• Zalo

Hỏa ngục - Dan Brown chính thức lên kệ

Văn hóa - Giải tríThứ Tư, 19/03/2014 11:12:00 +07:00Google News

(VTC News) - Sau Thiên thần và Ác quỷ, Mật mã Da Vinci, Biểu tượng thất truyền, cuốn sách nổi tiếng Hỏa ngục của Dan Brown chính thức lên kệ.

(VTC News) - Sau Thiên thần và Ác quỷ, Mật mã Da Vinci, Biểu tượng thất truyền, cuốn sách nổi tiếng Hỏa ngục của Dan Brown chính thức lên kệ.

Với việc xuất bản các tiểu thuyết hấp dẫn Thiên thần và Ác quỷ, Mật mã Da Vinci, Biểu tượng thất truyền... Dan Brown đã trở thành một trong những tác giả ăn khách mang tầm quốc tế.
 

Dan Brown xứng đáng là một bậc thầy xuất sắc trong việc kết hợp những mật mã, biểu tượng với các yếu tố lịch sử  đan xen nghệ thuật vào các câu chuyện kịch tính đầy cuốn hút, chinh phục hàng trăm triệu độc giả trên khắp thế giới.

Giờ đây, qua cuốn tiểu thuyết mới nhất vô cùng ấn tượng mang nhan đề Hoả ngục, Dan Brown sẽ đưa độc giả đến trung tâm nước Ý, dẫn dắt họ qua một khung cảnh lấy cảm hứng từ một trong những tác phẩm văn học kinh điển nhất trong lịch sử.
dan brown
Hỏa ngục của Dan Brown 
Giáo sư biểu tượng học của Harvard, Robert Langdon, tỉnh lại trong một bệnh viện vào lúc nửa đêm. Anh hoàn toàn mất phương hướng và đau đầu dữ dội, cũng chẳng nhớ nổi điều gì về quãng thời gian ba mươi sáu tiếng vừa qua, kể cả chuyện làm thế nào anh lại có mặt ở nơi này hay nguồn gốc của cái vật kinh khủng mà các bác sỹ phát hiện thấy trong đồ đạc của anh.

Chỉ ít lâu sau, thế giới của Langdon trở nên hỗn loạn, và anh phải chạy trốn khỏi những kẻ lạ mặt ở Florence cùng với một nữ bác sỹ trẻ có phần khắc kỷ - Sienna Brooks, người đã vận dụng mưu mẹo khôn khéo để cứu mạng anh.

Langdon nhanh chóng nhận ra mình bị mắc kẹt trong chuỗi mật mã do một nhà khoa học xuất chúng sáng tạo nên - một thiên tài mang nỗi ám ảnh về sự diệt vong của thế giới và có đam mê mãnh liệt với một trong những kiệt tác có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất từng được sáng tác - trường ca Thần khúc của Dante Alighieri.

Trong cuộc hành trình chạy đua qua những địa danh không nhuốm màu thời gian như Cung điện Vecchio, Vườn Boboli, và Bảo tàng Duomo, Langdon cùng Brooks đã phát hiện ra một mạng lưới ngõ ngách và những bí mật cổ xưa, cũng như mô hình khoa học mới đáng kinh ngạc sẽ được sử dụng để nâng cao đáng kể chất lượng cuộc sống trên trái đất hoặc để huỷ hoại nó.

Trong tác phẩm vô cùng hấp dẫn và kịch tính này, Dan Brown lại một lần nữa ‘tự phá kỷ lục của chính mình’.

Hoả ngục thực sự là một tác phẩm vô cùng thú vị, một cuốn tiểu thuyết làm say lòng độc giả bằng vẻ đẹp của nghệ thuật, lịch sử và văn học kinh điển Ý, đồng thời cũng đặt ra những câu hỏi nhức nhối về vai trò của khoa học trong tương lai của chúng ta.

Tại Việt Nam, từ cuối tháng 12/2013 khi BachvietBooks chính thức công bố tin đã mua thành công bản quyền cuốn sách và sẽ xuất bản vào đầu năm 2014, đã tạo nên một cơn sốt chờ đợi của đông đảo độc giả.

Từ đầu tháng 3/2014, dù cuốn sách Hoả ngục mới đang đưa đi nhà in thì đã luôn nằm trong top 3 các cuốn sách best-seller bán chạy nhất của tất cả các mạng bán sách online lớn nhất cả nước.

Cùng với Hỏa ngục, BachvietBooks cũng mua lại bản quyền cuốn Biểu tượng thất truyền đã hết thời hạn bản quyền ở Việt Nam với một đơn vị xuất bản khác để tái bản với bản dịch mới của dịch giả Lê Đình Chi.

