• Zalo

'Heo vàng' thi vào lớp 1 khó hơn thi đại học

Giáo dụcThứ Tư, 24/04/2013 10:38:00 +07:00 Google News

Nhiều phụ huynh ở Hà Nội cho con thi vào lớp 1 ở 3-5 trường, với tỉ lệ chọi lên tới 1/3-1/4.

Nhiều phụ huynh ở Hà Nội cho con thi vào lớp 1 ở 3-5 trường, với tỉ lệ chọi lên tới 1/3-1/4.

Cùng với sự gia tăng trẻ tuổi “heo vàng”, thi tuyển vào lớp 1 ở nhiều trường ngoài công lập của Hà Nội đã nóng hơn bao giờ hết.Nhiều bé đã hoàn tất việc thi tuyển vào một số trường và tiếp tục trường chinh chờ đợi những cuộc thi tiếp theo diễn ra vào tháng 5, tháng 6...
'Heo vàng' thi vào lớp 1 khó như thi đại học
 Hàng dài phụ huynh sốt ruột đợi con kín cổng trường ngay sau ngày thi đầu tiên vào lớp 1 tại Trường tiểu học Nguyễn Siêu, Hà Nội.

6-7 triệu đồng/đợt ôn thi

Sau khi Bộ GD-ĐT quy định “cấm tổ chức thi đọc, viết” đối với trẻ chuẩn bị vào lớp 1, một số trường tiểu học ngoài công lập ở Hà Nội đã tìm kiếm phương thức thi tuyển khác để “né” quy định, như kiểm tra năng lực nhận thức, năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng khiếu tiếng Anh và kiểm tra sức khỏe...

Và cùng với việc bắt trẻ tập đọc, tập viết, từ tháng 3, tháng 4 các bậc cha mẹ đã tìm thầy, tìm lớp để “luyện thi” cho con theo nội dung tương tự đề thi của các trường những năm trước. Giai đoạn “ôn thi nước rút”, nhiều bé vừa phải học ở các lớp “ôn thi” bên ngoài, vừa học riêng ở nhà cô, tối đến lại cùng bố mẹ đánh vật với đống bài “trắc nghiệm trí tuệ”. Theo tiết lộ của một phụ huynh, tiền ôn thi “nhẹ nhàng cũng tốn 6-7 triệu đồng”.

Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm được nhiều phụ huynh gửi gắm là nơi tổ chức “câu lạc bộ tuổi thơ” bài bản, nơi con em mình được “tập dượt” trước kỳ thi. Bà Quỳnh Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết đã cho cô con gái sinh năm 2007 tham gia câu lạc bộ từ tháng 3.

Đều đặn thứ bảy hằng tuần, bé được đưa đến trường, được cô hướng dẫn làm các bài tập kiểm tra logic, luyện tiếng Anh, hướng dẫn kể chuyện theo tranh, đúng như mô hình các bài thi nhiều năm của nhà trường.


Cẩn thận hơn, bà Quỳnh Anh còn cho con theo học riêng một cô giáo “luyện” thêm các bài tập toán logic, chuẩn bị cho cuộc thi cuối tháng 5. “Gia nhập câu lạc bộ của nhà trường, chi phí phải đóng cho cháu là 4 triệu đồng/12 buổi. Nếu kể cả tiền xe đưa đón thì chi phí luyện thi này hơn 6 triệu đồng” - bà Quỳnh Anh chia sẻ.

Với mỗi lớp học tổ chức dưới dạng câu lạc bộ khoảng 30 em, số lớp học này năm nay của trường Đoàn Thị Điểm đã lên đến khoảng 30 lớp với tổng số bé tham gia lên đến gần 1.000.
“Thua keo này, bày luôn keo khác”

Bà Thùy (thường trú ở khu Trung Hòa, Nhân Chính, Hà Nội) nói: “Tôi đã nộp hồ sơ cho con thi ba trường để không đậu được trường này thì có thể đậu trường kia”.

Theo bà kể lại, vì quá hồi hộp nên bài thi vào Trường tiểu học Nguyễn Siêu (vào ngày 19/4) con gái bà đã làm không tốt bài thi trắc nghiệm IQ, mặc dù phần hỏi đáp tiếng Anh làm rất tốt.


“Tôi chỉ nghe cháu kể lại nhưng thấy đề thi khó quá, mặc dù đã luyện cùng cháu mấy tháng nay nhưng với tâm lý căng thẳng thì không phải cháu nào cũng có thể làm được. Đã có cháu vì sợ hãi mà khóc không chịu rời bố mẹ khi vào trường thi” - bà Thùy cho biết.

Sau buổi thi vào Trường Nguyễn Siêu, bà Thùy tiếp tục cho con học tại câu lạc bộ của Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm và nhờ một cô giáo của trường này dạy kèm để chuẩn bị dự thi tiếp vào tháng 5.

 
Chính phụ huynh làm cho áp lực đối với các cháu căng thẳng hơn
Cô Nguyễn Thị Hiền, hiệu trưởng tiểu học Đoàn Thị Điểm
 
Trong khi đó ông Tuyến, bà Hạnh - một cặp vợ chồng khác cũng có con vừa dự thi vào Trường Nguyễn Siêu - lại tỏ ra cay cú vì “bình thường con rất thông minh, bố mẹ đã cho con làm thử cả trăm bài trắc nghiệm nhưng khi thi lại làm hỏng”. Thất vọng vì thất bại này, bà Hạnh cho biết sẽ cho con thi tiếp “vì không muốn cháu bị ám ảnh bởi thất bại” (!).


