• Zalo

‘Hố đen’ khâu thẩm tra tư cách ứng viên ĐBQH

Thời sựThứ Sáu, 22/02/2013 05:50:00 +07:00Google News

(VTC News) – Vụ đại biểu quốc hội xúc phạm nhau đã để lộ thêm một lỗ hổng lớn trong khâu làm luật ở Việt Nam.

(VTC News) – Vụ đại biểu quốc hội xúc phạm nhau đã để lộ thêm một lỗ hổng lớn trong khâu làm luật ở Việt Nam.

Lỏng lẻo khâu thẩm tra tư cách ĐBQH?

Trao đổi với báo Pháp luật, ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, để có được danh sách ứng cử viên chính thức ra bầu cử thì phải trải qua ba vòng hiệp thương rất chặt chẽ. Thứ nhất là cơ cấu, thành phần, số lượng; lên danh sách sơ bộ ra lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, làm việc rồi mới ra danh sách ứng cử viên chính thức.

Thế nhưng, vào năm ngoái, trao đổi với VnExpress, nguyên đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết từng nêu quan điểm, ngoài cơ chế bãi nhiệm còn cần phải quy định rõ quy trình thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội khi Quốc hội triệu tập lần đầu. Hiện, Quốc hội không có quy trình này nên buổi sáng bầu Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu thì buổi chiều đã ra nghị quyết về thẩm tra tư cách.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến bị bãi nhiệm đại biểu quốc hội 
Trong khi đó, một cán bộ thuộc Ủy ban Mặt trận tổ quốc TP.HCM thừa nhận, lý lịch của ứng cử viên (ƯCV) khi ra ứng cử ĐBQH phải có xác nhận của địa phương hoặc cơ quan nơi người đó làm việc. Cơ quan chức năng chỉ đi xác minh thông tin ƯCV khai là đúng hay sai nếu có khiếu nại, tố cáo của cử tri. Nếu không có khiếu nại, tố cáo thì không phải xác minh vì trong quy trình cũng không yêu cầu phải đi xác minh.

Bởi thế mới dẫn tới việc ngày 26/5/2012, với hơn 90% đại biểu tán thành, Quốc hội đã ra Nghị quyết bãi nhiệm tư cách đại biểu với bà Đặng Thị Hoàng Yến do “có nhiều điểm không được khai rõ hoặc bỏ trống trong lý lịch” của bà.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến đã không trung thực khi khai hồ sơ ứng cử. Cụ thể, bà Yến không kê khai ngày vào Đảng, không khai trong hồ sơ chồng bà là Jimmy Trần (đang có lệnh truy nã).

Trường hợp của bà Hoàng Yến được xem như một “bằng chứng sống” cho thấy những mặt hạn chế còn tồn tại trong khâu thẩm tra tư cách ứng viên ĐBQH tại Việt Nam.

Vi phạm ở mức nào thì bị bãi nhiệm?

Trao đổi với báo Pháp luật, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng quốc hội Trần Ngọc Đường thừa nhận, tại Việt Nam luật chưa cụ thể hóa việc đại biểu vi phạm ở mức nào thì bị bãi nhiệm.

Ông Đường cho rằng, cần nhanh chóng cụ thể hóa các quy định để thiết lập cơ chế sao cho người dân có quyền bầu thì cũng có quyền bãi miễn ĐBQH.

“Ví dụ như chúng ta quy định bao nhiêu quần chúng nhân dân (nơi bầu đại biểu) có đơn yêu cầu bãi miễn tư cách đại biểu thì phải xem xét thực hiện việc bãi miễn” - ông Đường gợi mở.

Trở lại việc đại biểu Hoàng Hữu Phước có bài viết bị coi là xúc phạm đại biểu Dương Trung Quốc, cho tới giờ hình thức kỉ luật đối với đại biểu Phước vẫn là một câu hỏi lớn chưa lời đáp bởi theo luật sư Lê Đức Tiết, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hình thức kỉ luật với ông Phước nặng nhẹ ra sao là quyền của Quốc hội.

ĐB Hoàng Hữu Phước

“Theo tôi, nếu ông Hoàng Hữu Phước đã nhận lỗi rồi thì thôi. Còn vấn đề bãi nhiệm thì hơi quá. Trừ phi ông Hoàng Hữu Phước phạm tội phản quốc, phạm tội hình sự…thì mới bãi nhiệm chứ.
Ông ấy đã xin lỗi, rồi đây quốc hội kiểm điểm, ông ấy tự nhận lỗi trước quốc hội là được chứ chẳng cần phải bãi nhiệm”, ông Tiết nêu quan điểm.

Trong khi đó, trao đổi với Giáo dục Việt Nam, luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng Luật sư Vì Dân, đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội nêu quan điểm: “Việc ĐB Hoàng Hữu Phước đăng tải bài viết "tứ đại ngu" trên trang blog cá nhân với nội dung xúc phạm ĐB Dương Trung Quốc đã vi phạm điều 121 Bộ luật Hình sự về tội làm nhục người khác. Tôi cho rằng có đủ căn cứ để Quốc hội bãi nhiễm chức danh ĐBQH của ông Hoàng Hữu Phước”.

 

Cần nhanh chóng cụ thể hóa các quy định để thiết lập cơ chế sao cho người dân có quyền bầu thì cũng có quyền bãi miễn ĐBQH. Ví dụ như chúng ta quy định bao nhiêu quần chúng nhân dân (nơi bầu đại biểu) có đơn yêu cầu bãi miễn tư cách đại biểu thì phải xem xét thực hiện việc bãi miễn

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng quốc hội Trần Ngọc Đường
 
Như vậy, có thể thấy còn rất nhiều ý kiến trái chiều về hình thức kỉ luật đối với những đại biểu quốc hội xúc phạm, thóa mạ nhau. Và ngay cả các luật sư danh tiếng, những chuyên gia hàng đầu về luật cũng “bó tay” trước câu hỏi tại Việt Nam, đại biểu quốc hội vi phạm ở mức độ nào thì bị bãi nhiệm?


Nhìn lại những khóa Quốc hội trước đây, một số ĐB như Mạc Kim Tôn (Thái Bình) và Lê Minh Hoàng (TP.HCM) đều đã bị Quốc hội bỏ phiếu và tán thành bãi nhiệm tư cách ĐBQH.

Trường hợp ông Mạc Kim Tôn - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình, ngày 29/11/2006, hơn 83% ĐBQH đã đồng ý bãi nhiệm tư cách ĐBQH khóa XI do ông này lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây bất bình trong dư luận, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân.

Còn trường hợp ông Lê Minh Hoàng - nguyên Giám đốc Công ty điện lực TP.HCM, ngày 29/11/2005, Quốc hội khóa XI đã tiến hành bỏ phiếu bãi nhiệm và 71,86% ĐBQH đã thống nhất bãi nhiệm tư cách ĐBQH do ông Hoàng có sai phạm trong vụ điện kế điện tử.




Minh Quân
(tổng hợp)


Bình luận
vtcnews.vn