• Zalo

Hôm nay, sao chổi bay gần Trái Đất nhất sau 50.000 năm

Khám pháThứ Năm, 02/02/2023 11:11:00 +07:00Google News

Sao chổi xanh lá cây C/2022 E3 (ZTF), vật thể từng ghé thăm Trái Đất khi người Neanderthals còn tồn tại, sẽ có cú áp sát lần nữa vào trưa 2/2 theo giờ Việt Nam.

Theo Live Science, trong lần áp sát rơi vào ngày 1 và 2/2 (tùy theo múi giờ), chúng ta có thể phát hiện ra nó nếu quan sát đúng nơi, đúng lúc.

Trong lần tiếp cận Trái Đất này, C/2022 E3 (ZTF) chỉ còn cách Trái Đất 42,8 triệu km. Điểm áp sát rơi vào khoảng trưa 2/2 theo giờ Việt Nam. Như vậy những người hâm mộ thiên văn học ở Việt Nam vẫn có thể quan sát nó rõ nhất vào đêm 2/2.

Hôm nay, sao chổi bay gần Trái Đất nhất sau 50.000 năm - 1

Sao chổi xanh lá cây C/2022 E3. (Ảnh: NASA/MSFC)

Khi đứng quan sát ở Bắc bán cầu sẽ có tầm nhìn rõ ràng về phía sao chổi nếu bầu trời không bị ô nhiễm ánh sáng nhiều. Nếu bạn may mắn ở một nơi trong lành và đủ tối, hoàn toàn có thể nhìn thấy nó bằng mắt thường. Nếu các điều kiện quan sát không tối ưu, có thể trang bị thêm một chiếc ống nhòm hay kính thiên văn để ngắm C/2022 E3 rõ hơn.

Ngoài ra, người yêu thiên văn cũng có thể theo dõi sao chổi xanh kỳ lạ này qua buổi phát trực tiếp của Dự án Kính viễn vọng ảo tại đây. Buổi phát sóng sẽ bắt đầu vào khoảng thời gian sao chổi có thể thấy rõ nhất, lúc 11h trưa 2/2 theo giờ Việt Nam.

"Sao chổi đang ở giữa chòm sao Đại Hùng và Tiểu Hùng. Nó trông như một đốm sáng mờ nhỏ màu xanh lục", nhà thiên văn học từ Trung tâm Khoa học và không gian Chatbot (California - Mỹ), cho biết.

Màu xanh lá cây huyền ảo của sao chổi xảy ra do hiện tượng thăng hoa mà nó đã trải qua trong cú tiếp cận gần Mặt Trời vừa qua. Sao chổi này có chứa carbon 2 nguyên tử, một phân tử được tạo thành từ 2 nguyên tử carbon hợp nhất, có thể bị bức xạ cực tím thổi bay và phát ra ánh sáng màu xanh lá cây.

Sao chổi này có quỹ đạo quanh Mặt Trời tận 50.000 năm nên người anh em tuyệt chủng của chúng ta - người Neanderthals - có thể đã cùng quan sát nó bên cạnh tổ tiên Homo sapiens của chúng ta giữa bầu trời trong lành, chưa bị ô nhiễm ở thời đại đồ đá.

(Nguồn: Người Lao Động/Live Science)
Bình luận
vtcnews.vn