Dự kiến trong hai ngày làm việc, các nhà lãnh đạo G20 cùng các quốc gia và tổ chức khách mời sẽ thảo luận và thống nhất ưu tiên chính sách trong nhiều vấn đề quan trọng của thế giới, từ biến đổi khí hậu, gánh nặng nợ của các nước nghèo, thương mại, năng lượng, chống tham nhũng.
Hơn 9 tháng chuẩn bị với 230 cuộc họp ở nhiều cấp, diễn ra tại 50 địa điểm trải đều trên khắp đất nước, nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn Độ đã sắp đi về đích với Hội nghị thượng đỉnh vào hai ngày cuối tuần này. Người đứng đầu nhà nước của 19 quốc gia thành viên, cùng lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU), 9 nước khách mời và 14 tổ chức quốc tế đang có mặt tại New Delhi để trao đổi và thống nhất các định hướng chính sách toàn cầu.
Chủ đề của Năm Chủ tịch G20 2023 của Ấn Độ, và cũng là của Hội nghị Thượng đỉnh khai mạc hôm nay mang hàm ý "Thế giới là một gia đình". Đây là quan điểm bao trùm khuyến khích con người cùng tiến bộ như một đại gia đình, vượt qua biên giới, ngôn ngữ và hệ tư tưởng.
Trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn Độ, điều này đã chuyển thành lời kêu gọi cho sự tiến bộ lấy con người làm trung tâm. Nội dung này được nêu ra trong bối cảnh trật tự thế giới hậu đại dịch rất khác so với thế giới trước đó. Trong rất nhiều thay đổi, có ba thay đổi quan trọng. Trước tiên, người ta ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về sự cần thiết phải chuyển từ việc lấy GDP làm trung tâm thế giới sang lấy con người làm trung tâm.
Thứ hai, thế giới đang nhận ra tầm quan trọng của khả năng phục hồi và độ tin cậy trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thứ ba, mọi người đều kêu gọi thúc đẩy chủ nghĩa đa phương thông qua cải cách các thể chế toàn cầu. Muốn làm được điều này, các nhà lãnh đạo G20 sẽ phải thể hiện quyết tâm và đồng thuận để biến các ý tưởng thành hiện thực. Phát biểu tại cuộc họp báo trước thềm Thượng đỉnh G20.
Thứ trưởng thường trực bộ Ngoại giao Ấn Độ Vinay Kwatra nói: “Khi chúng ta nhìn vào các ưu tiên, lợi ích và quan ngại của G20, tất cả đều được phản ánh trong các cuộc họp của khối. Không chỉ là các thành viên G20 mà cả các nước ngoài G20. Các lợi ích, quan ngại và ưu tiên của họ đều bị ảnh hưởng do các quyết định được đưa ra trong tiến trình làm việc của G20. Chúng tôi chào đón 41 người đứng đầu các đoàn, gồm người đứng đầu nhà nước, chính phủ, các tổ chức quốc tế tới Delhi trong 2 ngày họp này.
Tâm điểm của chúng ta là đưa sự đồng thuận tập trung vào các ưu tiên của G20, các ưu tiên và lợi ích của các nước Nam Bán cầu phải nằm trong các cuộc thảo luận của G20. Đồng thời, chúng ta phải đưa lãnh đạo G20 và lãnh đạo các nước ngoài khối đến bên chương trình nghị sự. Chúng tôi rất vui vì nhìn chung tất cả các quốc gia, tất cả các phái đoàn đều nỗ lực đều để hướng tới sự đồng thuận".
Diễn ra trong bối cảnh chính trị thế giới đang bị phân cực mạnh sau các cú sốc địa chính trị, việc đoàn kết để tìm ra được tiếng nói chung, hành động chung đang trở thành thách thức, nhất là với diễn đàn quốc tế như G20. Điều này sẽ được chú ý trong hai ngày họp sắp tới.
Bình luận về chủ đề này, Giáo sư Pankaj Jha, nhà nghiên cứu tại Trường Quốc tế, Đại học Toàn cầu Jindal, Ấn Độ nói: “Các cuộc họp của G20 trong năm nay đã thảo luận hàng loạt vấn đề từ khí hậu, tài chính, nông nghiệp, du lịch, thương mại ... Và chúng ta đã đạt được đồng thuận rằng cần phải kết nối giữa các nước Nam Bán cầu và các nước Bắc Bán cầu. Chúng ta phải giải quyết như một ưu tiên.
Bởi mọi người đều muốn tham gia vào lộ trình tăng trưởng hậu đại dịch. Để đạt được điều đó, cần phải có các quy định căn bản nhất định để giải quyết mà không có bất kỳ sự liên kết hoặc khác biệt khu vực giữa các nước phát triển và đang phát triển.
Sự tham gia của nhiều quốc gia bên ngoài và các tổ chức quốc tế cho thấy rõ ràng rằng G20 không chỉ liên quan đến các vấn đề tài chính ngân hàng mà còn liên quan nhiều hơn đến các thách thức toàn cầu. Điều này liên quan đến những vấn đề quan trọng mà người dân và các quốc gia đang phải đối mặt".
Dự kiến, kết thúc hai ngày làm việc, các nhà lãnh đạo G20 sẽ ra Tuyên bố chung, tập hợp các quyết định mang tính đồng thuận của khối. Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại New Delhi, còn có nhiều cuộc họp song phương của các nhà lãnh đạo các nước.
Bình luận