổ vật quý giá trên, mà còn xứng đáng được ghi nhận khi suốt mấy chục năm trời bỏ công bỏ sức canh giữ một khu di tích vô cùng có giá trị thuộc Chí Linh bát cổ, đó là chùa Huyền Thiên. Cũng bởi sự trông coi đó mà đến bây giờ, người dân mới có thể hình dung quy mô, tầm cỡ của ngôi chùa cổ này dù thứ để mường tượng chỉ là… khu đất trống với vô vàn những mảnh gạch, ngói còn vương vãi lại.
Phát lộ linh địa
Chùa Huyền Thiên được xây dựng vào thế kỷ thứ XI thời nhà Lý. Thế kỷ XIII, nhà Trần tiếp tục tôn tạo, mở rộng với quy mô hàng trăm gian và Huyền Thiên trở thành một ngôi chùa danh tiếng đương thời. Tương truyền sau chùa có động gọi là Vân Tiên rộng mấy chục trượng, vách động có muôn vàn thạch nhũ. Nhiều vị danh sĩ nổi tiếng như Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng từng đến thăm và ẩn cư trong động này. Huyền Thiên cũng chính là nơi ba vị Trúc Lâm Tam Tổ tu hành thuyết pháp cho hàng nghìn tăng ni. Trải qua hàng trăm năm, do chiến tranh và thiên nhiên, ngôi chùa bề thế xưa nay chỉ còn là phế tích. Động cổ Vân Tiên cũng không còn dấu tích.
Theo ông Sông, trước đây, bà Điếm đã bỏ tiền túi của mình xây đường đi, phát quanh, tôn tạo tháp cổ ở khu phế tích này. Bởi sự bảo quản, giữ gìn của gia đình bà Điếm sẽ giúp cho việc phục dựng lại ngôi chùa trên được thuận lợi hơn.
Mới đây, năm 2010, UBND thị xã Chí Linh đã có tờ trình với UBND tỉnh Hải Dương xin được phục dựng di tích Huyền Thiên cổ tự, xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Tam Tổ và trùng tu đền thờ Bà chúa Sao Sa, quy hoạch nơi đây thành trung tâm Phật giáo và khu du lịch sinh thái với diện tích khoảng 50ha. Trong đó, chùa Huyền Thiên sẽ phục dựng lại nguyên mẫu các hạng mục vốn có trên nền cũ.
Báu vật mà bà Điếm đang giữ thực chất là gì vẫn còn là một bí ẩn với ngay cả chủ nhân tạm thời là người đàn bà dáng vẻ lam lũ đó. Tuy nhiên, với tất cả những việc bà Điếm đã và đang làm thì quả là đáng trân trọng. Tấm lòng của bà với di tích, với “tài sản của người xưa” để lại cũng chẳng khác nào báu vật ở đời.
Tuệ Linh - Phước Long- NTNN
Quà cho người sùng Phật
Bà Điếm kể, bà tìm thấy hai pho tượng trên cách đây đã ngót 40 năm. Chuyện này, theo bà thì phải có duyên mới gặp. Ngày ấy, nơi bà đang ở bây giờ hoang vu lắm. Bởi trận lụt lịch sử năm 1971, mất nhà, mất đất canh tác nên từ làng ngoài đường cái, vợ chồng bà phải khăn gói vào đây phát nương trồng sắn sống qua ngày.
Cạnh nơi bà làm rẫy khi xưa là ngôi chùa cổ, nghe các cụ cao niên kể lại thì đó là một ngôi chùa lớn, được xây dựng từ ngàn năm trước. Tuy nhiên, thời điểm đó, bởi qua chiến tranh, thiên nhiên cùng con người tàn phá, ngôi chùa đồ sộ thuở nào chỉ còn là đống đổ nát hoang tàn. Dấu tích còn sót lại của ngôi chùa ấy là khoảnh đất rộng thênh thang và một cột tháp nghiêng ngả.
