• Zalo

'Khá bảnh' với đời tư bất hảo được chào đón như người hùng: Tâm lý đám đông a dua, bắt chước lẫn nhau

Thời sựThứ Hai, 25/03/2019 11:38:00 +07:00Google News

Chuyên gia tâm lý cho rằng 'Khá bảnh' với đời tư bất hảo được chào đón như người hùng do giới trẻ có xu hướng a dua, bắt chước khi ở đám đông.

Vừa qua, hiện tượng "Khá bảnh” - là một thanh niên gắn liền với những hình ảnh giang hồ xăm trổ, chuyên quay các livestream nói tục, chửi thề lại được giới trẻ chào đón như người hùng khiến dư luận bức xúc.

Trả lời VTC News, TS tâm lý Trần Thành Nam, Đại học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, thành viên Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam cho rằng chính tâm lý a dua, bắt chước lẫn nhau của bạn trẻ đã dẫn tới việc làm này.

1529171164

TS tâm lý Trần Thành Nam, Đại học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội.

- "Khá bảnh”, một thanh niên bất hảo với hình ảnh xăm trổ, chuyên quay livestream nói tục, chửi thề, thậm chí cùng bạn bè dàn hàng ngang trên cao tốc bị cơ quan điều tra xử lý nhưng khi anh ta xuất hiện thì hàng trăm học sinh chào đón, xin chụp hình cùng như người hùng?

trang-thanh-nam

 

Hiện tượng "Khá bảnh” được nhóm học sinh tung hô có thể ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông với hành vi a dua, bắt chước theo những người bạn mình.

PGS Trần Thành Nam, ĐH Giáo dục (ĐHQGHN)

Về hiện tượng "Khá bảnh” được nhóm học sinh tung hô có thể ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông với hành vi a dua, bắt chước theo những người bạn mình.

Khá “bảnh” là người có kênh truyền thông riêng – tự xây dựng hình ảnh bên ngoài là một người ngang tàng, sống tự do (theo kiểu bất chấp) đôi khi cũng làm cho một số bạn trẻ cảm thấy kích thích, hành động lời nói như vậy cũng có tính giải trí đối với họ.

Đôi lúc, một nhân vật có chiến lược truyền thông tốt lại khiến cho giới trẻ tiếp nhận thông tin một cách lệch lạc, diễn giải thông tin sai lạc và thiên kiến. Chẳng hạn nhiều người có niềm tin là một người nổi tiếng được nhiều người biết đến, chụp ảnh với họ là sẽ gần với công chúng, được người khác biết đến mà tuyệt nhiên không có bất cứ phán xét về mặt giá trị như tại sao người đó nổi tiếng.

- Liệu các bạn trẻ có biết mình đang chào đón một tên giang hồ bất hảo không, thưa ông?

Theo tôi, nhiều người trong nhóm chụp ảnh cùng có lẽ cũng chẳng biết nhân vật này là ai, nổi tiếng vì cái gì, hay có quá khứ bất hảo ra sao. Nhiều khi chỉ cần nghe bạn bè nói là “ôi, anh này nổi tiếng lắm”, kênh Youtube của anh ấy có đông người xem lắm"… Thế là vây xung quanh, yêu cầu chụp ảnh cùng. Đầu tiên chắc chỉ có một vài người nhận ra và có hành vi quá khích, những thành viên khác đơn giản chỉ là hùa theo.

Đó là hiện tượng a dua, khi mà hành vi của một cá nhân bị cuốn theo hành vi của những người khác trong nhóm chỉ bởi niềm tin số đông luôn đúng. Bạn bè mình đều làm như vậy chắc chắn đây là một người quan trọng và nổi tiếng rồi.

Việc lấy một người như "Khá bảnh” làm quy chuẩn để thần tượng, ngưỡng mộ cho thấy giới trẻ rõ ràng đang có cái nhìn "lệch lạc"?

Việc thích thú ngưỡng mộ một ai đó nhiều khi chỉ là cảm giác bề ngoài. Tôi thích thú ngưỡng mộ một người nào đó có thể vì vẻ đẹp, giàu có, thông thái, sự hài hước nhưng nhiều khi cũng chỉ vì họ có vẻ ngoài độc, trang phục có phong cách, kiểu nói chuyện chẳng giống ai hay cách hành xử yêng hùng không sợ trời đất. Dẫu sao, việc hâm mộ này cũng phản ánh rằng định hướng giá trị của giới trẻ hiện nay có những điểm lệch lạc.

