• Zalo

Khánh thành tượng Tổng biên tập đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam

Thời sựThứ Tư, 06/09/2017 22:36:00 +07:00Google News

Bức tượng nhà báo Trần Lâm - Tổng biên tập đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam đã được hoàn thành bởi nhà điêu khắc Trần Hiếu Lễ dành nhiều tâm huyết đúc bằng chất liệu đồng lấy từ các thiết bị phát sóng phát thanh.

Tối 6/9, tại số 58 Quán Sứ (Hoàn Kiếm- Hà Nội), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã khánh thành tượng nhà báo Trần Lâm - vị Giám đốc, Tổng biên tập đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam.

vov_khanh-thanh-tuong-tran-lam-2

Ông Võ Văn Thưởng - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và ông Nguyễn Thế Kỷ - Tổng giám đốc VOV bên bức tượng nhà báo Trần Lâm. (Ảnh: Phong Sơn)

Tại buổi lễ, Tổng giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ phát biểu: "Trong niềm tự hào và niềm vui chung của dân tộc kỷ niệm 72 năm Quốc khánh 2/9, cán bộ, nhân viên của Đài Tiếng nói Việt Nam cũng đang hân hoan chào đón ngày thành lập Đài. Đài Tiếng nói Việt Nam đã đồng hành, trưởng thành cùng sự phát triển của đất nước".

"Lịch sử của Đài Tiếng nói Việt Nam là một bản hùng ca được tạo nên bởi lớp lớp cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên, nghệ sĩ, phát thanh viên. Trong đó có vai trò vô cùng quan trọng và những dấu ấn của nhà báo Trần Lâm, người anh cả, người đã đặt những “viên gạch hồng” đầu tiên để tạo dựng ngành phát thanh - truyền hình cả nước", vị Tổng Giám đốc VOV khẳng định.

vov_khanh-thanh-tuong-tran-lam-3

Ông Võ Văn Thưởng - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dâng hoa tưởng nhớ nhà báo Trần Lâm. (Ảnh: Phong Sơn)

Nhân kỷ niệm 72 năm thành lập VOV, được sự đồng ý của gia đình nhà báo Trần Lâm, Đài Tiếng nói Việt Nam đã tổ chức đúc tượng bán thân của ông.

Đây là việc làm cần thiết, nhiều ý nghĩa của VOV thể hiện sự kính trọng sâu sắc và tưởng nhớ công lao to lớn của nhà báo Trần Lâm.

vov_khanh-thanh-tuong-tran-lam-4 3

Ông Nguyễn Thế Kỷ đang hoa tưởng niệm nhà báo Trần Lâm. (Ảnh: Phong Sơn)

Bức tượng được nhà điêu khắc Trần Hiếu Lễ dành nhiều công sức, tâm huyết để khắc họa. Điều đặc biệt, bức tượng được đúc bằng chất liệu đồng, lấy từ các thiết bị phát sóng phát thanh không còn sử dụng.

Bức tượng đã hoàn thành với chất lượng cao về kỹ thuật, mỹ thuật và được đặt ở vị trí trang trọng trong không gian truyền thống của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Tiểu sử nhà báo Trần Lâm

Nhà báo Trần Lâm, tên khai sinh là Trần Quảng Vận, sinh năm 1922, tại huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Giữa tháng 8/1945, Trần Lâm, lúc đó đang là sinh viên trường Luật Đông Dương cùng các đồng chí của mình đã thực hiện được nhiệm vụ rất khó khăn là treo một lá cờ đỏ Sao Vàng cực lớn trước cửa Nhà hát Lớn ngay tại cuộc mít tinh của Tổng hội viên chức chính phủ Trần Trọng Kim và chiếm diễn đàn đọc lời hiệu triệu của Việt Minh.

Việc làm này đã đảo ngược tình thế dẫn tới việc hàng vạn người Hà Nội xuống đường và tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân vào ngày 19/8/1945.

Ngay sau Cách mạng thành công, trong bộn bề công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị phải thành lập càng nhanh càng tốt một Đài phát thanh để tuyên truyền đối nội và đối ngoại. Trần Lâm cùng với Chu Văn Tích, Trần Kim Xuyến được giao nhiệm vụ nặng nề này.

Đúng 11h30 phút ngày 7/9/1945, Đài Tiếng nói Việt Nam cất tiếng chào đời với danh xưng đĩnh đạc “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”.

Trần Lâm đảm nhận cương vị Giám đốc, Tổng Biên tập đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam và giữ trọng trách này trong 43 năm.

nha-bao-tran-lam 5

 Nhà báo Trần Lâm. (Ảnh tư liệu)

Trần Lâm còn là người khởi xướng và quyết tâm làm truyền hình. Chương trình Truyền hình đầu tiên phát sóng ngày 7/9/1970 ngay tại trụ sở Đài Tiếng nói Việt Nam 58 Quán Sứ, đánh dấu sự ra đời của ngành Truyền hình Việt Nam.

Nhà báo Trần Lâm là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IV, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa V.

Từ 1977-1987, ông giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam; từ 1983-1989 làm Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Mọi người biết đến Trần Lâm là người cộng sản kiên trung, nhà báo lão thành có nhiều cống hiến xuất sắc cho báo chí cách mạng, suốt đời tận tụy, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của đất nước.

Ông cũng dành những tình cảm sâu nặng với Đài Tiếng nói Việt Nam.

Ông từng tâm sự: “Cả cuộc đời đi theo Đảng, Bác Hồ làm cách mạng, tôi dành thời gian sôi động, nhiệt huyết nhất cho Đài Tiếng nói Việt Nam. Đối với tôi, việc dễ dàng nhất là khai lý lịch cán bộ. Cả đời, từ năm 1945 cho đến nay nghỉ hưu, tại mục Công tác lúc nào cũng chỉ hai từ: Phát thanh”.

Kim Thược - Phong Sơn
Bình luận
vtcnews.vn