Thiện căn, sùng Phật nên bà đã mở lối lên ngôi chùa đó và bỏ công sức dọn dẹp đống hoang tàn ấy. Mồng một, ngày rằm, bà vẫn đều đặn lên đó khói hương. Bà bảo, chính bởi sự kính trọng đó mà bà đã được Phật ban cho báu vật. Hôm ấy, vợ chồng bà đang làm việc dưới vườn nhà thì giật mình khi thấy có tiếng động ở cột tháp gần nền chùa cổ.
Khi vợ chồng bà lên gần tới nơi, thấy động, mấy người đang hì hục đào bới dưới chân tháp vội vàng bỏ chạy, bỏ lại đống đồ nghề là cuốc, thuổng, xẻng, choòng… Thì ra chúng là những tên chuyên săn tìm cổ vật. Tới nơi, vợ chồng bà đã sững sờ khi thấy cột tháp đã bị phường đạo tặc đào tận gốc theo kiểu hàm ếch.
Bị cưa chân, tháp nghiêng gần đổ. Không thể để ngọn tháp cuối cùng đó gục ngã, vợ chồng bà bảo nhau xúc đất, kèn đá để dựng tháp lại như cũ. Và, trong quá trình cải tạo đó, những báu vật trên đã lộ ra từ dưới chân tháp.
Bà Điếm kể, thành kính rước các “ngài” về nhà, bà cũng chẳng nghĩ đó là khối tài sản khổng lồ mà chỉ đơn giản, đức Phật nhờ bà trông coi thì bà phải hoàn thành nhiệm vụ, khi nào chùa được trùng tu thì bà sẽ đem trả lại.
Nhưng rồi, chẳng biết thông tin từ đâu, giới săn cổ vật cứ ùn ùn tìm đến đòi mua. Người đưa giá thế này, người đòi đổi thứ kia, toàn những món hời ngút mắt, thế nhưng, tự nhủ lòng rằng đã hứa với Phật thì không được hai lòng, bà dứt khoát không đếm xỉa đến chuyện bán chác ấy.
Và, để tránh những ánh mắt tò mò cùng những cuộc ngã giá không mong muốn đó, bà đem 2 “ngài” đi tá túc ở khắp những gia đình mà mình tin tưởng. Thế nhưng, những nhà ấy chỉ giữ được một thời gian rồi lại đem trả lại bà, bởi họ cũng không chịu được sự nhiễu phiền của những vị khách săn đồ cổ không mời mà đến.
Bỏ nhà vì sợ bị săn lùng
Đến giờ, bà Điếm vẫn còn ấn tượng bởi một đoàn khách chừng hơn chục người từ Hà Nội tìm đến nhà bà trên 2 chiếc xe con bóng nhoáng. Nhìn toán khách đó, bà thực sự không có thiện cảm bởi ai nấy mặt mày bặm trợn, nói năng theo kiểu chợ búa, giang hồ. Họ chẳng kỳ kèo gì nhiều, chỉ nói sẽ trả bà số tiền mà bà không thể từ chối để được sở hữu 2 pho tượng ấy.
Quãng đó, nhà bà bấn lắm. Ông đau ốm luôn, thuốc thang tốn kém không biết đâu mà kể. Thương chồng ốm đau, thương mình vất vả, bà thấy những lời thuyết phục khi thì mềm mỏng, khi thì cứng rắn của những vị khách kia cũng xuôi xuôi. Thôi thì trong cơn khốn khó, hay là “gửi lại” các “ngài” cho người ta vậy? Ý nghĩ đó chợt lóe lên trong đầu, thế nhưng nó nhanh chóng biến mất bởi một nỗi sợ hãi mơ hồ.
