Mỗi chiếc võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An, Quảng Nam) giá rẻ nhất cũng tới 2 triệu đồng.
Chiếc võng ngô đồng Cù Lao Chàm được nhiều người ví là sản phẩm thủ công độc đáo nhất thế giới có lẽ vì sự công phu, tỉ mỉ mà người đan đặt vào đó. Người đan nhanh, đan giỏi cũng chỉ làm được chừng 5 - 6 chiếc mỗi năm. Chiếc nào làm ra cũng có ngay người mua, thậm chí phải đặt cọc trước mới mua được võng.
Thế nhưng, người làm được võng ngô đồng trên đảo Cù Lao Chàm hiện chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay, và nghề đan võng ngô đồng tại đây đang dần mai một, có nguy cơ thất truyền vì không còn mấy người đủ tỉ mỉ, kiên nhẫn theo nghề.
Tháng 4 đến tháng 7 hàng năm là mùa hoa ngô đồng ở đảo Cù Lao Chàm nở rộ. Đây cũng là mùa người dân tìm chọn vỏ cây ngô đồng làm nguyên liệu đan võng. Những cây ngô đồng có vỏ dùng để đan võng được phải là cây suôn thẳng, to vừa cổ tay mới có thể cho sợi mềm, dai và chịu lực tốt.
Khi đã chọn được cây, người dân chỉ chặt ngang gốc để cây còn nứt chồi lên tiếp. Sau đó họ đập tước phần vỏ, chèn đá ngâm ở các khe nước, không được để vỏ cây nổi lên sẽ bị thâm. Chừng hơn một tháng sau, cây ngô đồng được vớt lên, tách chọn lớp vỏ bên trong có màu trắng đục gọi là manh đồng. Manh đồng tiếp tục được tước từng sợi nhỏ, phơi khô cho đến khi có màu trắng thì người dân mới bắt tay vào đan võng. Đan một chiếc võng ngô đồng ít nhất cũng phải mất 2 tháng và hoàn toàn thủ công. Sự tỉ mỉ, cần mẫn mà người đan đặt vào từng sợi manh đồng, từng múi đan, từng đường se… khiến mỗi chiếc võng như một tác phẩm nghệ thuật và là món quà yêu thương khác biệt.
Từ hơn 300 năm trước, người dân Cù Lao Chàm đã biết đan võng ngô đồng. Theo dân gian truyền lại, võng có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh phong, đổ mồ hôi trộm, nằm võng ngô đồng thấy cơ thể khỏe khoắn, ngủ ngon giấc. Tuy nhiên, do yêu cầu khắt khe về kỹ thuật và đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ, nên người biết đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm hiện chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Sản phẩm của từng người làm ra đều có những điểm độc đáo riêng. Bà Lê Thị Kề - 82 tuổi, bà Nguyễn Thị Quỳ - 75 tuổi ở Bãi Làng là những người hiếm hoi còn theo nghề đan võng ngô đồng như thế.
Năm 25 tuổi, bà Nguyễn Thị Quỳ bắt đầu học đan võng từ mẹ chồng. Đến gần 30 tuổi, bà mới có thể đan thành thạo một chiếc võng ngô đồng với những mắt võng kỳ công. Đến nay, bà đã có hơn 50 năm làm nghề, mỗi năm đan được tầm 5 - 6 chiếc. Chiếc võng nào đan xong cũng có người hỏi mua ngay với giá 2 - 3 triệu đồng. Thậm chí, có người phải đặt trước để có võng.
Theo bà Nguyễn Thị Quỳ, trong các công đoạn đan võng, việc đan đầu võng là khó nhất. Đầu võng thứ nhất phải tự làm để thắt được một múi từ sợi dây ngô đồng, đan chiều dài tầm hơn mười múi lẻ để có cái tì dư ra cột làm đầu võng. Đầu võng thứ hai để dư múi rồi thắt con tít. Cách làm thủ công ấy, chỉ là tự nhìn, tự học và tùy vào sự khéo léo của từng người, chứ không thể nào cầm tay chỉ từng đường se, mũi đan được. Xong được công đoạn khó nhất là đan hai đầu võng rồi mới tiếp tục đan múi, đan bìa. Rồi còn phải học cách se dây sao cho đều, không bị dây nhỏ, dây to, khi đan sẽ bị leo dây.
