Đại sứ Indonesia tại Nga Jose Tavares ngày 8/5 nói với hãng tin TASS rằng Indonesia chưa bao giờ chấm dứt hợp thương vụ mua tiêm kích Su-35 từ Nga và đang chờ tình hình trở nên "dễ chịu hơn" để tái thực hiện hợp đồng.
“Nga và Indonesia đã ký thỏa thuận này. Indonesia chưa bao giờ hủy bỏ thỏa thuận, nhưng tạm dừng để tránh những bất tiện nhất định”, ông Tavares nói.
Vị đại sứ nói thêm rằng Indonesia sẽ quay lại vấn đề này khi tình hình trở nên “dễ chịu hơn”.
Theo ước tính của ông Tavares, khoảng 30% vũ khí đang phục vụ trong lực lượng vũ trang Indonesia do Nga sản xuất.
CNN Indonesia cuối tháng 12/2021 đưa tin Jakarta đã từ bỏ kế hoạch mua 11 tiêm kích đa năng Su-35 do Nga sản xuất do thiếu kinh phí.
Indonesia cần vũ khí Nga
Tin tức về việc Indonesia ký hợp đồng trị giá 1,1 tỷ USD mua 11 tiêm kích Su-35 được biết đến vào đầu năm 2018. Tháng 7/2019, đại sứ Indonesia tại Nga lúc đó là Mohamad Wahid Supriyadi cho rằng việc trì hoãn thực hiện hợp đồng là điều không thể tránh khỏi do sự phức tạp của việc mua bán vũ khí, có sự tham gia của cơ quan chính phủ và các công ty.
Tháng 3/2020, Bloomberg đưa tin chính quyền Indonesia đã quyết định từ bỏ kế hoạch thực hiện hợp đồng Su-35 với Nga do thiếu ngân sách, hậu quả của đại dịch COVID-19, đồng thời cũng do Mỹ đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Indonesia nếu mua vũ khí Nga.
Vũ khí Nga là một thành tố trong quân đội Indonesia từ hàng chục năm qua. Theo viện Montaigne, tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận độc lập của Pháp, kể từ đầu thế kỷ 21, Indonesia đã đa dạng hóa vũ khí trong biên chế bằng cách mua từ Nga các tiêm kích Su-30 và Su-27, trực thăng Mi-35P và Mi-17, xe bọc thép BMP-3, tên lửa chống hạm, các loại pháo. Như vậy, trong quân đội Indonesia tồn tại cả hai dòng vũ khí là Phương Tây và Nga.
Năm 2016, trong cuộc gặp giữa Tổng thống Indonesia Joko “Jokowi” Widodo và Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Jokowi đã trưng ra một danh sách vũ khí mà Indonesia muốn mua, bao gồm tàu ngầm lớp Kilo và tiêm kích đa năng Su-35 của Nga. Indonesia cũng có kế hoạch xây dựng một trung tâm bảo trì các hệ thống vũ khí đã mua, hợp tác sản xuất đạn dược cũng như các loại vũ khí khác trên đất Indonesia.
Đại sứ Indonesia tại Nga Wahid Supriyadi khi đó cho biết: “Chúng tôi đang đàm phán để mua tàu ngầm, nhưng tất nhiên, có những vấn đề, yêu cầu cần được giải quyết”.
Kilo là tàu ngầm tấn công được thiết kế chủ yếu cho các hoạt động chống tàu và chống ngầm ở vùng nước tương đối nông.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế chóng mặt ở châu Á đã khiến an ninh các tuyến đường biển trở thành vấn đề sống còn và các cường quốc hải quân trong khu vực đang chạy đua để mở rộng khả năng tác chiến tên lửa dưới biển thông qua việc mua các tàu ngầm tiên tiến. Dù là quần đảo lớn nhất thế giới nhưng Indonesia chỉ có hai tàu ngầm lạc hậu tại thời điểm 2016.
Kể từ năm 2007, Indonesia đã đàm phán với Nga để mua ít nhất hai tàu lớp Kilo, nhưng tiến độ diễn ra chậm chạp và cho đến nay, đôi bên vẫn chưa đi đến quyết định cuối cùng về thương vụ này. Năm 2020, có thông tin nói tại thời điểm đó, Nga chỉ đồng ý bán cho Indonesia hai tàu Kilo đã qua sử dụng bị đánh giá là "quá cũ".
Thay đổi chính sách?
Tháng 8/2023, Indonesia thông báo đặt mua thêm tiêm kích Rafale của Pháp và cam kết mua tiêm kích F-15EX Eagle của Mỹ.