Dịch giả Nguyễn Xuân Hồng, người chuyển ngữ thành công cuốn sách nổi tiếng này chia sẻ về quá trình đưa Hỏa ngục đến với độc giả Việt:

Dịch giả Nguyễn Xuân Hồng 
- Được coi là cuốn sách được chờ đợi nhất năm 2013, ‘Hỏa ngục’  luôn là tâm điểm chú ý của bạn đọc trên toàn thế giới nói chung và độc giả Việt Nam nói riêng. Vậy cảm giác đầu tiên của anh khi hoàn thành tác phẩm ‘Hỏa ngục’ là?


Cảm giác chính là rất vui và… thở phào. Vui vì tôi đã hoàn thành bản dịch kịp tiến độ để sách ra mắt độc giả đúng dịp Hội chợ Sách TPHCM. Còn thở phào vì hoàn thành xong một nhiệm vụ khá nặng nề và áp lực.

- Khi nhận lời đồng ý dịch cuốn sách này, anh đã gặp phải những áp lực như thế nào? Và anh đã khắc phục những áp lực đó ra sao?

Tôi vừa nói ở trên là việc dịch cuốn sách này là một nhiệm vụ nặng nề và áp lực. Thực tế thì dịch tác phẩm nào của Dan Brown cũng áp lực vì ông là tác giả mà mỗi tác phẩm mới ra đời luôn được rất đông đảo bạn đọc trên toàn thế giới đón chờ.

Ở nước ngoài, độc giả háo hức muốn biết tác phẩm mới của Dan sẽ nói về chủ đề gì, nội dung có hay không, mới không.

Còn ở Việt Nam, độc giả ngóng chờ những điều tương tự và bên cạnh đó còn trông đợi xem bản dịch có đạt không, chuẩn không, nhất là trong bối cảnh gần đây liên tiếp có những sự cố dịch thuật.

Vì thế, dịch giả nói chung và dịch giả tác phẩm của Dan Brown sẽ luôn chịu áp lực phải cho ra được một bản dịch không bị ‘ném đá’ hay nói cách khác là được độc giả chấp nhận.

- Những khó khăn anh đã gặp phải trong quá trình dịch cuốn sách này? Với một tác phẩm khó dịch như ‘Hỏa ngục’, anh có tìm một ai đó khác để cũng thảo luận về những vấn đề khó khăn anh gặp phải trong quá trình dịch không?

Dịch cuốn sách nào cũng có những khó khăn giống nhau do sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa. Việc dịch cho đạt, cho hay những thành ngữ, những chỗ chơi chữ… luôn là thử thách đối với người làm công tác dịch thuật.

Ngoài ra, đối với tiểu thuyết Hỏa ngục và các tác phẩm trước đó của Dan Brown nói chung, còn có vô số những thuật ngữ, khái niệm, tác phẩm khoa học, tôn giáo, nghệ thuật… cũng như tên gọi các địa danh, công trình mà việc dịch sang tiếng Việt cũng là thách thức lớn.

Với cá nhân tôi, khi dịch tôi luôn phải tra cứu rất kỹ để hiểu rồi mới lựa chọn cách dịch. Cũng có rất nhiều trường hợp phải chia sẻ, bàn luận với bạn bè, người than để nghe ý kiến hoặc gợi ý cách dịch cho phù hợp.

Trong trường hợp Hỏa ngục, do nhiều lý do nên tôi không có điều kiện trao đổi, thảo luận về những khó khăn gặp phải trong quá trình dịch.

Tuy nhiên, đến khâu biên tập, tôi luôn làm việc chặt chẽ với các biên tập viên, trao đổi, chia sẻ quan điểm về những chi tiết cần thay đổi, để lựa chọn phương án dịch phù hợp nhất.
hỏa ngục
 
- Dan Brown là một trong số những tác giả có lối viết sử dụng nhiều ký hiệu, mật mã, điển tích, xen lẫn lịch sử, văn hóa, tình tiết đa dạng phức tạp. Đó có phải là thách thức với anh khi dịch ‘Hỏa ngục’ hay không? Những điểm gì trong ‘Hỏa ngục’ khiến anh mất nhiều thời gian cân nhắc, lưu tâm trong quá trình dịch?

Tôi vừa nói ở trên là các tác phẩm của Dan Brown luôn ngập tràn những thông tin, chi tiết, điển tích lịch sử, văn hóa. Đó thật sự là thách thức với người dịch.

Khi xử lý bản thảo, tất cả những thách thức đó tôi đều phải tra cứu từ rất nhiều nguồn tài liệu khác nhau để hiểu và lựa chọn phương án dịch mà tôi thấy là tối ưu nhất.

