1. Trong bóng đá, những thay đổi nhỏ về mặt chiến thuật có thể xoay chuyển cục diện. "Ván cờ tàn" trước năm 2018 được HLV Park Hang Seo biến thành "cờ thắng" nhờ một điều chỉnh, trong trận đấu vô thưởng vô phạt.
Đó là 90 phút trên sân Hàng Đẫy vào tháng 12/2017, khi U23 Việt Nam gặp Ulsan Hyundai. Đội bóng của Park thua 0-2 trong hiệp 1. Thấy cặp trung vệ thất thế, ông tăng thêm một trung vệ nữa, chuyển sang sơ đồ 3-4-3. U23 Việt Nam gỡ hòa, chỉ thua ở phút chót.
Phần còn lại sau điều chỉnh ấy là lịch sử. Những người từng cúi gằm mặt ở SEA Games lại ngẩng cao đầu ở châu Á.
Thành công suốt 2 năm, 6 giải của các cấp độ đội tuyển gắn với những quyết định nhỏ nhưng đúng của ông Park. ASIAD 2018, ông chọn Văn Quyết thay vì Văn Lâm cho suất 3 cầu thủ quá tuổi. Kết quả mỹ mãn khi Olympic Việt Nam vào bán kết. Văn Quyết chơi tốt, còn Tiến Dũng (người suýt bị Văn Lâm thế chỗ) bắt ổn định.
AFF Cup, HLV Park Hang Seo mãn nguyện khi trao cơ hội trở lại cho Anh Đức. Đến Asian Cup, tuyển Việt Nam hạ Jordan, khiến Nhật Bản vất vả với Công Phượng đá tiền đạo ảo.
Tầm nhìn và sự thông tuệ của Park giúp bóng đá Việt Nam thăng tiến với nguồn lực vừa phải. Ông có lứa cầu thủ chất lượng, đồng đều, nhưng nhìn chung đẳng cấp của nền bóng đá nhìn chung chưa tương xứng kỳ tích.
HLV Park Hang Seo có thể nấu ngon nhờ những nguyên liệu đang có, song để có món thượng hạng, thứ ông cần không chỉ là kỹ năng của người đầu bếp. Mà là những nguyên liệu chất lượng.
2. 10/11 suất đá chính của tuyển Việt Nam đã có chủ, trừ vị trí tiền đạo được luân phiên giữa Công Phượng và Tiến Linh. Tiền đạo cũng là nỗi lo của Park, được chính ông thừa nhận không dưới một lần. Theo chiến lược gia người Hàn Quốc, hầu hết các đội V-League đều đá tiền đạo ngoại, nên tiền đạo nội ít có đất diễn, khó tích luỹ kinh nghiệm.
Nhưng thật trớ trêu, thất bại gần nhất của Park (U23 châu Á) lại đến khi U23 Việt Nam có 2 tiền đạo tốt nhất hiện tại là Đức Chinh và Tiến Linh.
Giải U23 châu Á cách đây 2 năm, U23 Việt Nam vào chung kết khi không có chân sút thực sự đẳng cấp. Giải đấu ở Thái Lan vừa qua, Đức Chinh đã được trui rèn thêm 2 năm ở SHB Đà Nẵng, Tiến Linh là tiền đạo đẳng cấp ĐTQG, nhưng cả hai ghi tổng cộng 1 bàn sau 3 trận.
Vấn đề của bóng đá Việt Nam không chỉ là tiền đạo. Một, hoặc hai vị trí trên sân khó tạo ra ảnh hưởng lớn đến thế. Đơn cử như thất bại của U23 Việt Nam có trách nhiệm từ mọi tuyến. Ở hàng phòng ngự, nếu các hậu vệ đá tốt, Đình Trọng đã không phải nén đau thi đấu. Nếu tiền vệ ổn định, U23 Việt Nam đã có kết quả tốt hơn.
Chiến thuật của Park Hang Seo vẫn vậy, thậm chí còn linh hoạt hơn khi ông có thêm 2 năm hiểu bóng đá Việt Nam, nhưng con người khác, kết quả khác.
Thất bại của U23 Việt Nam không phải mắt xích đơn lẻ. Cần nhớ, bóng đá Việt Nam "hóa rồng" sau kỳ tích Thường Châu. Hệ thống của U23 Việt Nam là nền móng cho tuyển quốc gia. Hai cấp độ đội tuyển có sự tiếp nối, mà xộc xệch về con người ở cấp độ trẻ là cảnh báo cho khoảng trống của tuyển Việt Nam hiện tại và tương lai.
Video: U23 Việt Nam 1-2 U23 Triều Tiên
Nguy cơ ấy, HLV Park Hang Seo đã thấy từ lâu. Gần như tài năng của các tuyển thủ hiện tại, ông đều đã "vắt kiệt". Hệ thống chiến thuật sinh ra để tối ưu sức mạnh cá nhân. Khi đã đạt ngưỡng, những thay đổi, biến thiên về chiến thuật chỉ có hiệu quả mang tính thời điểm.
Muốn đạt hiệu quả lâu dài, HLV phải có nhân tố mới đủ giỏi. Đó lại là thứ V-League chưa đáp ứng được cho Park.
3. Một chiến lược gia kỳ cựu từng nhận xét: "HLV Park Hang Seo yêu lứa cầu thủ Thường Châu quá, nên sẽ có ít nhiều bảo thủ". Nhưng thực tế là, Park không phải không muốn điều chỉnh. Một HLV dám thay đổi hệ thống chiến thuật ngay ở giải đấu đầu tay, tuyệt đối không phải người ngại thay đổi.
Ông từng gọi nhiều nhân tố mới như Văn Vũ, Hồng Quân, Anh Quang, Viết Tú, Việt Phong,... Dù vậy, chẳng ai đủ tốt, hoặc tốt hơn những quân bài ông Park đang có để tạo ra sự đột phá.
Danh sách triệu tập hay đội hình ra sân mà Park Hang Seo bố trí lặp đi lặp lại, cũng vì ông đã dùng cạn nhân tài. Các đối thủ bắt bài là chuyện sớm hay muộn.
Tiền đạo chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. HLV 60 tuổi cố gắng tạo khác biệt trên vai trò của ông khi tìm chiến thuật mới, tôn tạo một chiếc bình mới, song phần rượu bên trong ngon hay dở lại không phải điều Park kiểm soát được.
Nhiệm vụ của HLV ĐTQG là tối ưu nguồn lực, còn tạo ra và phát triển cầu thủ giỏi là việc của HLV CLB, những người làm việc với cầu thủ hàng tuần, chứ không phải "lâu lâu mới gặp" như Park Hang Seo. V-League đang thiếu những HLV đủ tốt để làm điều đó.
Bao nhiêu CLB Việt Nam hiện tại chơi tấn công chủ động, bao nhiêu đội có bản sắc riêng, bao nhiêu đội làm tốt vai trò rèn giũa và giúp "ngọc thô" trở thành "ngọc tinh"? Mảnh đất có đủ dinh dưỡng để hạt nảy mầm, hay nhiều năm qua, V-League gần như đứng yên, phó thác thành công của ĐTQG vào sa bàn của Park Hang Seo và cộng sự?
100% nỗ lực của Park chỉ tạo được 50% cho thành công toàn cục. Nếu những ngày Covid-19 hoành hành, chỉ có HLV người Hàn Quốc vùi đầu vào nâng cấp chiến thuật, bóng đá Việt Nam khó tiến thêm những bước dài.
Bình luận