• Zalo

Hang động chứa kho xương cổ khổng lồ

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 09/11/2012 06:24:00 +07:00Google News

(VTC News) - Điều lạ là càng đào bới, moi sâu vào trong các ngóc ngách của hang, càng gặp nhiều xương. Xương chất đống, xương xếp thành bộ, cứ trắng muốt.

(VTC News) - Điều lạ là càng đào bới, moi sâu vào trong các ngóc ngách của hang, càng gặp nhiều xương. Xương chất đống, xương xếp thành bộ, cứ trắng muốt.

Khai mở hang Thánh Hóa sau chùa Thánh Quang (còn gọi là chùa Nhẫm Dương, Kinh Môn, Hải Dương), sư thầy Thích Diệu Mơ thu được vô số tượng cổ, đồ cổ, gồm đủ các niên đại, từ thời đồ đá, đến tận thời Pháp. Cổ vật thu được gồm nhiều chủng loại, bằng đá, đồng, sắt, gốm, sứ. Riêng tiền cổ phải tính bằng chậu, thúng.

Những món đồ cổ đó có giá trị rất lớn. Tuy nhiên, thứ không thể định giá được, là những hóa thạch xương cốt mà sư thầy cùng các Phật tử khai quật, đào bới được từ hang động này. Những thứ đó là vô giá với nền khảo cổ nước nhà.

Thầy Mơ và PGS. Nguyễn Lân Cường ngày mới khai mở hang Thánh Hóa. Ảnh: Nguyễn Lân Cường 
Sư thầy Thích Diệu Mơ kể: “Đợt đó, bác Cương, người trông nom chùa, cùng các Phật tử mở rộng hang Thánh Hóa. Tôi lên tỉnh về, thấy bác Cương bê ra cả đống xương. Tôi cứ lăn tăn tự hỏi sao ở trong động lại có lắm xương, răng thế nhỉ?

Nhưng rồi tôi nghĩ, chắc thời Pháp chiến tranh, bộ đội thương binh của ta chết ở đây. Nghĩa tử là nghĩa tận, nên tôi dặn bác Cương gom nhặt cẩn thận từng tí một. Tôi ra xã báo cáo để chuyển hài cốt về nghĩa trang.

Thế nhưng, đến chiều, bác Cương lại gọi bảo: “Thầy ơi, xương nhiều lắm. Toàn thấy xương nằm trong đá, gõ vào cứ nhừ vụn ra”. Tôi thấy lạ lắm, nhưng cứ bảo mọi người kiên trì gom nhặt. Bác Cương moi lên từng cục như kiểu cục vôi, đập ra cũng toàn thấy xương và răng. Có cả xương người, xương động vật, xương rất lớn, như thể xương khủng long, nên tôi lại nghĩ không phải của liệt sĩ.
Trong lòng hang Thánh Hóa 
Điều lạ là càng đào bới, moi sâu vào trong các ngóc ngách của hang, càng gặp nhiều xương. Xương chất đống, xương xếp thành bộ, cứ trắng muốt.

Sau mấy ngày đào bới, moi móc trong hang, mọi người bê ra hàng chục thúng xương, chất đầy cửa hang. Tôi chợt nhớ đến nhà khảo cổ Tăng Bá Hoành, giám đốc Bảo tàng Hải Dương khi đó. Tôi tìm lên thành phố mời bác Hoành về.

Mấy hôm sau, bác Hoành về xem xét. Rồi hôm sau bác dẫn cả bác Nguyễn Lân Cường về. Hai bác hỏi xương đâu, răng đâu. Tôi bê ra mấy thúng xương, mấy bọc nilon toàn răng. Hai bác đổ mấy bọc nilon răng ra. Tôi thấy cả hai bác không nói gì, trán rịn mồ hôi.
 
Răng Pôn-gô tìm thấy trong hang Thánh Hóa 
Hai bác tỏ ra nghiêm trọng lắm. Rồi bác Cường bảo: “Thầy đã tìm được một thứ gây chấn động với nền khảo cổ nước nhà đấy. Răng này không phải răng bộ đội, răng người đâu, mà là răng của tổ tiên loài người. Răng của vượn Pôn-gô đấy”.

Rồi bác Cường nhặt ra những mảnh xương. Bác ấy chắp lại với nhau, thì tôi mới biết đấy là xương người, có cả sọ. Bác ấy bảo của một người đàn bà khoảng 25 tuổi, sống cách ngày nay mấy ngàn năm.

Bác Cường và bác Hoành tỉ mẩn nhặt, phân loại từng mẩu xương trong mấy cái thúng liền. Nhìn xương bác biết xương voi, hổ, tê giác, gấu, báo, vượn, linh dương, xương người… Nhìn các bác phân loại xương tôi cũng học được ít nhiều, nên sau này tự phân loại được”.
Xương voi 
Sau này, gặp ông Tăng Bá Hoành, ông bảo, hệ thống hang động ở chùa Nhẫm Dương, đặc biệt là hang Thánh Hóa, có giá trị khảo cổ vô cùng quan trọng. Từ những hóa thạch trong hang, có thể khẳng định, loài người đã định cư liên tục ở vùng Kinh Môn từ cách đây 5 vạn năm, trải qua các thời kỳ đồ đá cũ, đá giữa (văn hóa Hòa Bình), đá mới, văn hóa Hạ Long, văn hóa Đông Sơn, Bắc thuộc, thời Trần, Lê, cho đến kháng chiến chống Pháp.

Chính vì có sự định cư liên tục của loài người từ 50 ngàn năm trước, nên di chỉ khảo cổ này có mật độ di vật dày đặc. Nói không ngoa thì bới đất đá trong hang là thấy hóa thạch. Di chỉ khảo cổ này không chỉ cực kỳ quý hiếm với khu vực đồng bằng Bắc Bộ, mà còn cực kỳ quý hiếm với cả nền khảo cổ thế giới.