Những giá trị tốt đẹp như tuân thủ, yêu thương hòa bình, hợp tác, tôn trọng dường như là những thứ cũ kỹ và sáo rỗng với nhiều bạn trẻ. Giờ đây, giới trẻ có vẻ như coi trọng những giá trị cá nhân hơn, có xu hướng tìm kiếm những yếu tố kích thích, thú vị, mới lạ trong cuộc sống như một cách thư giãn. Chính vì vậy những hành vi phá vỡ nguyên tắc, phá rào, thể hiện cá tính, thậm chí nguy hiểm phạm luật cũng được nhìn nhận là có tính kích thích, là hay, là mang tính giải trí.

Nhận ra xu hướng tâm lý này, nhiều hiện tượng nổi lên không phải vì tài năng, mà cố tình gây chú ý bằng những hành động nguy hiểm, phá luật, lệch chuẩn tạo nhằm tạo nên sự kích thích.

kb3 6

Hiện tượng thanh niên xăm trổ, phát ngôn tục tĩu, giang hồ được tán dương phản ánh sự lệch lạc trong định hướng giá trị của tuổi teen.

.-Lứa tuổi nào dễ bị hấp dẫn, thu hút, ảnh hưởng, bị gây tò mò với những nhân vật kiểu như "Khá bảnh”, thưa ông?

Tuổi teen, tuổi dậy thì là lứa tuổi có đặc điểm tâm lý và xu hướng thần tượng hóa như thế này.

Đây cũng là độ tuổi mà các em có nhu cầu giao lưu bạn bè rất cao, sẵn sàng hành động theo bạn, vì bạn hơn làm theo ý người lớn. Đây cũng là giai đoạn mà mong muốn thể hiện bản thân mình rõ nhất. Các em muốn làm những điều khác lạ, nguy hiểm mà người khác không dám làm.

Bố mẹ hay người lớn càng cấm đoán thì lại càng muốn làm vì nó kích thích. Yêu thích nhân vật như Khá “bảnh” cũng như vậy. Giống như việc một số bạn trẻ mặc dầu rất sợ nhưng vẫn thích chụp ảnh cùng thú dữ trong vườn bách thú thay vì chụp ảnh với mèo như nhiều bạn khác.

- Việc thần tượng một cách mù quáng này sẽ gây nên hậu quả ra sao?

Khi người trẻ thần tượng một cá nhân mà không phải tài năng mà bởi hành động mạo hiểm, chống đối phá vỡ quy tắc thì những giá trị này sẽ trở thành khuôn mẫu làm thay đổi nhận thức, thái độ của giới trẻ về những gì được cho là phù hợp hoặc không phù hợp. Cuối cùng dẫn đến những hành vi bắt chước.

Nhưng để gây được chú ý, những hành vi bắt chước này sẽ không thể giống nguyên bản. Những hành vi bắt chước đó có thể sẽ phải kỳ quái hơi, độc lạ hơn, phá luật hơn.

Nhất là dưới sự ủng hộ của đám đông và mạng xã hội, những hành động này càng ngày sẽ càng manh động hơn, cá nhân sẽ ứng xử chỉ theo cảm xúc phần con, tư duy lý trí bị ức chế, cá nhân sẽ mất kiểm soát và bị điều khiển bởi cảm xúc của đám đông.

- Tại sao lứa tuổi teen lại dễ có xu hướng thần tượng những người như "Khá bảnh”?

Với hệ thần kinh của các bạn tuổi teen, quá trình hưng phấn luôn chiếm ưu thế trong khi khả năng ức chế hành vi thì kém. Tính hưng phấn mạnh luôn làm cho bạn trẻ đó luôn có xu hướng tìm kiếm sự mới lạ, kích thích, luôn thúc đẩy mình thử và trải nghiệm những thứ mà người khác không dám làm.