Cô Lý Thị Sơn, phó hiệu trưởng trường tiểu học Lê Quý Đôn, một trường cũng tổ chức kiểm tra đầu vào lớp 1, kể: “Có những người quyết định cho con thi tới năm trường. Năm trước có cháu vừa thi xong trường này đã phải chạy sang trường khác thi tiếp do bị trùng lịch thi”.

Còn cô Nguyễn Thị Hiền, hiệu trưởng trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, nhận xét: “Chính phụ huynh làm cho áp lực đối với các cháu căng thẳng hơn. Trường Đoàn Thị Điểm nhiều năm tổ chức kiểm tra đầu vào, nhưng không phải 100% trẻ thi đỗ đều nhập học ở trường này. Có cháu đỗ nhiều trường nên nhập học trường khác, cá biệt có những cháu được bố mẹ cho đi thi chỉ vì muốn “kiểm tra trí thông minh của con”.


“Chọi” căng hơn đại học!
Phụ huynh vào tận phòng đón con
Phụ huynh vào tận phòng đón con sau một ngày thi.
Theo cô Nguyễn Thị Hiền, năm học trước trường Đoàn Thị Điểm có tới 1.500 bé dự tuyển lớp 1, trong khi trường chỉ nhận trên 500 học sinh (khoảng 20 lớp).

Năm nay dự đoán số lượng trẻ đăng ký sẽ đông hơn do tăng dân số cơ học, trong khi trường dự kiến chỉ tuyển 18 lớp. “Nếu áp lực quá mới nới thêm hai lớp” - cô Hiền cho biết. Như vậy tỉ lệ “chọi” vào trường này có thể tới 1/3- 1/4.


Tương tự, Trường tiểu học Lê Quý Đôn năm 2012 có 1.000 học sinh dự tuyển với chỉ tiêu 400. Theo cô Lý Thị Sơn, năm nay trường dự kiến tuyển 12-13 lớp (30 học sinh/lớp) trong khi số lượng đăng ký dự đoán đông hơn năm trước. Trường tiểu học Lý Thái Tổ nằm trong khu vực “trắng trường công” của Hà Nội (khu Trung Hòa, Nhân Chính) nên nhiều năm nay áp lực tuyển sinh lớp 1 cũng rất nặng nề.

Cô Mai Quỳnh Nga, cán bộ nhà trường, cho biết: “Chúng tôi chỉ giới hạn tuyển sinh đối với ba đối tượng là học sinh trong khu đô thị Trung Hòa, Nhân Chính, học sinh có hộ khẩu thường trú tại P.Trung Hòa và học sinh được chuyển tiếp từ hai trường mầm non nằm trong hệ thống trường Lý Thái Tổ. Tuy nhiên số lượng đăng ký đã vượt xa chỉ tiêu. Nhà trường cũng giới hạn số hồ sơ phát ra là 500 bộ, nhưng số thật chỉ là 170 cháu (5 lớp). “Dù không muốn từ chối một học sinh nào nhưng chúng tôi buộc phải tuyển chọn” - cô Nga cho biết.

Chính vì áp lực đầu vào quá lớn khiến một số trường tổ chức thi tuyển phải đau đầu để tính toán những đề thi “có tính sàng lọc”.

Thay vì kiểm tra năng lực các cháu 20-30 phút/lượt như các trường khác, Trường tiểu học Nguyễn Siêu tổ chức chương trình kiểm tra toàn diện năng lực trong cả một ngày. Bé 6 tuổi sẽ được ở lại trường cả ngày, thực hiện các bài kiểm tra logic, tiếng Anh xen kẽ với các trò chơi vận động, thực hiện các bài tập nhảy, hát.


“Năm nay trường phát ra 1.000 bộ hồ sơ. Với phần kiểm tra “quét” toàn bộ kỹ năng của trẻ, trường phải tổ chức đến ba ngày, mỗi ngày kiểm tra 300 cháu. Cuộc đua giành một suất vào một trong 11 lớp 1, mỗi lớp chỉ có 24 học sinh như thông báo của nhà trường không dễ dàng” - ông Nguyễn Hùng, một phụ huynh có con thi vào trường này, chia sẻ.
Không nên kiểm tra chỉ số IQ
Việc kiểm tra chỉ số IQ đối với trẻ sắp bước vào lớp 1 là không nên, kể cả trường công và trường tư. Nó thể hiện quan điểm giáo dục lệch lạc, đi ngược lại với quyền được học tập của tất cả các cháu trong nền giáo dục hiện nay. Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT Hà Nội nên xem xét lại toàn bộ vấn đề này, không nên để sai lầm tiếp diễn. Chứ nếu tổ chức thi đầu vào như một số trường tiểu học ở Hà Nội là gây áp lực cho các cháu rất nhiều.
Hãy để các cháu được hưởng tuổi thơ vui tươi, nhẹ nhàng đúng nghĩa của nó. Cứ thử tưởng tượng xem: sự mặc cảm, áp lực tâm lý đối với những trẻ thi rớt sẽ như thế nào khi kỳ thi đầu đời thất bại?

TS Mai Ngọc Luông(nguyên giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục phổ thông, Viện Nghiên cứu giáo dục ĐH Sư phạm TP.HCM)


Theo Tuổi Trẻ

Bình luận
vtcnews.vn