Nơi bà Điếm tìm thấy 2 pho tượng. |
Bà Điếm kể, chẳng hiểu vì sao khi đó bà lại thấy sợ hãi đến vậy. Bà sợ những người kia lừa bà. Ngần ngừ một lát, bỗng dưng bà buột miệng: “Dù có thế nào tôi cũng không thể bán được!”. Nói xong, bà đứng dậy phăm phăm bỏ đi, mặc những vị khách ngồi ngẩn tò te không hiểu mình đã làm gì khiến gia chủ phật ý. Bà đi ra đến cổng còn nghe rõ tiếng những vị khách đó nói với theo: “Chúng tôi sẽ quay lại!”.
Tối đó, cứ nghĩ tới sự quyết tâm của những vị khách đó, rồi hình ảnh những khuôn mặt hầm hố, bặm trợn, những lời nói sặc mùi xã hội đen của họ, bà lại thấy rờn rợn. Biết đâu đêm nay, hay đêm mai họ lại tìm đến và giữa chốn thanh vắng này, vợ chồng bà biết ứng phó thế nào! Nghĩ thế, bà bàn với chồng một diệu kế để thoát khỏi sự bủa vây không mong muốn đó.
Đêm ấy, khi xóm làng chìm trong giấc ngủ vùi, vợ chồng bà lặng lẽ dậy, rước các “ngài” ra và đào hố chôn ở gốc nhãn trước sân. Chôn xong, bà ngụy trang trên miệng hố bằng đống gạch ngất ngưởng. Sáng hôm sau, cắp rổ ra chợ, bà nói với mọi người rằng, bà vừa bán được món đồ quý cho một vị khách ở mãi miền Nam. Với số tiền đó, vợ chồng bà sẽ đi du lịch dài ngày. Và, cũng từ dạo ấy, không ai đến hỏi mua thứ mà bà đang cất giấu ấy nữa.
Của chùa thì trả nhà chùa
Cách đây vài năm, khi xây được nhà kiên cố, bà Điếm mới dám rước các “ngài” lên. Nằm im dưới đất hơn chục năm mà các “ngài” vẫn bóng loáng như hồi nào. Các con đã lớn, xóm làng đông đúc, xum vầy nên bà không còn sợ bị người lạ quấy quả như trước nữa.
Thêm nữa, chắc do trùng hợp ngẫu nhiên, người ngoài muốn “diện kiến” các “ngài” mà không được các “ngài” ưng thuận thì y rằng ốm đau, hoặc gặp chuyện chẳng lành.
Bà Điếm kể, chừng 3 năm trước, một cán bộ văn hóa đã đến nhà bà và “đè” các “ngài” ra chụp ảnh. Sau đó mấy hôm, bởi về nhà cứ mộng mị rồi lăn ra ốm, sợ hãi, vị cán bộ đó đã phải cho người nhà xuống tận nhà bà thắp hương lễ tạ. Cũng kỳ lạ, chỉ vài ngày sau, vị cán bộ đó lại khỏe mạnh như thường. Bởi sự trùng hợp ngẫu nhiên đó nên từ dạo đó, không ai dám ngang nhiên phạm đến các “ngài” nếu chưa được bà “xin phép” nữa.
Bà Điếm cho biết, đã rất nhiều nhà khảo cổ và những cán bộ làm trong ngành văn hóa đến nhà bà để nghiên cứu về hai pho tượng trên. Tuy nhiên, đến thời điểm này, bà vẫn chưa được biết 2 pho tượng mình đang cất giữ thực chất có phải đồng đen hay là được làm từ kim loại nào khác. Tuy nhiên, theo bà thì dù là chất gì đi chăng nữa, dù trị giá có lớn tới đâu thì của nhà chùa bà cũng sẽ trả lại nhà chùa.
Đúng như lời hứa trước đây, bà chỉ giữ hộ nhà Phật. Vài năm nữa, khi chùa Huyền Thiên được tôn tạo lại, bà sẽ lại rước các “ngài” về đó. Bằng chứng là năm 2004, bà đã có cam kết với các cơ quan quản lý văn hóa, di tích Hải Dương về việc trông coi bảo quản 2 pho tượng này. Theo cam kết đó, nếu để mất mát, hư hỏng, bà sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và bà sẽ phải trao lại 2 pho tượng trên khi chùa Huyền Thiên được tôn tạo xong.
