• Zalo

Hết lớp 9, học sinh có cơ hội lấy bằng cao đẳng

Giáo dụcThứ Sáu, 22/11/2013 04:28:00 +07:00Google News

(VTC News)- Học sinh tốt nghiệp THCS sẽ có thể học thêm 3 năm để lấy bằng trung cấp nghề, 4 năm lấy bằng cao đẳng nghề chính quy.

(VTC News)- Học sinh tốt nghiệp THCS sẽ có thể học thêm 3 năm để lấy bằng trung cấp nghề, 4 năm lấy bằng cao đẳng nghề chính quy.


Những ngày gần đây, Đổi mới giáo dục trở thành một trong những vấn đề nóng hổi được đề cập tới trong các phiên thảo luận của Quốc Hội, cũng như được xã hội đặc biệt quan tâm.

Ngày 4/11 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Trong đó chỉ ra, cần "Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo" cũng như “đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở; định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông" và "đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp sau trung học phổ thông, liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học".

TS Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng ĐH FPT
TS Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng ĐH FPT 
Nói về thực trạng định hướng nghề nghiệp cho học sinh hiện nay, TS. Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng ĐH FPT cho biết thanh niên Việt Nam bắt đầu tự lực và lập nghiệp muộn so với thanh niên thế giới, do phân cấp các bậc học và khởi điểm định hướng nghề nghiệp bắt đầu khá muộn.

Vì vậy, Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic quyết định triển khai chương trình phân luồng hướng nghiệp sớm mang tên 9+4. Đây cũng là định hướng phù hợp với nghị quyết về Đổi mới giáo dục được ban hành mới đây.

Theo đó, học sinh tốt nghiệp THCS không cần tiếp tục học lên bậc THPT mà có thể đi theo mô hình “tháo lắp” linh động: sau 3 năm, học sinh có thể lấy bằng Trung cấp nghề để đi làm; nếu học thêm 1 năm nữa, học sinh sẽ có bằng Cao đẳng nghề chính quy.

Trong mô hình 9+4 này, học sinh sẽ đồng thời học thêm 4 môn học của bậc THPT song song với việc học nghề, để thi và lấy bằng tốt nghiệp THPT theo quy định của Bộ GD-ĐT.

TS Lê Trường Tùng nhận định: “Việc có thể định hướng và phân luồng nghề nghiệp sớm theo mô hình 9+4 sẽ giúp giải quyết tâm lý xã hội đang đổ xô vào cửa đại học, giúp liên thông các cấp học mềm dẻo, dễ dàng, giảm thời gian lập nghiệp”.

Đồng thời, chương trình cũng góp phần đáng kể cho việc giảm chi phí xã hội đầu tư cho giáo dục, cũng như tăng được thời gian cống hiến của cá nhân, và đất nước có thêm nguồn lao động trẻ.

Hướng tới việc học tập suốt đời, sau khi học xong chương trình 9+4, với việc được trang bị các kỹ năng và chuyên môn nghề nghiệp, thanh niên có thể bắt đầu đi làm ngay, và sau này vẫn có thể tiếp tục học lên đại học theo mong muốn với chương trình liên thông kéo dài từ 1,5 – 2 năm.

"Mô hình 9+4 cũng là mô hình được áp dụng ở nhiều nước. Hiện nay Singapore hàng năm đều sang Việt Nam tuyển học sinh học hết lớp 9 sang Singapore học Polytechnic (Cao đẳng) là theo mô hình này. Nếu hiện nay xong lớp 12 mới vào đại học, trượt đại học mới vào cao đẳng thì thanh niên Việt Nam đang đi đường dài hơn so với thanh niên thế giới", TS. Lê Trường Tùng, Hiệu Trưởng Trường ĐH FPT cho hay.

Được biết, mô hình 9+4 đồng thời cũng là mô hình 9 năm trong hệ thống giáo dục của Anh, được áp dụng rộng rãi tại các nước trong khối thịnh vượng chung.

Với mô hình này, học xong 9 năm học sinh sẽ có bằng tốt nghiệp văn hoá phổ thông. Đồng thời, cấp trung học phổ thông được thay bằng 2 năm “dự bị đại học” (Pre-University) dành cho những ai mong muốn học đại học. Những học sinh học xong lớp 9 muốn lập nghiệp sớm có thể phân luồng học Cao đẳng luôn thay cho chương trình Dự bị đại học.

Học xong giai đoạn đầu 1.5 năm của Cao đẳng (trung cấp trước đây) được nhận bằng Cao đẳng (Diploma) và có thể đi làm sớm, học thêm giai đoạn 2 của Cao đẳng (1.5 năm) nhận bằng Cao đẳng Nâng cao (Higher Diploma). Có bằng Cao đẳng Nâng cao có thể học tiếp liên thông đại học (2 năm) nếu muốn hoàn thiện học vấn.  




Phạm Thịnh

Bình luận
vtcnews.vn