Để hiện thực mục tiêu đưa ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam hùng mạnh hơn, Viettel “tiến công” vào lĩnh vực rất khó, đó là tự nghiên cứu sản xuất, làm chủ các thiết bị quân sự công nghệ cao. Những năm qua, Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) đã tiến hành nhiều dự án sản xuất khí tài quân sự quan trọng và đạt được những thành công như: Hệ thống radar cảnh giới phòng không và cảnh giới biển, hệ thống cảnh giới vùng trời VQ1-M, máy bay không người lái (UAV) và cả những vũ khí phòng không công nghệ cao rất tối tân khác. Trong đó, UAV của VHT với nhiều tính năng nổi trội đã đồng hành cùng người lính bảo vệ vững chắc chủ quyền và lãnh thổ Tổ quốc.
Bắt đầu từ "nhỏ nhưng giỏi võ"
Nói về vai trò của UAV (Unmanned Aerial Vehicle - Máy bay không người lái), Đại úy Nguyễn Khắc Tháp, Giám đốc Trung tâm Khí cụ bay, Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) cho biết: “Trong chiến tranh, các nước dùng UAV tác chiến rất nhiều, đặc biệt sau năm 1986, khi GPS sử dụng phổ biến, thì UAV được phát triển song song cùng với hệ thống tự động nhận dạng mục tiêu”.
Giai đoạn trước, UAV chỉ đóng vai trò trinh sát, thu thập dữ liệu thì ngày nay UAV trực tiếp tham gia hoạt động tác chiến, tức là mang theo vũ khí tấn công, chế áp điện tử.
Nhận thấy vai trò quan trọng của UAV trong hoạt động quân sự, năm 2011, VHT bắt tay vào nghiên cứu sản phẩm đầu tiên của dòng UAV trinh sát là máy bay không người lái hạng nhẹ tầm gần VUA-SC-3G.
Các kỹ sư của VHT chia sẻ, thời điểm đó ít người tin rằng VHT có thể chế tạo thành công VUA-SC-3G bởi đây là sản phẩm hoàn toàn mới ở Việt Nam và không nhiều nước trên thế giới có thể chế tạo được.
Hơn nữa, đội ngũ kỹ sư của VHT khi đó là những người trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm; tài liệu tham khảo về UAV rất ít ỏi, chủ yếu là các tài liệu về dòng UAV thương mại dùng để bay trình diễn. Với sự quyết tâm, nỗ lực không biết mệt mỏi, năm 2015, sản phẩm VUA-SC-3G đã được các kỹ sư của VHT chế tạo thành công và đưa vào thử nghiệm. Đến năm 2018, UAV của Viettel đã được đưa vào trang bị trong quân đội.
Một trong số đó là Máy bay hạng nhẹ tầm gần VUA-SC-3G do VHT sản xuất có khối lượng cất cánh tối đa 26kg, bay liên tục 3 tiếng đồng hồ, với vận tốc lên tới 120km/h, bán kính hoạt động 50km, pin bền và khả năng chống chịu gió lên tới cấp 5. Thiết bị này có nhiệm vụ trinh sát, chỉ thị mục tiêu trên biển, đất liền.
Tiếp nối thành công ban đầu, các kỹ sư của VHT tiếp tục cải tiến thêm tính năng cho dòng sản phẩm UAV trinh sát. Tại Triển lãm Indo Defence 2018, Viettel đã gây chú ý với báo chí quốc tế bằng sản phẩm UAV cỡ nhỏ có tên gọi Shikra, trọng lượng 26kg và sải cánh 3,5m. Shikra với khả năng cất hạ cánh thẳng đứng, phù hợp triển khai trong không gian nhỏ hẹp.
Hướng tới dòng sản phẩm UAV thế hệ 4
Chia sẻ về hướng phát triển UAV trong giai đoạn tới, Đại úy Nguyễn Khắc Tháp cho biết xu thế về mặt công nghệ của các dòng sản phẩm UAV trên thế giới hiện nay chia thành 4 thế hệ công nghệ.
Thế hệ 1 là các loại UAV trong Thế chiến thứ 2 điều khiển từ xa bằng sóng vô tuyến.
Thế hệ 2 từ năm 1986 trở đi là các loại UAV điều khiển tự động theo hệ thống định vị toàn cầu GPS.
Thế hệ 3 từ năm 2010 trở lại đây là những loại UAV có thể hoạt động mà không có GPS và bị tác chiến điện tử mạnh, cùng với đó là nhỏ hóa các vật tư linh kiện, thiết bị, đa nhiệm hơn.
Thế hệ 4 là thế hệ UAV bầy đàn được trang bị các công nghệ trí tuệ nhân tạo, mới xuất hiện từ 2015 trở lại đây, số ít các nước đang phát triển nghiên cứu dòng sản phẩm này.
Trên thế hệ thứ 4 là loại UAV tự vận hành, tự trị hoàn toàn như dòng X-47B của Mỹ. Hiện tại phần lớn UAV trên thế giới về mặt công nghệ đang ở thế hệ 2 hoặc 3.
Về mặt sản phẩm có liên quan đến đặc điểm sử dụng thì hiện có 4 xu thế phát triển. Xu thế đầu tiên là chuyển từ các loại UAV trinh sát sang loại UAV cảm tử, mang vũ khí tấn công bằng tên lửa. Xu thế thứ 2 là UAV hạ cánh thẳng đứng, trước đây UAV phải dùng đường băng, các hệ thống phóng để cất, hạ cánh thì bây giờ cất, hạ cánh thẳng đứng. Xu thế thứ 3 là đa nhiệm, các loại UAV cỡ nhỏ vừa mang vũ khí vừa mang các loại khí tài trinh sát và các khí tài chế áp điện tử.
Đây là các đặc điểm thuộc loại UAV cỡ lớn, bây giờ được trang bị cho UAV cỡ nhỏ, đa nhiệm hơn. Xu thế cuối cùng là các loại UAV cỡ nhỏ thì càng nhỏ hơn, đa nhiệm, dễ sử dụng hơn; UAV cỡ lớn thì mang được nhiều khí tài, vũ khí, trang thiết bị hơn, hoạt động cả ngày lẫn đêm. Hiện tại, VHT đang phát triển các loại UAV cảm tử, cất hạ cánh thẳng đứng, đa nhiệm. Giai đoạn tiếp theo, VHT sẽ nghiên cứu các dòng UAV cỡ lớn mang vũ khí. Mục tiêu đến năm 2025, VHT sẽ phát triển các dòng UAV tiệm cận với thế hệ thứ 4 sở hữu những công nghệ hiện đại nhất trên thế giới.
Bình luận