(VTC News) – Trong số 30 bảo vật quốc gia vừa được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận, Đà Nẵng sở hữu 3 bảo vật là Tượng Bồ tát Tara, Đài thờ Mỹ Sơn E1 và Đài thờ Trà Kiệu.
Ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng |
- Ông có thể cho biết lý lịch của 3 bảo vật quốc gia này ?
Đây là những cổ vật mang đậm phong cách kiến trúc điêu khắc Chăm qua từng thời kỳ. Mỗi cổ vật có những đặc điểm riêng, đặc trưng cho từng phong cách, cho từng giai đoạn. Nhưng nói chung, các cổ vật này có thể nói là độc bản và còn nguyên vẹn.
Tượng Bồ Tát Tara mang đặc trưng của phong cách Đồng Dương, phong cách tồn tại cách đây hơn 1.000 năm (thế kỷ thứ IX); Đài thờ Mỹ Sơn E1 đại diện cho phong cách điêu khắc Mỹ Sơn E1, là đài thờ có niên đại sớm nhất (Thế kỷ thứ VII-VIII) cách đây 1.300-1.400 năm; Và Đền thờ Trà Kiệu lại đại diện cho một phong cách điêu khắc khác, một bước phát triển nữa của nghệ thuật điêu khắc Chăm pa.
- Duyên cơ nào mà Bảo tàng Chăm lại quy tụ được 3 bảo vật quốc gia này ?
Đa số các báu vật này được lưu giữ từ thời Pháp, khi người Pháp tiến hành khai quật khảo cổ tại các di chỉ kiến trúc Chăm xưa và trong quá trình đó, những hiện vật này được đưa về, lưu giữ, bảo tồn và trưng bày tại bảo tàng Chăm cho đến nay. Việc phát hiện và bảo tồn các cổ vật này cho đến ngày hôm nay cũng có thể xem đó chính là duyên cơ.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, nơi lưu giữ, bảo tồn và trưng bày 3 bảo vật quốc gia Việt Nam |
- Điều khác biệt, độc đáo khiến 3 cổ vật này trở thành bảo vật quốc gia ?
Như tôi đã nói, điều độc đáo của các cổ vật khiến chúng thành báu vật quốc gia chính là điều khác biệt, độc đáo mang tính độc bản, đại diện cho phong cách kiến trúc đặc trưng từng thời kỳ của các cổ vật.
Tượng Bồ Tát Tara |
Trong khi Tượng Bồ Tát Tara mang đặc trưng tiêu biểu cho phong cách Đồng Dương và kỹ thuật đúc đồng tinh xảo, kết họp với chạm khắc tồn tại từ thế kỷ IX, cách đây hơn 1.000 năm, thì Đài thờ Mỹ Sơn E1 là đài thờ có niên đại sớm nhất (thế kỷ VII-VIII) còn lại nguyên vẹn nhất từ trước đến nay.
Điều độc đáo của đài thờ Mỹ Sơn E1 là trang trí chạm khắc tinh xảo xung quanh chân đài thờ. Các hình ảnh tái diễn sống động về cuộc sống sinh hoạt, các hoạt động trong rừng, chơi nhạc… cho đến nghi thức tế lễ tín ngưỡng của các tu sỹ Ấn Độ giáo ẩn dật, tu tập và hành đạo cách đây 1.300-1.400 năm. Đặc biệt, đài thờ đã phản ánh được mối quan hệ giao lưu văn hóa giữa Ấn Độ và Chăm pa trong giai đoạn đầu.
Bảo vật thứ ba là Đài thờ Trà Kiệu. Đây là bước chuyển tiếp của phong cách điêu khắc Chăm pa trong giai đoạn thế kỷ VII-X, đặc trưng cho phong cách điêu khắc Trà Kiệu. Điều khác biệt của Đài thờ này là câu chuyện thần thoại kể về đám cưới của hoàng tử Rama và công chứ Sita trong trường ca Ramayana huyền thoại được thể hiện trên thân đài. Ngoài ra, với cấu tạo của của bệ yoni với hai thớt tròn đối xứng qua hai lớp cánh sen và một chiếc linga ba tầng đặt trong lòng khiến Đài thờ trở thành phong cách tiêu biểu của tổ hợp yoni-linga trong văn hóa cổ Ấn Độ.
- Ông có thể chia sẻ những khón khăn trong công tác quản lý, bảo tồn bảo vật, nhưng lại vừa trưng bày để du khách thưởng lãm ?
Trong thời gian qua, Bảo tàng điêu khắc Chăm đã có nhiều nỗ lực trong tôn tạo, bảo quản và trưng bày, phát huy giá trị của các bảo vật quốc gia này. Tuy nhiên vẫn gặp không ít khó khăn do chưa có sự quan tâm cũng như chính sách hỗ trợ đầu tư đối với công tác bảo tồn và trưng bày bảo vật.
Đài thờ Trà Kiệu |
Mặc dù vậy, trong năm qua, với hơn 200.000 lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan thì Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng là một trong số bảo tàng có thu phí tham quan có lượng khách tham quan lớn trong cả nước.
Bửu Lân
Bình luận