Ngay cả khi chịu trả lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng khá cao, một số ngân hàng cũng đang gặp khó khăn trong việc đi vay từ những ngân hàng khác.
Ngân hàng thương mại đi vay tiền là chuyện thường ngày ở huyện. Với vai trò tổ chức trung gian tài chính, ngân hàng huy động vốn từ những người sẵn tiền và cho vay lại những người cần tiền. Khi gặp căng thẳng về thanh khoản, cần tiền thanh toán ngay, ngân hàng có thể cũng phải đi “vay nóng” từ các tổ chức tín dụng và công ty tài chính khác thông qua thị trường liên ngân hàng hoặc các hợp đồng vay vốn theo quy định của pháp luật.
Thế nhưng, hiện tượng một số ngân hàng đang phải chạy vạy, huy động vốn với lãi suất cao cho thấy quy định hành chính về trần lãi suất huy động, dù đang được ngân hàng Nhà nước áp dụng với các biện pháp chế tài khá mạnh, vẫn không phát huy được tác dụng một khi sức khoẻ thực tế của các ngân hàng không được cải thiện.
Theo thông tin từ giới tài chính, ngay cả khi chịu trả lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng khá cao, một số ngân hàng cũng đang gặp khó khăn trong việc đi vay từ những ngân hàng khác. Do vậy, ngân hàng khi cần phải tìm tới các doanh nghiệp đang rủng rỉnh tiền mặt. Như bất kỳ người đi vay nào, ngân hàng cũng phải thế chấp tài sản, một dạng của làm tin, cho doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp, công ty tài chính giàu về tiền mặt đang cho các ngân hàng vay tiền với điều kiện phải có tài sản thế chấp, thông thường là trái phiếu chính phủ hoặc các giấy tờ có giá mà ngân hàng đó phát hành (kỳ phiếu, tín phiếu). Việc định giá các tài sản thế chấp này cho thấy một số ngân hàng bị đánh giá rủi ro khá cao. Có ngân hàng chỉ vay được 50 – 60% hoặc thậm chí 30% trên giá trị trái phiếu mà họ sử dụng thế chấp. Lãi suất giao dịch mà các bên đang áp dụng trong những hợp đồng cho vay này là một ẩn số. Ngay cả khi ngân hàng được phép đi vay vốn từ các tổ chức tín dụng và các công ty tài chính khác, thì liệu trần lãi suất huy động có áp dụng trong những hợp đồng cho vay như thế này?
Những biểu hiện trên thị trường tiền tệ cho thấy khó khăn (cục bộ) của hệ thống ngân hàng chưa thuyên giảm. Câu chuyện tái cấu trúc được nói đến từ nhiều tháng nay chưa hé mở cho thị trường thấy lối thoát cho tình trạng trên. Liệu câu chuyện này có được công khai theo đúng tinh thần thông tư 35 ban hành ngày 11.11.2011 về công bố, cung cấp thông tin của ngân hàng Nhà nước? Có lẽ phải đến đầu tháng 4 năm sau, khi thông tư này có hiệu lực, thị trường mới có câu trả lời.
Lan Anh/SGTT
Bình luận