Theo ông Nguyễn Văn Sông - Trưởng ban Di tích thị xã Chí Linh (Hải Dương) thì rất có thể 2 pho tượng mà bà Điếm đang bảo quản, cất giữ là đồng hun chứ không phải đồng đen như nhiều người đồn thổi. Tuy nhiên, dù là gì đi chăng nữa thì hai pho tượng trên đúng là báu vật bởi có giá rất cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Theo ông Sông, hai pho tượng này được chế tác từ thời Hậu Lê, chừng 500 tuổi. Bởi thế, nếu chỉ xét riêng dưới góc độ cổ vật thôi thì giá trị đã lớn vô cùng.
Cũng theo ông Sông, vợ chồng bà Vũ Thị Điếm không những có công giữ gìn 2 cổ vật quý giá trên, mà còn xứng đáng được ghi nhận khi suốt mấy chục năm trời bỏ công bỏ sức canh giữ một khu di tích vô cùng có giá trị thuộc Chí Linh bát cổ, đó là chùa Huyền Thiên. Cũng bởi sự trông coi đó mà đến bây giờ, người dân mới có thể hình dung quy mô, tầm cỡ của ngôi chùa cổ này dù thứ để mường tượng chỉ là… khu đất trống với vô vàn những mảnh gạch, ngói còn vương vãi lại.
Phát lộ linh địa
Chùa Huyền Thiên được xây dựng vào thế kỷ thứ XI thời nhà Lý. Thế kỷ XIII, nhà Trần tiếp tục tôn tạo, mở rộng với quy mô hàng trăm gian và Huyền Thiên trở thành một ngôi chùa danh tiếng đương thời. Tương truyền sau chùa có động gọi là Vân Tiên rộng mấy chục trượng, vách động có muôn vàn thạch nhũ. Nhiều vị danh sĩ nổi tiếng như Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng từng đến thăm và ẩn cư trong động này. Huyền Thiên cũng chính là nơi ba vị Trúc Lâm Tam Tổ tu hành thuyết pháp cho hàng nghìn tăng ni. Trải qua hàng trăm năm, do chiến tranh và thiên nhiên, ngôi chùa bề thế xưa nay chỉ còn là phế tích. Động cổ Vân Tiên cũng không còn dấu tích.
Theo ông Sông, trước đây, bà Điếm đã bỏ tiền túi của mình xây đường đi, phát quanh, tôn tạo tháp cổ ở khu phế tích này. Bởi sự bảo quản, giữ gìn của gia đình bà Điếm sẽ giúp cho việc phục dựng lại ngôi chùa trên được thuận lợi hơn.
Mới đây, năm 2010, UBND thị xã Chí Linh đã có tờ trình với UBND tỉnh Hải Dương xin được phục dựng di tích Huyền Thiên cổ tự, xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Tam Tổ và trùng tu đền thờ Bà chúa Sao Sa, quy hoạch nơi đây thành trung tâm Phật giáo và khu du lịch sinh thái với diện tích khoảng 50ha. Trong đó, chùa Huyền Thiên sẽ phục dựng lại nguyên mẫu các hạng mục vốn có trên nền cũ.
Báu vật mà bà Điếm đang giữ thực chất là gì vẫn còn là một bí ẩn với ngay cả chủ nhân tạm thời là người đàn bà dáng vẻ lam lũ đó. Tuy nhiên, với tất cả những việc bà Điếm đã và đang làm thì quả là đáng trân trọng. Tấm lòng của bà với di tích, với “tài sản của người xưa” để lại cũng chẳng khác nào báu vật ở đời.
Tuệ Linh - Phước Long- NTNN
Bình luận