Hệ thống đường sắt Paris Métro, được xây dựng vào những năm 1900 và vận chuyển gần 4 triệu hành khách mỗi ngày, đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu đi lại hiện đại. Cơ sở vật chất cũ kỹ và cơ sở hạ tầng đang ngày càng ọp ẹp dưới áp lực dân số ngày càng tăng của Paris (Pháp).
Đối với nhiều người ở Paris, đặc biệt là những người sống hoặc làm việc xung quanh các vùng ngoại ô kém, việc di chuyển khắp thành phố qua các quận trung tâm là một thách thức, tốn nhiều thời gian và thường xuyên gặp cảnh ách tắc.
Theo đó, Paris đang thực hiện các thay đổi trên quy mô lớn. Hệ thống tàu điện ngầm Paris Métro cổ kính sắp được nâng cấp, với sự hệ thống Grand Paris Express, một hệ thống mới dài 200 km sẽ bổ sung thêm 4 tuyến và 68 ga mới vào mạng lưới.
Theo chính phủ Pháp, việc xây dựng các đường ray mới, bắt đầu vào năm 2016, là dự án cơ sở hạ tầng dân sự lớn nhất ở châu Âu.
Tàu không người lái
Đoàn tàu đầu tiên của tuyến Métro mới có 6 toa dài 108 mét, do Alstom sản xuất. Bộ trưởng Giao thông Pháp Clément Beaune cho biết: “Để thay đổi cuộc sống của mọi người, chúng ta sẽ phải thay đổi cách họ di chuyển với các tuyến tàu mới".
Theo đó, Pháp kỳ vọng hệ thống Grand Paris Express sẽ giúp giảm thiểu thời gian di chuyển từ vùng ngoại ô đến trung tâm bằng phương tiện công cộng và giảm nhu cầu sử dụng ô tô riêng của người dân ở khu vực Greater Paris.
Không giống như các tuyến Métro khác, hệ thống Grand Paris Express sẽ sử dụng tàu không người lái để thiết lập mạng lưới giao thông hoàn toàn tự động, do đó, họ sẽ không cần thuê và đào tạo tài xế mới.
“Chúng tôi đang đi đúng hướng để thành công. Đây sẽ là một ví dụ điển hình cho các thành phố trên khắp nước Pháp", ông Beaune nói thêm.
Paris là một trong những thành phố đầu tiên trên thế giới có hệ thống tàu điện ngầm. Tuyến tàu đầu tiên được mở vào năm 1900 như một phần trong nỗ lực xây dựng của thành phố để đăng cai Thế vận hội Olympic cùng năm đó. Sau đó hệ thống tàu điện ngầm đã mở rộng nhanh chóng và lan rộng trong những thập kỷ sau đó.
Một tương lai xanh hơn
Đối với nhiều người sống ở thành phố, các tuyến đường mới vẫn chưa đủ nhanh.
Lauren Bain, 26 tuổi, một nhà báo làm việc ở Paris nhưng sống ở thành phố Versailles, cách thủ đô khoảng 20 km về phía Tây Nam, cho biết: “Tôi thích sống ở Versailles nhưng đôi khi thời gian di chuyển quá lâu".
Bain cho biết cô đến nhà thờ ở thị trấn Saint Aubin lân cận, cách đó 20 phút lái xe khi đi tàu thì lại tốn tới 2 tiếng hoặc nhiều hơn.
“Điều đó thật khủng khiếp. Tôi lúc nào cũng muộn làm. Mới đầu tuần này, chuyến tàu của tôi đã bị hủy mà không có lý do", cô phàn nàn.
Tuy nhiên, khi tuyến Grand Paris Express 18 mới khai trương, kết nối trực tiếp Versailles với Saint Aubin, cũng như Sân bay Paris Orly, sân bay bận rộn thứ hai của thành phố, các lựa chọn của cô sẽ được cải thiện.
Ông Mohamed Mezghani, tổng thư ký Hiệp hội Vận tải Công cộng Quốc tế, có trụ sở tại Brussels (Bỉ), cho biết các tuyến tàu mới sẽ đưa Paris lên vị trí dẫn đầu trong mạng lưới giao thông công cộng – cùng với Tokyo (Nhật Bản), Moskva (Nga) và Washington D.C. (Mỹ), trong nỗ lực cải thiện tình trạng môi trường.
Ông Mezghani nói: “Grand Paris Express sẽ hỗ trợ quá trình di chuyển từ vùng ngoại ô này sang vùng ngoại ô khác. Người dân ở các thành phố lớn đang nhận ra rằng ô tô không phải là giải pháp, tình trạng tắc nghẽn ngày càng trầm trọng và việc xây thêm đường sẽ chỉ làm tăng thêm lượng xe cộ. Chúng ta sẽ cần nâng cấp phương tiện công cộng, vừa để cải thiện tình hình vừa để đảm bảo một tương lai xanh".
Bình luận