Chị Phương Linh, một du khách đến từ Hà Nội, khi ra đảo cách đây 5 năm đã mua chiếc võng ngô đồng của bà Quỳ. Giờ quay lại Cù Lao Chàm, chị cho biết chiếc võng ấy vẫn bền chặt, sợi võng không bị mủn, mốc, càng nằm càng thấy êm. Chị Linh vẫn nhớ như in cái lưng còng của bà Quỳ khi ngồi bên hiên nhà. Tóc bà bạc phơ, đôi tay dường như đã run run, nhưng khi se, bện, tết những sợi dây ngô đồng thành những mắt võng lại thoăn thoắt.
“Tôi vẫn nhớ bàn tay chai sần, ngón trỏ có vệt hằn sâu của bà. Bà nói những vết phồng từ hồi mới học nghề đan, nay chai lại, sần cứng, thành những cục chai lớn nhỏ như vậy. Tôi cũng nhớ lời chia sẻ của bà, rằng xơ vỏ ngô đồng phơi khô rất chắc, dai, khi đan nếu không cẩn thận tay sẽ bị tứa máu, và dễ bị lỗi khi đan” - chị Linh nói.
Những người cao tuổi hiếm hoi còn biết nghề đan võng ngô đồng trên đảo Cù Lao Chàm như bà Kề, bà Quỳ đều có thâm niên ít nhất cũng hơn 50 năm. Võng ngô đồng Cù Lao Chàm có 2 loại: 4 sợi và 6 sợi (khoảng cách giữa 2 múi là 4 - 6 dây). Người đan phải vừa se, vừa miết để những sợi manh đồng thắt chặt vào nhau nhịp nhàng, không cộm, không mối nối gồ ghề, lại vừa phải nhẩm tính, canh khoảng cách để nan võng đều đặn. Có vậy chiếc võng làm ra mới không bị chùng và đạt độ mềm. Một chiếc võng đẹp phải có sợi võng đều, chắc, chặt.
Xưa, Cù Lao Chàm một đêm có điện, một đêm cúp điện. Vừa đan võng dưới ánh đèn dầu tù mù, vừa trò chuyện, người đan vẫn không lệch, không sai một sợi nào. Nên giờ, nếu nhắm mắt lại, họ cũng vẫn có thể đan, se, nối sợi chi li để có được những hoa võng, mắt võng đều tăm tắp.
Bây giờ, người trẻ trên đảo thường đi làm những công việc liên quan đến du lịch, hoặc lên rừng hái rau, xuống biển săn hải sản để nhanh có thu nhập. Chỉ còn dăm người già như bà Quỳ, bà Kề có đủ kiên nhẫn ngồi se, bện, tết từng sợi manh, tạo nên những chiếc võng ngô đồng độc đáo, dân dã của vùng đảo này.
Một mai, những người hiếm hoi giữ nghề như bà Quỳ, bà Kề khuất bóng, liệu có còn ai làm được chiếc võng ngô đồng kỳ công đến thế?
Ngày 26/12/2015, bộ sản phẩm mới từ cây ngô đồng đỏ ra mắt tại TP Hội An nhằm góp phần quảng bá thêm cho du lịch Cù Lao Chàm. Bộ 15 sản phẩm được chia làm 3 nhóm. Nhóm ẩm thực có các loại bánh cookie ngô đồng, đậu xanh ngô đồng, hạt ngô đồng rang và dầu ăn ngô đồng. Nhóm hàng thủ công - lưu niệm có võng, túi xách, giỏ treo hai tầng, xích đu, các vật trang trí, tranh ngô đồng. Nhóm mỹ phẩm có kem dưỡng da và kem dưỡng môi. Cùng với bộ sản phẩm mới này, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn cũng xây dựng những tour du lịch mới nhằm đưa du khách khám phá, thưởng lãm vẻ đẹp lãng mạn của Cù Lao Chàm vào tháng 6, tháng 7 hàng năm, khi hoa ngô đồng nở đỏ rực các triền núi.
Bình luận