Ở Huế từng tồn tại một loại hình nghệ thuật đặc sắc và nổi tiếng, đó là Pháp lam. Theo giới nghiên cứu, Pháp lam Huế là một di sản có giá trị đặc biệt, không hề thua kém bất kì di sản nào mà triều Nguyễn (1802 - 1945) để lại cho đất Cố đô.
Dấu ấn văn hóa, mỹ thuật của một triều đại
Theo những nhà nghiên cứu văn hoá Huế, nghệ thuật Pháp lam Huế ra đời vào năm 1827, thời nhà Nguyễn, nhưng phát triển mạnh vào triều vua Minh Mạng (1820 - 1841), vua Thiệu Trị (1841 - 1847) và vua Tự Đức (1848 - 1883).
Pháp lam là những chế phẩm làm bằng đồng tráng men nhiều màu, không chỉ đẹp về mặt hình thức mà còn có độ bền về mặt cơ, hóa, lý, có khả năng chống chịu cao trước sức va đập, hoặc sự ăn mòn của môi trường và khí hậu...
Nhờ vậy, trải qua gần hai thế kỷ, màu sắc và hình thái các chi tiết trang trí Pháp lam trên các công trình kiến trúc cung đình ở Huế vẫn giữ nguyên nét đẹp lộng lẫy, góp phần làm cho các di tích ở Cố đô Huế trở nên sống động, mê hoặc ánh mắt người nhìn, và đặc biệt hơn là góp phần đưa quần thể di tích Cố đô Huế trở thành Di sản văn hóa thế giới vào năm 1993.
Kỹ nghệ chế tác Pháp lam khởi nguồn từ các nước châu Âu, vào cuối thế kỷ XVII. Các tu sĩ trong hành trình truyền giáo ở phương Đông đã du nhập kỹ nghệ này vào Trung Hoa qua cửa ngõ Quảng Đông. Sau đó, những món Pháp lam Quảng Đông xuất hiện ở Việt Nam, khi các thuyền buôn Trung Hoa cập cảng Thanh Hà - Bao Vinh (TP Huế ngày nay).
Thời đó, giới quý tộc, quan lại chuộng dùng Pháp lam, nên thường mua các món đồ về nhà trưng bày. Nhận thấy triển vọng phát triển của Pháp lam, một thợ vẽ nổi tiếng thời Nguyễn (triều vua Minh Mạng) là Vũ Văn Mai sang Quảng Đông học nghề.
Về nước, ông tâu lên vua và được vua giao lập xưởng chế tác Pháp lam. Pháp lam tượng cục là tên gọi được Nội phủ lập nên theo lệnh của vua Minh Mạng. Ban đầu, xưởng chế tác Pháp lam được đặt tại Huế với 15 nghệ nhân, phục vụ nhu cầu xây dựng, trang trí nội ngoại thất các cung điện, lăng tẩm ở Huế, cũng như làm đồ sinh hoạt và tế tự trong cung. Sau đó, triều đình nhà Nguyễn còn mở thêm xưởng Pháp lam tại Ái Tử (Quảng Trị) và Ðồng Hới (Quảng Bình).
Hồi sinh di sản vật thể thất truyền gần 200 năm
Từng phát triển cực thịnh vào thời kỳ đầu nhà Nguyễn, nhưng Pháp lam Huế bắt đầu sa sút từ sau thời kỳ “tứ nguyệt tam vương” (1883 - 1885), và dù được phục hồi, chỉnh đốn dưới triều Đồng Khánh (1885 - 1889), song không thể phục hưng, mà rơi vào suy thoái rồi thất truyền.
Tốt nghiệp ngành Vật lý, Trường Đại học Tổng hợp Huế (nay là trường ĐH Khoa học - ĐH Huế), nhưng cái duyên lại đưa anh Triết về công tác tại Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, để rồi từ đó, cuộc đời anh gắn với việc nghiên cứu, phục hồi kỹ thuật chế tác Pháp lam Huế.
Anh âm thầm kết nối với những họa sĩ, nghệ nhân gốm và mày mò quy trình làm Pháp lam, sưu tầm rất nhiều tài liệu về Pháp lam và chọn đề tài phục dựng Pháp lam Huế làm luận án tốt nghiệp thạc sĩ vào năm 2005. Thấy sự đam mê mãnh liệt với Pháp lam của anh Triết, hội đồng duyệt đề tài chấp thuận sau khi anh đưa ra những căn cứ chứng minh mình có thể phục dựng Pháp lam Huế.
Theo anh Đỗ Hữu Triết, thiếu tư liệu là khó khăn lớn nhất mà anh gặp phải khi bắt tay vào công cuộc phục chế Pháp lam. Lúc đó, Pháp lam gần như thất truyền, không hề có một tư liệu nào để tham khảo. Khó khăn nữa là điều kiện thí nghiệm, vốn, cơ sở vật chất. Máy nung, máy nghiền, máy xay đều không có. Nguyên vật liệu để chế tạo men có giá thành đắt đỏ và rất hiếm.
“Hồi đó, chỉ cần một chi tiết sai trên sản phẩm làm ra là coi như bỏ, không thể sửa chữa được. Tiền đầu tư theo đó cũng đi luôn. Đúng là canh bạc thiệt, đôi khi cũng thấy nản”, anh Triết nhớ lại.
Năm 2008, sản phẩm Pháp lam thất truyền chính thức được hồi sinh và có mặt trong công cuộc phục dựng di tích ở Đại Nội, cung An Định và các lăng tẩm triều Nguyễn. Anh Triết quyết định chiêu mộ những nghệ nhân gốm, họa sĩ, thợ sơn mài... cùng vực dậy nghề thủ công có từ lâu đời này theo hướng sản xuất Pháp lam mỹ nghệ.
Kể từ đó, anh và các cộng sự cho ra đời những sản phẩm Pháp lam trên bình gốm, tranh vẽ, chủ yếu làm từ chất liệu đồng đỏ. Mục tiêu của Triết là đưa Pháp lam ra khỏi giới hạn của việc trùng tu các di tích, đến gần với người dân và khách du lịch hơn.
Không dừng lại ở đó, nhóm của anh Triết còn tìm tòi, mở rộng hướng ứng dụng nghệ thuật Pháp lam, từ đó mở cơ sở sản xuất và trưng bày Pháp lam tại TP Huế, với các lĩnh vực mới đang thịnh hành trong đời sống như: Tranh treo tường đơn chiếc hoặc một bộ gồm nhiều tranh; các dạng đèn ngủ, đèn đường; các loại bàn ghế, bình phong; các sản phẩm trang trí nội ngoại thất như bình, lọ, bát…, và các loại mặt dây chuyền, vòng tay trang sức, hộp đựng trang sức làm quà tặng, quà lưu niệm…
Bình luận