- Đã 4 năm sau thành công vang dội của tiểu thuyết ‘Biểu tượng thất truyền’ (The Lost Symbol), độc giả trên toàn thế giới đã nín thở chờ đợi sự ra đời của ‘Hỏa ngục’ (Inferno). Tuy nhiên, ngay sau khi cuốn sách được phát hành chính thức vào ngày 14/05/2013, thì đã có 2 luồng dư luận trái chiều nói về cuốn sách này. Bên cạnh sự ủng hộ của nhiều người thì cũng có không ít nhà phê bình đã thẳng thắn nói lên sự thất vọng của mình. Theo một số nhà phê bình, ‘Hỏa ngục – Inferno’ vẫn không thoát khỏi cái bóng của ‘Mật mã Da Vinci - The Da Vinci Code’ và tài kể chuyện của Dan cũng bị nhận xét đã bị ‘chùng xuống’ vì sức nặng của những chi tiết lịch sử. Vậy ý kiến của anh về nhận xét này là như thế nào?


Phải nói thật là với những độc giả thích thể loại trinh thám và kỳ vọng sẽ được đọc một tác phẩm trinh thám gay cấn, căng thẳng đến nín thở thì Hỏa ngục ít nhiều sẽ làm họ thất vọng.

Tôi nói vậy vì yếu tố trinh thám, hình sự trong Hỏa ngục đã giảm đi rất nhiều.

Điều này đã được một số nhà phê bình và độc giả nêu ra khi đọc bản gốc tiếng Anh và họ nói rằng tác phẩm không vượt ra khỏi cái bóng Mật mã Da Vinci.

Cá nhân tôi cho rằng, việc đòi hỏi một tác giả viết tác phẩm sau phải vượt tác phẩm ‘đỉnh cao’ trước đó của chính mình là có phần khiên cưỡng và không hợp lý.

Đòi hỏi đó phản ánh mong muốn, kỳ vọng chủ quan của chúng ta đặt vào tác giả mà chúng ta yêu quý, nhưng nếu nghĩ kỹ thì ta sẽ thấy đòi hỏi đó rất khó thành hiện thực trên mọi phương diện bởi viết ra được một tác phẩm ‘đỉnh cao’ thật sự không hề dễ dàng.
 

Với tôi, tôi đánh giá rằng, sau khi đã viết ra được Mật mã Da Vinci, Dan Brown vẫn tiếp tục cho ra đời Biểu tượng thất truyền, Hỏa ngục là bút lực rất ghê gớm và thực tế sẽ ít tác giả làm nổi được rồi.

Còn nhận xét về nội dung Hỏa ngục so với các cuốn trước, tôi cho rằng bên cạnh mặt ‘đuối’ trong việc tạo ra tính ‘trinh thám’ gay cấn như nói ở trên thì lần này, Dan Brown lại có một thử nghiệm mới.

Nếu các cuốn trước, Dan tập trung sử dụng những kiến thức phong phú về nghệ thuật, biểu tượng, tôn giáo, văn hóa của mình để tạo ra những câu truyện trinh thám đơn thuần thì lần này, Hỏa ngục lại gắn với một vấn đề thời sự có tính toàn cầu: Tình trạng quá tải dân số.

Tóm lại, tác phẩm của ông không còn là câu chuyện hư cấu phục vụ nhu cầu giải trí đơn thuần nữa mà đã gắn với một vấn đề thiết thực của cuộc sống, khiến độc giả phải suy nghĩ. Tôi cho rằng, đó là một bước đột phá rất mới của Dan nhằm thoát ra khỏi lối mòn trong sự nghiệp của mình.

- Inferno được biết đến với tựa tiếng Việt là ‘Địa ngục’, lý do nào khiến anh quyết định đặt lại thành ‘Hỏa ngục’?

Ngay khi bản tiếng Anh của sách ra đời với tên gọi Inferno  tôi đã nghĩ rằng nếu mình dịch thì sẽ dịch tên là Hỏa ngục.

Tiểu thuyết của Dan Brown được đặt theo tên Phần 1 trong kiệt tác Thần khúc của Dante Alighieri. Thần khúc mô tả hành trình của tác giả đi qua Inferno (hỏa ngục) và Purgatory (luyện ngục) để tới Paradise (thiên đường).

Thêm nữa, trong quan niệm của Thiên Chúa giáo, hình ảnh địa ngục không chỉ là một nơi u ám, tối tăm mà còn là một biển lửa với những hình phạt khắc nghiệt giành cho những kẻ tội lỗi trên cõi trần.

Do đó, địa ngục còn được gọi là Hỏa ngục. Khi chọn cách dịch cho tên tác phẩm, ngay từ đầu tôi đã quyết định dùng Hỏa ngục cho sát với những khái niệm đã được nhìn nhận trong tác phẩm Thần khúc.

Một yếu tố nữa là tên gọi Địa ngục đã quá quen thuộc, không chưa đựng được yếu tố mới và lạ. Cân nhắc tất cả những lý do đó, tôi chọn dịch Inferno là Hỏa ngục.

- Xin cảm ơn anh!

An Yên

Bình luận
vtcnews.vn