Việc mua hai loại tiêm kích tiên tiến của phương Tây báo hiệu sự thay đổi chính sách của Jakarta, quốc gia trước đây theo đuổi học thuyết không liên kết, trang bị cho lực lượng của mình cả tiêm kích F-16 của Mỹ lẫn Su-30 của Nga.
Những tiêm kích già nua này đến từ hai phe đối lập trong Chiến tranh Lạnh, cho thấy Indonesia tránh liên minh chặt chẽ với bên này hay bên kia.
Theo thỏa thuận đạt được trong tháng 8/2023, Indonesia sẽ là khách hàng đầu tiên của dòng tiêm kích F-15EX của Mỹ. Phiên bản xuất khẩu cho Indonesia được gọi là F-15IND. Boeing, nhà chế tạo máy bay của Mỹ ngày 21/8/2023 cho biết họ đã ký một biên bản ghi nhớ với Indonesia về việc bán 24 tiêm kích F-15, theo sự cho phép của Washington.
Jakarta đã muốn mua tiêm kích F-35, nhưng có thông tin chính quyền Mỹ cho rằng lực lượng không quân Indonesia chưa sẵn sàng trang bị tiêm kích thế hệ thứ năm. Quan điểm của Mỹ là tiêm kích thế hệ thứ tư hoặc 4,5 phù hợp hơn và chào bán tiêm kích F-16 Block 72 Viper.
Một số nhà quan sát nói sự “lạnh lùng” của phía Mỹ đã dẫn đến việc Jakarta quay qua chọn tiêm kích F-15 và Rafale. Đơn đặt hàng Rafale là hợp đồng mua tiêm kích đầu tiên từ Indonesia với hãng Dassault Aviation của Pháp.
Thỏa thuận của nhà thầu Pháp với Jakarta được công bố vào tháng 2/2022, theo đó Dassault cung cấp 42 tiêm kích Rafale kèm tên lửa, trị giá 8,1 tỷ USD, lô hàng đầu tiên gồm 6 chiếc. Đợt thứ hai gồm 18 tiêm kích, với đợt cuối cùng gồm 16 chiếc sẽ được đặt hàng sau đó.
Việc mua cả tiêm kích của Mỹ và Pháp buộc Indonesia phải đầu tư vào hệ thống đào tạo hai dòng phi công đi kèm nhân viên mặt đất hỗ trợ, đồng thời xây dựng kho dự trữ phụ tùng cho cả hai loại tiêm kích.
Trong khi đó, phi đội hiện tại của Không quân Indonesia đã bao gồm tiêm kích F-16 của Mỹ, tiêm kích Su-27, Su-30 của Nga, máy bay huấn luyện Hawk của Anh và KAI T-50 Golden Eagle, tiêm kích hạng nhẹ của Hàn Quốc.
Đối với Dassault, thương vụ Rafale với Indonesia mở ra một thị trường mới đi kèm với các hợp đồng hậu mãi, bảo trì kéo dài hai hoặc ba thập kỷ sau lần giao hàng đầu tiên, dự kiến vào đầu năm 2026.
Việc bán tiêm kích còn mở ra cơ hội cho các hãng vũ khí Pháp tiếp cận một quốc gia châu Á quan trọng, muốn thể hiện sự hiện diện của mình ở một khu vực được đánh dấu bằng căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và đảo Đài Loan, trong khi Triều Tiên đang xây dựng năng lực quân sự với quyết tâm cao.
Vấn đề quan trọng đối với Indonesia là tìm nguồn ngân sách. Có thông tin nói tiền mua tiêm kích Rafale là số tiền trước đây được dành để mua tiêm kích Su-35 của Nga.
Việc mua vũ khí Nga bị phương Tây giám sát chặt chẽ và Kiev đang tìm kiếm các đồng minh để trừng phạt Moskva, sau khi Nga tấn công Ukraine từ tháng 2/2022.
Ngoài áp lực chính trị từ bên ngoài, các lực lượng Nga cũng sẽ cần thêm vũ khí và trang bị trên chiến trường Ukraine.
Chưa rõ những lời đại sứ Indonesia tại Nga nói là một cách xoa dịu Moskva sau khi hợp đồng mua Su-35 bị trì hoãn, trong khi Jakarta lại thông báo mua tiêm kích Mỹ, Pháp, hay là một câu “thòng” để phòng trường hợp các thương vụ F-15 và Rafale đổ vỡ, Indonesia có thể quay lại với vũ khí Nga.
Bình luận