• Zalo

Hét giá cô dâu ở Trung Quốc, ai hưởng lợi?

Chuyện bốn phươngThứ Năm, 23/02/2023 06:56:46 +07:00Google News

Tùy tập tục của từng địa phương Trung Quốc, tiền sính lễ được ngã giá theo mức chung hoặc không có giới hạn nào; ai được hưởng lợi từ số tiền này?

 
Hét giá cô dâu ở Trung Quốc, ai hưởng lợi? - 1

Trao sính lễ được xem là truyền thống quan trọng trong hôn nhân ở Trung Quốc. Đó là món quà thể hiện thiện chí giữa gia đình hai bên. (Ảnh: CNS)

Ở Trung Quốc, ít có chủ đề nào gây tranh cãi nhiều hơn giá cô dâu cao ngất ngưởng ở một số vùng nông thôn.

Còn được gọi là sính lễ hay của hồi môn, đó là tiền, tài sản hoặc hình thức của cải khác do chú rể, gia đình nhà trai tặng cho nhà gái trước lễ cưới.

Tháng trước, một bài báo với tiêu đề “Cô gái Giang Tây đòi bạn trai người Thượng Hải 18,88 triệu nhân dân tệ (2,75 triệu USD) tiền sính lễ” dẫn đầu danh sách thịnh hành trên nhiều nền tảng mạng xã hội.

Dù câu chuyện sau đó được tiết lộ là giả mạo, một thị trấn ở vùng nông thôn của tỉnh Giang Tây vẫn yêu cầu 30 phụ nữ trẻ chưa chồng điền tên vào bức thư ngỏ chỉ trích nạn hét giá cô dâu, dẫn đến loạt tin tức được đưa trên các phương tiện truyền thông, theo Sixth Tone.

Tất nhiên, không phải tất cả câu chuyện đều nhẹ nhàng. Đầu tuần này, thông tin một gia đình ở Tứ Xuyên nhận được 260.000 nhân dân tệ tiền sính lễ khi cho con gái chưa đủ tuổi vị thành niên kết hôn gây ra phản ứng dữ dội trên mạng xã hội.

Bị phản đối

Trong mọi hoàn cảnh, thái độ đối với giá cô dâu trên truyền thông hầu như đều là tiêu cực. Nhiều người coi đây là truyền thống lỗi thời, cần phải chấm dứt càng sớm càng tốt.

Chính quyền địa phương, đặc biệt là ở miền Bắc Trung Quốc, nhiều lần tìm cách ngăn cản tập tục này, coi đây là trở ngại cho việc ổn định thị trường hôn nhân nông thôn.

Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn tại. Một lý do giải thích cho sự tồn tại bền vững của tiền sính lễ là sự đa dạng. Nó có thể rất khác nhau tùy theo khu vực và bị ràng buộc chặt chẽ với các chuẩn mực, lối sống của cộng đồng địa phương.

Hét giá cô dâu ở Trung Quốc, ai hưởng lợi? - 2

Giá cô dâu cao ngất ngưởng ở một số vùng nông thôn của Trung Quốc được xem là tập tục lỗi thời, cần dẹp bỏ. (Ảnh: Sim Chi Yin/NPR)

Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, tập tục hét giá cô dâu mang ý nghĩa nghi lễ mạnh mẽ. Ngày nay, tiền sính lễ còn có chức năng bồi thường cho cha mẹ cô dâu và hỗ trợ tài chính cho cặp vợ chồng mới cưới.

Cái nào trong hai yếu tố này quan trọng hơn phụ thuộc vào từng khu vực.

Ở các vùng nông thôn phía bắc Trung Quốc như Hà Nam, Sơn Đông và một số vùng phía bắc của tỉnh An Huy, cha mẹ cô dâu thường không giữ tiền sính lễ vì sợ bị buộc tội bán con gái. Thay vào đó, số tiền được chuyển cho cô dâu để sử dụng trong cuộc sống hôn nhân.

Các vùng nông thôn của vùng thượng lưu sông Dương Tử, bao gồm tỉnh Tứ Xuyên, Hồ Bắc và thành phố Trùng Khánh, cũng tuân theo thông lệ tương tự. Ở những khu vực này, sính lễ thường được chuyển cho cô dâu. Cha mẹ có thể cho con gái thêm của hồi môn, thường bằng với nhà trai.

