• Zalo

Khi nghệ sĩ Việt 'diễn' quá đà trên sân khấu

Văn hóa - Giải tríThứ Tư, 08/08/2012 07:03:00 +07:00Google News

(VTC News) - Không ít người nghệ sĩ bị cho là đã “diễn” một cách quá đà trên sân khấu, khiến dư luận chỉ trích vì khoác lên mình tấm áo giả tạo.

(VTC News) - Không ít người nghệ sĩ bị cho là đã “diễn” một cách quá đà trên sân khấu và bị dư luận chỉ trích vì khoác lên mình tấm áo giả tạo.

Tiết mục của thí sinh nhí Nhật Tiến trong chương trình Đồ rê mí mới đây với màn khóc lóc vô cùng biểu cảm đã khiến khán giả và cộng đồng mạng dấy lên tranh luận: Cậu bé xúc động thật hay được người lớn dậy khóc trên sân khấu?

Tiết mục của Nhật Tiến đã làm dấy lên những tranh luận 

Cảm xúc và sự thăng hoa trong nghệ thuật là điều không thể thiếu với bất kì người nghệ sĩ nào khi đứng trên sân khấu. Nhiều tác phẩm nghệ thuật cất cánh không chỉ vì nội dung ý nghĩa, ca từ hay, sâu sắc hay câu chuyện phía sau nó mà còn vì những cảm xúc lắng đọng và đầy xúc động của người nghệ sĩ thể hiện nó.

Hình ảnh diva Mỹ Linh rơi nước mắt trên từng nốt nhạc của cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn hay ca sĩ Thu Phương khóc vì niềm hạnh phúc được cất tiếng hát trên quê hương sau 9 năm xa cách đã trở thành những hình ảnh đẹp trong lòng công chúng. Những cảm xúc rất thật ấy đã khiến nghệ thuật được mang tới người xem nhiều hơn một thông điệp ý nghĩa.

Nhưng bên cạnh đó không ít tiết mục bị cho là đã “diễn” một cách quá đà, thiếu đi cảm xúc thật khiến dư luận chỉ trích vì khoác lên mình tấm áo giả tạo, điều tối kị đối với những người làm nghệ thuật.

Những màn khóc bị nghi ngờ trên sân khấu

Nhiều nghệ sĩ quan niệm sân khấu khác đời thực, đời không trả cát-xê nên không cần phải diễn, còn sân khấu thì ngược lại, họ nhận cát-xê nên đương nhiên cần phải diễn, nhưng không hẳn, có những khi nghệ thuật chỉ thăng hoa được bằng cảm xúc thật.

Ở đây không thể không nhắc tới màn “diễn” được cho là "kinh điển" của ca sĩ Cao Thái Sơn trong một chương trình âm nhạc phát lên sóng truyền hình cách đây ít lâu. Chàng ca sĩ nhập tâm vào bài hát đến mức không kìm nén nổi cảm xúc, tuôn nước mắt như mưa. Khán giả càng xúc động khi nghe Cao Thái Sơn tâm sự về người bạn mới mất, và mỗi khi hát bài này đều khiến chàng ca sĩ bồi hồi nhớ lại.

Màn hát nhép khóc như mưa của Cao Thái Sơn được cho là kinh điển 

Nhưng chỉ ít ngày sau, báo chí đồng loạt đưa tin Cao Thái Sơn hát nhép, nhà sản xuất chương trình cũng xác nhận việc chàng ca sĩ hát nhép là có thật. Dư luận đặt câu hỏi vậy khi mấp máy môi theo một ca khúc được thu âm sẵn thì yếu tố cảm xúc sẽ bật ra bằng cách nào mà Cao Thái Sơn có thể khóc lóc ngon lành như thế trên sân khấu?

Tiết mục kinh điển của Cao Thái Sơn 

Vụ việc này nằm trong chuỗi scandal ầm ĩ của chàng ca sĩ Con đường mưa khiến dư luận càng chỉ trích hành động “diễn tuồng” thái quá khi đứng trên sân khấu.

Là một trong những chương trình truyền hình thực tế khá ăn khách, Vietnam’s Next Top Model 2011 cũng sử dụng chiêu cảm xúc và lấy nước mắt người xem như một phần trong công thức tạo nên sự thành công.

Hiếm có một chương trình nào mà các thí sinh lại mau nước mắt đến vậy, hầu hết tập phát sóng nào người xem cũng thấy các thí sinh hoặc ngay chính cả BGK rơi lệ vì những lý do hết sức ngớ ngẩn như Lê Thị Thúy không tìm thấy chỗ ngủ hay bật khóc vì lời nhận xét đơn thuần của BGK.