Xác định sự quan trọng của hang động này, nên ông Hoành đã đề nghị sư Mơ lấp hang động lại, không khai quật, đào bới nữa. Ông Hoành muốn dành di sản quý này cho thế hệ sau khai quật, nghiên cứu tiếp.
 
Xương loài vật gì đây? 
Với PGS.TS Nguyễn Lân Cường, thì những chiếc răng, xương vượn người Pôn-gô đào bới được ở hang Thánh Hóa, còn giá trị hơn cả vàng bạc, kim cương. Trong nhiều cuộc hội thảo khoa học khảo cổ ở nước ngoài, ông đều mang theo những chiếc răng này để khoe với các nhà khảo cổ thế giới. Ông cũng đã chuyển răng đến nhiều cơ quan khảo cổ trên khắp thế giới, và các nhà khảo cổ nước ngoài đều có đánh giá giống như ông.

Ông Tăng Bá Hoành thì cho rằng, hang Thánh Hóa chính là một bãi rác của người cổ, nhưng lại là hộp đen chứa đựng toàn bộ thông tin về đời sống người xưa. Cách đây mấy vạn năm, người Việt cổ đã có khả năng săn bắn rất tài tình. Các cụ đã săn được cả voi, tê giác, hổ, báo, gấu đem về hang ăn thịt. Điều đó có nghĩa, người cổ đã có kỹ thuật săn bắn vô cùng điêu luyện.
Hàm voi 
Nhưng, thứ tìm được khiến ông Hoành tự hào nhất, đó là vô số răng Pôn-gô. Với những chiếc răng đó, ông Hoành tự tin khẳng định, Việt Nam cũng là một trong số những cái nôi của loài người. Từ cách đây cả triệu năm, tổ tiên loài người, tức loài vượn, đã sinh sống ở vùng đất này.

Để khẳng định những điều mình kể, sư thầy Thích Diệu Mơ mở chính điện chùa Thánh Quang, mở những cảnh tủ, lôi ra cho tôi xem vô số xương cốt hóa thạch. Hàng ngàn mẩu xương được thầy đựng trong thúng, thùng, đấu, trong các bao tải. Những mẩu xương hóa thạch bé bằng cái đũa, ngón tay, cho đến bằng cái phích của voi, tê giác. Những bộ hàm voi to tướng, nặng trịch. Một cái hàm của loài voi xưa cũng nặng đến 7kg.

Rồi sư thầy dẫn tôi ra cửa động Thánh Hóa. Chúng tôi đang đứng ở cửa động, dẫm lên đống đá dăm, đá non. Thầy bảo: “Ngay dưới chân nhà báo cũng có đầy xương, răng”. Rồi thầy cúi xuống moi móc, lượm lặt từ đống đá thải. Tôi thấy xương lẫn trong đá nát vụn. Nhặt nhạnh một lúc thì được vài chiếc răng, không rõ răng người hay răng động vật.
 
Những mẩu xương chìm trong vách hang Thánh Hóa
Theo thầy Mơ, xương, răng còn lẫn trong đống “tạp chất” quá nhiều, nhặt không xuể. Vì thế, cứ mỗi khi trời mưa, nước xối, xương răng lộ ra, thầy lại cùng các Phật tử gom nhặt đem về chùa.

Mặc dù các ngóc ngách hang Thánh Hóa đã được lấp lại theo yêu cầu của ông Tăng Bá Hoành, nhưng quan sát khắp trần hang, thành hang, những cục hợp chất bám lẫn vào vách hang, thấy xương cốt khắp nơi. Xương ống chân người, xương đốt sống lòi ra khỏi đá, găm đầy vách hang.

Nhiều mẩu xương ở vị trí dễ quan sát nhưng nhìn mãi mới ra. Thầy Mơ bảo, nhiều người vào hang tham quan, thấy xương dính trên vách đá đã hét lên sợ hãi. Không muốn để những người tham quan sợ hãi, nên thầy mài đi. Biết rằng, làm thế là không đúng, nhưng trước mắt buộc phải làm vậy, để tránh khách tham quan hoảng sợ.

Theo sư thầy Thích Đàm Mơ, bà đã tặng vô số răng, xương hóa thạch cho các nhà khoa học, cho các bảo tàng. Tuy nhiên, số lượng xương hóa thạch còn lại vẫn vô cùng lớn. Nếu đem ra trưng bày, với 15 thúng, bao tải xương, răng, có lẽ phải dựng một bảo tàng nho nhỏ mới bày hết được.
 Loài đười ươi tìm được trong động Thánh Hóa có tên khoa học là Pongo pygmaeus, thuộc họ đười ươi (Pongidea), nằm trong bộ linh trưởng (Primates), là loài khỉ có hình dáng giống người hơn vượn, da đen, lông thưa, có màu đỏ nâu. Thân cao 1m15 - 1m35, nặng từ 70 - 100kg. Con cái nhỏ hơn con đực. Chúng thường sống ở rừng nhiệt đới, gần đầm lầy. Ưa ở đất, đi 4 chân, làm tổ có mái lá ở cành cây cao 9 - 20m để qua đêm. Con sơ sinh nặng từ 1,5 - 2kg, có lông thưa. Con cái chửa đúng 9 tháng thì sinh chỉ một con duy nhất. Tới 5 tuổi, đười ươi tách mẹ ra để sát nhập với đàn thành niên. Hiện nay, đười ươi chỉ còn khoảng 4.000 con sống trên đảo Borneo và Sumatra (Indonesia).

Phong Nguyệt

Bình luận
vtcnews.vn