Ở phía nam, bao gồm các tỉnh Quảng Đông, Giang Tây và Phúc Kiến, sính lễ thường được cha mẹ cô dâu giữ như hình thức báo đáp công lao nuôi dạy. Ở những vùng này, giá cô dâu thường được gọi là “tiền nuôi con” hoặc “tiền sữa mẹ”. Nói chung, cha mẹ sẽ chuyển một khoản tiền làm của hồi môn cho con gái, thường ít hơn một nửa sính lễ của nhà trai, và giữ phần còn lại để trang trải chi phí gia đình hoặc trả sính lễ cho con trai họ sau này.

Vấn đề phức tạp

Câu hỏi được đặt ra là: Nếu tiền sính lễ có nhiều khả năng được chuyển cho cô dâu ở miền bắc và tây nam Trung Quốc, vì sao các câu chuyện về giá cô dâu cao ngất trời làm méo mó thị trường hôn nhân lại phổ biến nhất ở những vùng này?

Dựa trên nghiên cứu của Li Yongping, trợ lý giáo sư xã hội học tại Zhou Enlai School of Government của Đại học Nankai, giá cô dâu thực sự có xu hướng cao nhất ở vùng nông thôn Hà Nam, phía bắc An Huy, đặc biệt là ở đồng bằng Hoàng Hoài Hải trải dài trên 2 tỉnh.

Các gia đình sống ở vùng nông thôn tại những khu vực này thường phải tiêu tốn ít nhất 10.000 nhân dân tệ cho mỗi cậu con trai về tiền sính lễ, chưa bao gồm nhẫn cưới, đồ trang sức hoặc chi phí tổ chức đám cưới, ít hơn nhiều so với giá nhà và xe hơi cho cặp đôi mới cưới.

Hét giá cô dâu ở Trung Quốc, ai hưởng lợi? - 3
Hét giá cô dâu ở Trung Quốc, ai hưởng lợi? - 4

Bản chất thiện chí của việc trao sính lễ đã thay đổi nhiều qua thời gian và thường là gánh nặng tài chính. (Ảnh: CFP)

Giá cô dâu ở các tỉnh phía nam như Giang Tây, Quảng Đông và Phúc Kiến tương đối thấp hơn, đặc biệt là do những khu vực này giàu có hơn. Ví dụ, ở vùng trung tâm của tỉnh Quảng Đông, giá cô dâu chỉ khoảng 10.000-20.000 nhân dân tệ. Giá cả ở Giang Tây có phần cao hơn, nhưng nhìn chung vẫn dao động 20.000-30.000 nhân dân tệ.

Giá cô dâu thấp nhất ở phía tây nam vì không có bất kỳ quy tắc chính thức nào, có nghĩa là số tiền thường được quyết định tùy theo từng trường hợp. Ở vùng nông thôn Tứ Xuyên, nhiều trường hợp nhà gái đòi sính lễ cao, nhưng bị nhà trai từ chối.

“Cùng lắm thì đừng kết hôn với cô ấy” là điệp khúc phổ biến.

Trớ trêu thay, một trong những lý do lớn nhất khiến tiền sính lễ tương đối đắt hơn ở các khu vực như phía bắc Trung Quốc là tập quán chuyển tiền cho cô dâu. Do tiền cuối cùng sẽ thuộc về vợ chồng cô dâu, cha mẹ của cô không thể bị buộc tội bán con gái để lấy tiền và thoải mái mặc cả.

Các chuẩn mực văn hóa địa phương buộc cha mẹ phải chịu trách nhiệm giúp con trai lấy vợ chỉ tạo thêm đòn bẩy cho gia đình cô dâu. Ở miền Nam, nếu cha mẹ cô dâu hét giá quá cao, họ có thể bị buộc tội coi con gái như món hàng.

Một yếu tố khác đẩy giá cô dâu lên cao ở phía bắc Trung Quốc là thị trường hôn nhân tương đối khép kín của khu vực. Nói chung, kỳ vọng kết hôn với người địa phương làm tăng sự cạnh tranh và đẩy tiền sính lễ lên cao.

Nhìn chung, thị trường hôn nhân ở vùng nông thôn phía bắc Trung Quốc chỉ giới hạn ở các khu vực lân cận. Người dân địa phương thường muốn con cái họ tìm đối tượng hẹn hò ở gần, thường là cùng một huyện. Đây là yếu tố quan trọng đằng sau giá cô dâu cao hơn ở đó.

Nói tóm lại, nạn hét giá cô dâu phức tạp hơn so với thoạt nhìn. Nếu truyền thống này bị loại bỏ, hoặc chỉ cần được cải thiện, điều quan trọng là phải nhìn xa hơn các tiêu đề về “giá cao ngất trời” và logic cơ bản.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn