• Zalo

Hai doanh nghiệp triển khai ETC cố thoát lỗ

Tài chínhThứ Ba, 02/08/2022 13:55:09 +07:00Google News

Dù ghi nhận kết quả tích cực về số lượng người sử dụng, 2 doanh nghiệp triển khai ETC tại Việt Nam đang phải vật lộn với bài toán tài chính sau nhiều năm thua lỗ.

Từ ngày 1/8, toàn bộ cao tốc trên cả nước triển khai 100% làn thu phí tự động không dừng (ETC). Hiện 2 đơn vị duy nhất cung ứng loại hình dịch vụ này là Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (VETC - eTag) và Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC - ePass).

Tính đến ngày 31/7, 3,2 triệu thẻ ETC đã được dán trên tổng số 4,3 triệu ôtô, tương đương 74%. Trong năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) đặt mục tiêu 80-90% phương tiện có thẻ ETC.

Bên cạnh các tuyến cao tốc, hình thức ETC sẽ được triển khai song song MTC (thu phí thủ công) trên các tuyến quốc lộ. Chính phủ chủ trương duy trì một làn thu phí hỗn hợp duy trên mỗi chiều xe chạy. Đến nay, cả nước đã có khoảng 676 làn đường lắp ETC.

Hai doanh nghiệp triển khai ETC cố thoát lỗ - 1

Hơn 70% số lượng phương tiện 4 bánh trên cả nước đã dán thẻ ETC. Ảnh: Quỳnh Danh.

Từng xin rút lui

Tính đến cuối tháng 7, đại diện VETC tuyên bố đã dán khoảng 1,9 triệu thẻ eTag. Doanh nghiệp này đang vận hành khoảng 79 trạm thu phí, trong đó 22 trạm do doanh nghiệp này thực hiện đầu tư và lắp đặt.

Năm 2016, VETC ký hợp đồng BOO giai đoạn 1 (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh) với Bộ GTVT và chính thức triển khai dịch vụ ETC khắp toàn quốc, trở thành doanh nghiệp đầu tiên đưa thu phí tự động không dừng vào hoạt động tại Việt Nam. VETC gồm 2 công ty là Công ty CP VETC (mảng đầu tư) và Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (mảng vận hành, cung cấp dịch vụ).

Dự án ETC giai đoạn 1 có tổng số 44 trạm, bao gồm 26 trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác.

Doanh nghiệp này là đơn vị thành viên của Tasco - hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và hạ tầng giao thông, đồng thời là chủ đầu tư của hàng loạt dự án BOT - với hơn 99% vốn góp. Bên cạnh đầu tư bất động sản, BOT và y tế, thu phí không dừng cũng là một trong 4 trụ cột kinh doanh chính của công ty mẹ.

Hai doanh nghiệp triển khai ETC cố thoát lỗ - 2

VETC lỗ lũy kế khoảng 300 tỷ đồng trong 5 năm đầu. Ảnh: Quỳnh Danh.

Năm 2021, tổng tài sản của Tasco vượt 10.800 tỷ đồng, doanh thu đạt 870,4 tỷ đồng nhưng chỉ lãi sau thuế khoảng 44,2 tỷ đồng. Trong cơ cấu doanh thu, mảng BOT vẫn là trọng tâm chính khi chiếm gần 60%, phần còn lại chia lần lượt cho BOO (17,5%), bất động sản (6,3%) và y tế (11,2%).

Dù lợi nhuận gia tăng theo từng năm, VETC vẫn báo lỗ. Trong 5 năm đầu triển khai, đã có thời điểm doanh nghiệp xin rút khỏi Hợp đồng dự án BOO1 và kiến nghị Bộ GTVT chuyển giao cho nhà đầu tư khác.

VETC cho biết lỗ lũy kế sau 5 năm vận hành là 300 tỷ đồng. Ngoài tình trạng tỷ lệ thu phí không dừng thấp, doanh nghiệp này lý giải việc các trạm thu phí không mặn mà hợp tác cũng là yếu tố khiến tốc độ triển khai dự án và doanh thu không đạt kỳ vọng. Mặt khác, các cổ đông của VETC vẫn phải duy trì thêm vốn để bù lỗ vận hành dù không nhận được bất kỳ cổ tức nào.

Cố thoát lỗ

Đến năm 2021, doanh thu thu phí của VETC đạt 168 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái và dự kiến sẽ còn tăng cao trong năm nay sau khi Chính phủ yêu cầu triển khai làn ETC bắt buộc tại các trạm thu phí.

Tasco đặt mục tiêu VETC đạt 233 tỷ đồng doanh thu trong năm nay, tăng 50% so với năm 2021. Đồng thời, công ty mẹ dự định đầu tư thêm một công ty bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam nhờ tệp dữ liệu khách hàng lớn từ VETC.

Trong báo cáo tài chính quý II, Tasco thu về 220 tỷ đồng, lãi sau thuế 13,9 tỷ đồng. Dù giảm mạnh so với các quý trước đó, đây vẫn là quý thứ 3 liên tiếp “ông trùm BOT” có lãi.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp, kết quả này chủ yếu nhờ kiểm soát tốt giá vốn, lãi gộp từ hoạt động thu phí đường bộ BOT và ETC gia tăng.

Hai doanh nghiệp triển khai ETC cố thoát lỗ - 3

VETC và VDTC vẫn cố gắng thu hẹp số lỗ. Ảnh: Quỳnh Danh.

Giữa năm 2020, thời điểm VETC bế tắc, liên danh Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel cùng các nhà đầu tư trúng thầu và được Bộ GTVT giao làm nhà đầu tư dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 2 với 33 trạm thu phí.

Ngày 29/12/2020, Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC), đơn vị thành viên của Viettel, chính thức đưa vào vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng giai đoạn 2. Tổng số trạm thu phí ETC trên cả nước, bao gồm của VETC, được nâng lên 91 trạm.

VDTC đã liên thông hệ thống ETC với VETC để đảm bảo xe dán thẻ ePass và eTag đều có thể sử dụng dịch vụ ETC tại tất cả trạm thu phí do 2 doanh nghiệp này triển khai.

Doanh thu của VDTC được trích tỷ lệ từ doanh thu thu phí không dừng của chủ đầu tư dự án đường bộ. Tương tự VETC, công ty con của Viettel cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo lợi nhuận.

VDTC cho biết doanh thu tại nhiều trạm thấp hơn dự kiến, giá dịch vụ trong vòng đời dự án giảm 2.596 tỷ đồng. Mặt khác, chi phí vận hành phát sinh thêm 1.350 tỷ đồng.

Riêng năm 2021, giá dịch vụ ghi nhận 85,2/320,95 tỷ đồng, tức chỉ đạt hơn 26%. Lợi nhuận trước thuế năm 2021 của VDTC lỗ 152 tỷ đồng, trong đó hợp đồng BOO lỗ 25 tỷ đồng.

Trong quá trình vận hành năm 2021, Viettel nhấn mạnh không trạm thu phí nào đạt giá dịch vụ theo hợp đồng BOO. Nhiều trạm thậm chí có tỷ lệ giá dịch vụ thấp như cầu Văn Lang, hầm Đèo Cả, Thái Nguyên - Chợ Mới, T1 - quốc lộ 91, dao động 10-14%.

Sau thời gian triển khai, tháng 4, Viettel kiến nghị Bộ GTVT cho phép mở rộng loại hình kinh doanh của VDTC nhằm bù đắp doanh thu và chi phí thiếu hụt của dự án BOO2.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn