Chiều 3/2, HLV Fabio Lopez loan báo thông tin thắng kiện CLB Thanh Hóa sau thời gian dài theo đuổi vụ việc. Chưa rõ FIFA phán quyết đội bóng xứ Thanh phải đền bù bao nhiêu tiền, nhưng bê bối này thêm một lần nữa vạch trần góc tối trong cách làm bóng đá ở giải đấu hơn 20 năm đóng mác chuyên nghiệp.
Từ Letard đến Lopez
Tháng 9/2004, CAS (Tòa án Thể thao Quốc tế) phán quyết Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phải đền bù hơn 200.000 USD (hơn 3 tỷ đồng) cho cựu HLV trưởng tuyển quốc gia Christian Letard. Để dễ hình dung, số tiền đội tuyển quốc gia nhận tài trợ trong năm 2005 chỉ là 3,7 tỷ đồng.
Thời điểm xảy ra tranh chấp, bóng đá Việt Nam có nhiều rối ren, từ sa sút lòng tin nơi người hâm mộ đến những vấn đề chuyên môn và cả bất cập trong quản lý. Vụ việc được coi là bài học đắt giá cho những người làm bóng đá Việt Nam trên hành trình bước ra thế giới.
16 năm sau, bóng đá Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, VFF cũng có những thay đổi để dần bắt kịp xu thế chung của thế giới. Các CLB Việt Nam cũng từng bước hội nhập, có mặt, thậm chí chơi tốt ở các giải khu vực và châu lục. Song, từng đó là chưa đủ khi nhiều CLB vẫn phải trả giá trong các cuộc chiến pháp lý.
Cựu HLV CLB Thanh Hóa Fabio Lopez khẳng định ông được FIFA phán thắng kiện và đội bóng xứ Thanh sẽ phải đền bù cho những thiệt hại mà nhà cầm quân này phải chịu kể từ khi bị thanh lý hợp đồng.
Tháng 6/2020, HLV Lopez bị sa thải chỉ sau 5 trận dẫn dắt đội bóng xứ Thanh, bằng một cuộc họp kín được tổ chức bởi chủ tịch cũ Nguyễn Văn Đệ. Tranh cãi nảy sinh khi CLB Thanh Hóa không chấp nhận đền bù cho thuyền trưởng người Italy. Họ tin rằng mình có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng bởi thành tích kém cỏi của đội bóng trong thời gian được dẫn dắt bởi HLV Lopez.
Thời điểm nhận thông tin bị CLB Thanh Hóa sa thải, chiến lược gia sinh năm 1973 bức xúc: "Tôi không sốc bởi việc bị sa thải. Tôi chỉ ngạc nhiên bởi cách hành xử thiếu chuyên nghiệp của đội Thanh Hóa. Họ vội vã tung tin với giới truyền thông trước khi gặp và thông báo việc sa thải với tôi. Cách làm bóng đá ở CLB Thanh Hóa thực sự có vấn đề".
Trước vụ lùm xùm giữa CLB Thanh Hóa và HLV Lopez, một đội bóng khác phải nhận án phạt tương tự từ FIFA. CLB Hải Phòng phải đền bù hơn 200.000 USD (khoảng 5 tỷ đồng) cho Errol Stevens. Theo Stevens, anh bị đội bóng đất cảng nợ lương từ năm 2018 đến thời điểm phán quyết (giữa năm 2020).
Điểm chung của những vụ tranh chấp trên là đều xuất phát từ cách hành xử không giống ai của các đội bóng mà cụ thể là sự tùy hứng của những ông bầu. Họ đi ngược lại nguyên tắc chung, gần như không tuân theo luật quốc tế.
Chuyên nghiệp theo kiểu nghiệp dư
Tối 3/2, bầu Đệ phủ nhận thông tin CLB Thanh Hóa thua kiện. Ông Cao Tiến Đoan, người tiếp quản đội bóng sau khi bầu Đệ rút lui, lại khẳng định mình không liên quan. Ông Đoan cho rằng nếu CLB Thanh Hóa thua kiện, trách nhiệm thuộc về bầu Đệ và tỉnh, còn bản thân hoàn toàn vô can.
Đặt giả thiết, yêu cầu đền bù của HLV Lopez không được thực hiện đúng hạn, CLB Thanh Hóa đối diện với án phạt nặng hơn, có thể là cấm thi đấu, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Ở vụ lùm xùm giữa Stevens và CLB Hải Phòng, lãnh đạo đội bóng này chọn cách im lặng. Từ thời điểm chân sút người Jamaica phát trực tiếp cảnh anh "đòi công lý" ngay trước phòng làm việc của chủ tịch CLB Trần Mạnh Hùng, nhiều nỗ lực tiếp cận bầu Hùng từ giới truyền thông đều không mang lại kết quả.
Đến khi Stevens ký hợp đồng với CLB Thanh Hóa, ông Hùng lại dọa kiện ngược vì cho rằng đội bóng của mình không sai. Sau tuyên bố hùng hồn đó, mọi việc dần chìm xuống. Stevens ký hợp đồng với CLB Thanh Hóa, đá thêm một mùa trước khi trở về quê nhà và có lẽ không bao giờ trở lại thi đấu ở V.League nữa.
Điểm chung trong các vụ việc này là đại diện Việt Nam đều thua kiện. Muốn hội nhập và tiến lên chuyên nghiệp, các CLB Việt Nam cần học lại từ những điều nhỏ nhất, ví dụ như thượng tôn pháp luật.
Bình luận