Theo nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học tới từ Đại học bang Arizona và Sở Động vật hoang dã - Thủy sản Louisiana, cá sấu con có thể mọc lại đuôi dài tới 23 cm.
"Bộ khung mọc lại được bao quanh bởi mô liên kết và da nhưng không có bất cứ cơ xương nào", Giáo sư Kenro Kusumi, đồng tác giả nghiên cứu cho hay.
Khác với phần mất đi, những chiếc đuôi mới được nâng đỡ bởi một ống sụn và các vảy bên ngoài xếp lại ở mật độ dày hơn.
Thằn lằn từ lâu nổi tiếng là loài có thể hình thành chi mới sau khi phần cũ bị cắt đứt. Nhưng trước đây chưa rõ loài bò sát lớn hơn nào có khả năng tương tự.
Ông Kusumi và các cộng sự bắt đầu nghiên cứu về khả năng mọc lại đuôi của cá sấu sau khi nhận được một bưu kiện kỳ lạ, chứa một chiếc đuôi cá sấu bị biến dạng trong một chiếc bình ngâm chứa ethanol vào năm 2017.
Kusumi nói ông đặc biệt chú ý tới chiếc đuôi này. Nó bị đổi màu, chẻ đôi và có vảy nhỏ hơn bình thường.
Vị giáo sư nhanh chóng nhận ra rằng chiếc đuôi này giống như đã được mọc lại. Sau đó, nhóm của Kusumi tiếp tục phân tích ba chiếc đuôi mọc lại của những con cá sấu khác.
Kusumi tin rằng việc những chiếc đuôi tái sinh được hình thành không có mô xương so với ban đầu có thể giúp nghiên cứu về cách phát triển các liệu pháp tái tạo ở người.
"Chúng ta biết rằng con người vốn không có khả năng tái sinh, có cùng các tế bào được sử dụng để tái sinh ở các động vật khác. Nếu cá sấu có khả năng này, liệu chúng ta có thể tận dụng điều này để giúp đỡ những người bị mất chi hoặc những nạn nhân bị bỏng cần tái tạo da không?", Jeanne Wilson-Rawls, đồng tác giả nghiên cứu cho hay.
Bình luận