(VTC News) - Vào mùa mưa nước trộn lẫn phân từ đỉnh núi chảy tràn xuống ruộng lúa, ruộng hoa màu, ao cá, giếng khoan của khu dân cư gây ô nhiễm trầm trọng.
Thời gian qua, hàng trăm hộ dân thuộc hai thôn Chính Nghĩa (xã An Phú) và Thượng Phú (xã Bình Kiến), TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên vác đơn gõ cửa khắp các cơ quan chức năng để phản ánh tình trạng sống chung với phân người từ hơn một năm nay.
Ngày 23/2, PV đã có mặt tại 2 thôn trên để tìm hiểu thực hư vụ việc. Vừa đến đầu thôn, một mùi thối theo cơn gió thoảng xộc ngay vào mũi khiến chúng tôi ai nấy đều choáng váng.
Đợi cơn gió qua đi, ông Lê Thanh Hòa, người dẫn đường ngán ngẩm cho biết: “Các anh thấy đó, cứ hễ có gió là người dân hai thôn Chính Nghĩa và Thượng Phú đều sợ hãi mùi hôi tanh nồng nặc ấy. Mỗi khi ăn cơm, người dân phải đóng chặt cửa, giăng mùng che chắn tứ phía thì mới nuốt nổi”.
Được biết, hàng trăm hộ dân hai thôn Chính Nghĩa và Thượng Phú nằm dưới chân núi Hầm Bèo. Trước đây trên núi Hầm Bèo có nhiều bãi cỏ xanh, suối, hồ nước trong veo nên người dân tận dụng làm nơi trồng trọt, chăn thả gia súc. Một số hộ còn dẫn nước từ các con suối trên núi về dùng trong sinh hoạt.
Tuy nhiên khoảng một năm trở lại đây mỗi ngày có hơn chục lượt xe hút bồn cầu của các công ty tư nhân ở TP Tuy Hòa lên xuống núi để xả chất thải bẩn và đã biến nơi đây trở thành một núi phân khổng lồ, không còn chỗ để người dân thả bò, trồng trọt.
Một hồ nước chứa đầy phân
Ông Lê Văn Hữu, một người dân cho biết: “Hiện giờ người dân chẳng dám lên núi như trước bởi ngoài mùi hôi còn phải đối mặt với nhiều hiểm nguy. Trước đây không ít lần người dân và bò bị sụp hố phân suýt chết, phải huy động nhiều người mới cứu được”.
Không chỉ kinh tế bị ảnh hưởng, vào mùa mưa, nước trộn lẫn phân từ đỉnh núi chảy tràn xuống ruộng lúa, ruộng hoa màu, ao cá, giếng khoan của khu dân cư gây ô nhiễm trầm trọng. Điều này làm cho cuộc sống của người dân hai thôn bị đảo lộn.
Về lâu dài, điều người dân lo nhất là nguy cơ nguồn nước ngầm dưới lòng đất bị ảnh hưởng. Người dân ở đây cho biết, họ đã nhiều làm đơn khiếu nại, báo cáo lên chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Do quá bức xúc, không ít lần họ đứng ra ngăn cản không cho xe hút hầm vệ sinh đến xả thải, nhưng cản chỗ này xe lại chạy đến chỗ khác “vô tư” xả.
Khu vực núi Hầm Bèo - núi phân
Theo ông Hồ Đức Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa, vào tháng 4/2011, UBND tỉnh Phú Yên đã đồng ý xây dựng Khu xử lý chất thải vệ sinh rộng 2ha tại khu đất trống phía Tây Bắc đường lên bãi rác (thuộc địa bàn xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa).
"Hiện chúng tôi đang đôn đốc các ngành liên quan sớm hoàn tất các thủ tục để triển khai xây dựng công trình trên và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2012", ông cho biết.
Trao đổi với PV, Thượng tá Lê Chí Lượng, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an Phú Yên cho biết, đơn vị đang phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra thực tế, nếu phát hiện đối tượng nào vi phạm sẽ xử lý nghiêm vì việc này không chỉ trái pháp luật mà còn gây hậu quả nặng nề cho người dân.
Hoàng Vân
Bình luận