Những câu chuyện cảm động về thí sinh tham gia các show truyền hình thực tế không còn là quá hiếm gặp, hình ảnh "cô bé xương thủy tinh" Vietnam's Got Talent với đôi chân tật nguyền dùng trái tim để hát trên sân khấu tìm kiếm tài năng đã chạm tới sự thổn thức của hàng triệu người, và ai cũng biết đó là những giọt nước mắt rất thật, của một tâm hồn có quyền ước mơ như những người bình thường khác. Nhưng như thế không có nghĩa là giọt nước mắt nào cũng được đánh đồng là sự bộc lộ cảm xúc.

Trong tập phát sóng The Voice diễn ra cách đây mấy ngày, hình ảnh Tiêu Châu Như Quỳnh, cháu gái Lam Trường bật khóc vì hạnh phúc khi được ả 4 vị HLV cùng chọn khiến dư luận nghi ngờ cô ca sĩ đã nhẵn mặt trên các cuộc thi âm nhạc này đang “diễn”.

Như Quỳnh là cái tên không còn xa lạ với kha khá giải thưởng về âm nhạc, cô cũng xuất hiện trên truyền hình, trên các sân khấu ca nhạc với vai trò ca sĩ từ cách đây khá lâu, và sự lựa chọn của cả 4 vị HLV lẽ ra Như Quỳnh phải coi là điều không quá ngạc nhiên trong mặt bằng chung các thí sinh đến với cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc.

Thế nên sau khi kết thúc phần thể hiện ca khúc I will survise Tiêu Châu Như Quỳnh bật khóc vì quá hạnh phúc đã không ít người nghi ngờ về độ chân thực khi Như Quỳnh thế hiện cảm xúc này.

Có phải cả Hồ Ngọc Hà và Như Quỳnh đều đang "diễn" 

Sự xúc động của Hồ Ngọc Hà trên hàng ghế HLV khi nghe Như Quỳnh trình bày ca khúc này cũng bị không ít người cho là “diễn” hơi quá đà. Vì Như Quỳnh hát hay là điều không ai phủ nhận, nhưng để chạm tới sự sâu lắng của cảm xúc khiến người nghe rơi lệ thì dường như “chưa tới”.

Nhiều người cho rằng Hồ Ngọc Hà lấy nước mắt để mua chuộc thí sinh, vì Tiêu Châu Như Quỳnh được coi như một thí sinh thuộc hàng át chủ bài mà bất kì vị HLV nào cũng muốn có.

Người làm nghệ thuật là người truyền lửa


Quay trở lại với câu chuyện của cậu bé Nhật Tiến trong chương trình Đồ rê mí. Bê gần như y đúc ý tưởng của cậu bé Uddam người Mông Cổ đã hát bài này trong chương trình China's Got Talent, Nhật Tiến cũng được người lớn dựng nên tiết mục với hình ảnh và câu chuyện về cậu bé gặp mẹ trong mơ.

Nếu như Uddam khiến hàng triệu triệu trái tim trên toàn thế giới thổn thức vì cậu bé hát bằng cảm xúc rất thật, và bài hát cũng chính là câu chuyện cuộc đời cậu thì Nhật Tiến lại làm dấy lên những tranh luận gay gắt vì bên cạnh những ý kiến cho rằng Nhật Tiến bộc lộ cảm xúc thật thì nhiều người cho rằng cậu bé được “dậy diễn” một cách thái quá.

Nếu ai xem kĩ tiết mục của Nhật Tiến có thể thấy ở đoạn gần cuối, đột nhiên cậu bé khóc lóc, nước mắt đầm đìa như một sự chuyển biến cảm xúc khá lớn và đột ngột một cách hơi vô lý.

Tiết mục gây tranh cãi của Nhật Tiến 

Vì Nhật Tiến không có hoàn cảnh như cậu bé Uddam kia, ngày ngày vẫn được mẹ chăm sóc, đây lại là một tiết mục được đạo diễn kĩ lưỡng và cẩn thận nên không ít người cho rằng Nhật Tiến được đạo diễn luôn cả màn khóc để lấy cảm xúc của BGK và người xem.

Ngay cả một người diễn viên khi “diễn”, họ cũng chỉ đạt tới đỉnh cao khi hóa thân vào nhân vật, nhập tâm trọn vẹn cảm xúc của bản thân mình vào đó. Vì nghệ thuật xét cho đến cùng là sự thăng hoa của cảm xúc và tâm hồn, và công việc của người nghệ sĩ là những người truyền lửa, truyền lại những cung bậc cảm xúc ấy đến với người nghe và người xem.

Mong muốn được thấy người nghệ sĩ với những cảm xúc rất thật trên sân khấu không phải là những đòi hỏi vô lý của khán giả, và người xem cũng dễ dàng nhận ra độ vênh giữa "diễn" và thật.

Hy vọng rằng, sau mỗi giọt nước mắt, mỗi sự xúc động là những câu chuyện và ý nghĩa  thật đi vào lòng người một cách đầy nhân văn của những người truyền lửa.

Thuần Vũ

Bình luận
vtcnews.vn