Tuổi teen cũng là tuổi muốn khẳng định bản thân nên cá nhân thường lựa chọn những hành động mang tính nguy cơ cao như thử uống rượu, thử hút thuốc, thậm chí là thử yêu, thử quan hệ tình dục. Chính vì vậy, các em có xu hướng thần tượng những người nào có những hành vi ngang tang, nguy hiểm không ai dám làm.

Mặt khác, có thể bản thân các em hiện nay đang phải tuân thủ quá nhiều nguyên tắc ở trường và ở nhà. Cảm giác gò bó càng thúc đẩy xu hướng muốn phá vỡ, muốn bứt ra khỏi luật.

Thể diện của tuổi teen cũng rất lớn. Nhu cầu thể hiện mình giống các bạn để được các bạn chấp nhận. Để mình cảm thấy mình thuộc về 1 nhóm nào đó dẫn đến những hành vi a dua theo hành động không phù hợp của nhóm bạn mà không cân nhắc suy nghĩ.

- Nhu cầu thể hiện ấy được bộc lộ ra bên ngoài bằng hành động gì, thưa ông?

Có nhiều cách để có được sự thừa nhận của bạn bè. Đơn giản nhất là có tài năng khiến bạn bè phải phục. Nhưng không phải ai sinh ra là có tài, nên xu hướng làm một cái gì đó khiến người khác ngạc nhiên, sợ hãi, thể hiện những giá trị tiêu cực cũng là một cách để thu hút sự chú ý của người khác. Nhiều em đã lựa chọn cách gây chú ý này. Và họ sẽ thần tượng và sống theo phong cách của một người nổi tiếng trên mạng để cảm thấy ngầu hơn, được chú ý hơn.

Ở nước ngoài cũng có hiện tượng các ngôi sao ca nhạc được giới trẻ thần tượng, tung hô. Tuy nhiên lối sống của họ cũng chẳng hề tốt đẹp, thậm chí họ có một đời sống rất phóng túng, nghiện ngập. Họ thậm chí còn tự gây scandal để được chú ý hơn. Điều này truyền tải cho giới trẻ thấy rằng mình sẽ thu hút được sự chú ý của người khác bằng hành động càng lệch chuẩn càng tốt.

- Ông có tư vấn gì cho các bạn trẻ trong trường hợp này?

Cần phải có nhiều nguồn thông tin để điều chỉnh lại những nhận định thiên lệch của các em về thần tượng. Vì với những nhiều bạn trẻ, các em chỉ tin và truyền đạt lại những thông tin mang tính tích cực về thần tượng thôi, còn những thông tin mang tính tiêu cực về họ lại có xu hướng gạt qua một bên, không chú ý, thậm chí tiến hành “ném đá”, chống lại những thông tin bất lợi cho thần tượng của mình mà không cần biết những thông tin đó đúng hay sai.

Để giới trẻ khỏi thần tượng sai người, chúng ta cần phải quay lại câu chuyện giáo dục giá trị. Bên cạnh việc hướng đến những giá trị trong cuộc sống hiện đại thì đồng thời phải hướng tới những giá trị phổ quát, luôn mang tính tích cực.

Môi trường giáo dục giá trị đầu tiên là gia đình, nơi dạy các em yêu thương, hòa bình, hợp tác, tôn trọng. Và bố mẹ là những tấm gương đầu tiên thông qua các hành vi ứng xử của các thành viên trong gia đình.

Giáo dục giá trị ở trường cũng không phải là không phải chỉ là một số bài giáo dục công dân giảng theo giáo án cho xong mà là phải qua tấm gương nhân cách của người thầy và bằng những hành động, việc làm cụ thể, mà các em có thể nhìn thấy được, đo đếm được.

Bởi dù có dạy những bài đạo đức rằng “con phải yêu thương động vật, yêu thương cây hoa” nhưng đi ra ngoài lại thấy bà hàng xóm đánh què chân con mèo vì đi bậy trước cửa nhà; hay đi ra chợ thấy người ta nhồi gà, nhồi vịt đến chết thì những bài học về giá trị nhân văn ấy cũng chỉ là nói mồm, cuối cùng sẽ không ai tin cả.

- Xin cảm ơn ông!

Anh Thư
Bình luận
vtcnews.vn