• Zalo

Hợp tác xã góp phần thay đổi diện mạo vùng quê

Thị trườngThứ Tư, 28/09/2022 11:19:40 +07:00Google News
(VTC News) -

Thông qua hoạt động và sự hỗ trợ của hợp tác xã (HTX), nhiều tổ hợp tác, HTX thu hút, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, chủ yếu ở khu vực nông thôn.

Dẫn PV ra thăm đồng ruộng, ông Phạm Thế Nhượng, Giám đốc HTX nông nghiệp Vĩnh Hồng (Bình Giang, Hải Dương) phơi phới niềm vui. Ông kể, mỗi buổi chiều, ông có thú vui đi dạo trên đường làng để ngắm nhìn quê hương đổi mới.

Những con đường đất nắng thì bụi, mưa thì sình lầy là nỗi ám ảnh với người dân trong suốt thời gian dài nay đã không còn, thay vào đó là con đường bê tông phẳng phiu, rộng rãi. Hai bên đường được điểm tô bởi hoa và cây xanh làm khung cảnh làng quê càng thêm yên bình, trong lành.

Ông Nhượng chỉ tay về phía trước phấn khởi nói: "Chỗ kia lúc trước là thùng trũng, cỏ dại cao quá đầu người mà giờ thành nơi rèn luyện sức khỏe của người dân và điểm vui chơi của trẻ nhỏ. Còn khu này mới ngày nào đường đi lối lại khó khăn, bây giờ nhà cao tầng đã mọc lên san sát".

Hợp tác xã góp phần thay đổi diện mạo vùng quê - 1

Ban quản trị HTX nông nghiệp Vĩnh Hồng (Bình Giang, Hải Dương) kiểm tra giống, phân bón trước khi cấp phát cho các thành viên.

Ông bảo, có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền và bà con nông dân, trong đó có vai trò đáng kể của HTX. Hiện toàn xã có 9 thôn với gần 600 ha diện tích cấy lúa.

Từ 5 năm nay, HTX áp dụng khoa học kỹ thuật để gieo sạ, cấy máy cây lúa và gặt đập liên hoàn tại ruộng. Các thành viên HTX tích cực sản xuất, đảm bảo vụ mùa với năng suất lúa ước đạt 69 tạ/ha/vụ.

Ngoài ra, toàn xã trồng được từ 60-80 ha rau màu các loại, tập trung vào các loại rau màu chính vụ như: bí đông, bí xanh, bí ngô, ngô, khoai tây, khoai lang, dưa chuột và các loại rau xanh khác. Đây là nguồn thu đáng kể để nâng cao đời sống góp phần tích cực cùng với cấp uỷ, chính quyền các cấp để xây dựng đời sống văn hoá, nông thôn mới ở địa phương được thành công”, ông Nhượng nói.

Hợp tác xã góp phần thay đổi diện mạo vùng quê - 2

Ông Hoàng Hữu Bắc (thứ hai từ trái sang), Giám đốc HTX Long Xuyên cho biết, HTX góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới.

Xã Long Xuyên, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương cũng gây ấn tượng với nhiều người về một làng quê được quy hoạch bài bản. Khu dân cư, khu chuyển đổi được sắp xếp hợp lý và kết nối bởi hệ thống giao thông thuận lợi.

Một số tuyến đường thôn rộng đến 7-8 m, bằng đường trục xã ở những nơi khác. Hệ thống đường dẫn nước thải xây dựng khép kín nên đường làng, ngõ xóm luôn sạch đẹp. Những công trình công cộng cấp thôn như nhà văn hóa, sân vận động... cũng khang trang.

Ông Hoàng Hữu Bắc, Giám đốc HTX Long Xuyên giới thiệu về thay đổi ở địa phương: "Ngoài điện, đường, trường, trạm là những thứ thiết yếu phải quan tâm đầu tư, xã cũng tiếp cận những công nghệ mới, từng bước hiện đại hóa quê hương".

Ông Bắc phấn khởi cho biết thêm, giai đoạn 2016-2020, từ chính sách dồn điền đổi thửa của Nhà nước, của cấp uỷ, chính quyền địa phương, HTX vận động người dân dồn điền đổi thửa, triển khai cánh đồng mẫu lớn để áp dụng máy móc, khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng thóc, giảm chi phí và tăng giá thàm sản phẩm.

Cụ thể, HTX vận đồng các thành viên thực hiện triển khai cấy máy theo đề án “hỗ trợ phát triển cấy máy giai đoạn 2020-2025” của UBND tỉnh Hải Dương và kế hoạch hỗ trợ phát triển diện tích cấy máy năm 2022. Đến nay, HTX có gần 300 ha lúa được cấy máy và sẽ triển khai gặt máy vào hơn 2 tuần nữa.

Với chất lượng như hiện nay, nếu không bị ảnh hưởng bởi thời tiết như mưa bão, dự kiến năng suất cúa các diện tích cấy máy có thể đạt 69 tạ/ha/vụ, cao hơn sản lượng cấy tay khoảng 30%, giảm chi phí hơn 50% và giá mỗi kg thóc cũng đắt hơn từ 500- 1.000 đồng/kg so với phương pháp cấy thủ công truyền thống”, ông Bắc nói.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hải Dương cho biết, các HTX dịch vụ nông nghiệp với phương châm hoạt động chủ yếu là dịch vụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, đảm bảo cho thành viên, nắm được kế hoạch sản xuất đúng thời vụ, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng.

Nhiều HTX cơ bản đáp ứng được tất cả các khâu dịch vụ sản xuất. Những hộ khó khăn về vốn được HTX giúp đỡ, đầu tư thông qua cung ứng vật tư, giống, chậm trả hoặc thu lại sau khi thu hoạch với lãi suất ưu đãi. Các HTX ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, các giống lúa và cây trồng có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất đại trà, tạo ra thu nhập cao hơn trên cùng một đơn vị diện tích.

Nhiều HTX tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước qua các chương trình, dự án, quỹ khuyến nông, khuyến ngư, hướng dẫn và tạo điều kiện cho thành viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tăng thu nhập và hiệu quả trên một đơn vị diện tích như: hành, tỏi, cà rốt, vải, rươi, sắn dây và rau an toàn... thu nhập bình quân trên 350 - 450 triệu đồng/ha. Ở một số địa phương đã chuyển đổi diện tích trồng lúa, màu có năng suất, thu nhập thấp sang nuôi cá, tôm, ba ba, kết hợp mô hình lúa - cá. Chăm sóc lúa tái sinh chi phí thấp, hiệu quả cao, do đó năng suất liên tục tăng qua các năm”, bà Hương nói.

Đáng phấn khởi, các HTX tích cực tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay có 178/178 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 100%), trong đó có 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 12 đơn vị cấp huyện về đích nông thôn mới và có 21 HTX tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), có 22 sản phẩm của HTX được công nhận OCOP (trong đó có 9 sản phẩm đạt 4 sao và 13 sản phẩm đạt 3 sao).

Phạm Duy
Bình luận
vtcnews.vn