Theo khảo sát của PV VTC News tại các chợ truyền thống, chợ cóc tại Hà Nội, các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống đã tăng mạnh trong những ngày cận Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Trong đó, các mặt hàng tăng mạnh nhất là hoa quả và rau xanh. Cụ thể, tại khu vực các chợ truyền thống tại quận Hoàn Kiếm như chợ Hôm, Đồng Xuân, chợ Hàng Lược... mặt hàng rau củ quả đã đạt "đỉnh" như: chuối xanh tăng lên 150.000 - 160.000 đồng/nải (tăng gấp 7 lần); các loại cam, quýt có giá dao động từ 100.000 - 150.000 đồng/kg, trong đó cam canh có giá lên tới 120.000 đồng/kg (tăng gấp 3 lần); các loại táo (táo nội) có giá từ 100.000 - 150.000 đồng (tăng gấp đôi).
Các loại rau xanh cũng tăng mạnh. Cụ thể, rau mùi có giá 5.000 - 7.000 đồng/mớ (tăng gấp rưỡi), ngọn su su 40.000 - 50.000 đồng/mớ, cải thảo 40.000/kg, rau cải xanh 50.000 đồng/kg. Các loại rau thơm, hành lá đều tăng gấp 3 lần so với tuần trước.
Đối với các mặt hàng hoa tươi, hoa ly dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/cành, hoa cúc vàng có giá từ 50.000 - 70.000 đồng/chục; các loại hồng có giá từ 100.000 - 200.000 đồng/chục. Đặc biệt, một số loại hồng nhập ngoại có giá từ 50.000 - 70.000 đồng/bông.
Trong khi đó, giá cả các loại thịt như thịt lợn, thịt gà tăng nhẹ hơn. Cụ thể, thịt dọi ba chỉ ngon đã ở mức 120.000 - 140.000 đồng/kg (tăng khoảng 50.000 đồng/kg); sườn heo ở mức 100.000 - 130.000 đồng/kg và dự báo có thể lên mức 110.000 đồng/kg… Thịt bò giá 240.000 - 260.000 đồng/kg. Gà lông được bán với giá 150.000 đồng/kg (tăng 50.000 đồng so với tuần trước).
Tại một số chợ truyền thống khác tại khu vực quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hà Đông... giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm "mềm" hơn tại khu vực quận Hoàn Kiếm. Đơn cử, giá chuối xanh dao động từ 70.000 - 100.000 đồng/nải, cam canh từ 70.000 - 100.000 đồng/kg, bưởi Diễn có giá từ 50.000 - 70.000 đồng/kg...
Khác với nhiều năm trước, dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm nay, nhiều người dân Hà Nội lựa chọn mua sắm rau xanh, hoa quả tại các siêu thị, chuỗi hệ thống cửa hàng tiện dụng thay vì mua tại chợ truyền thống như trước.
Chị Nguyệt Ánh (Hà Nội) giải thích, khi mua tại rau, củ, hoa quả, thịt... tại các siêu thị sẽ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hơn, giá cả có đắt hơn một chút nhưng ổn định và không tăng đột biến.
Theo Tổng cục Thống kê, trong dịp Tết cổ truyền, nhu cầu tiêu thụ gạo sẽ tăng từ 5 - 7%, thịt lợn 18 - 20%, thịt bò tăng 15%, thịt gà tăng 20%, rau củ quả tăng 10 - 15%...
Theo Sở Công Thương Hà Nội, trong dịp Tết, Hà Nội có 125 địa điểm đăng ký mở cửa bán hàng từ ngày 5/2 (tức ngày mùng 1 Tết). Ngày 6 và 7/2 (tức ngày mùng 2 và mùng 3 Tết) có thêm 75 địa điểm đăng ký mở cửa bán hàng trở lại.
Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết, nhất là các mặt hàng thiết yếu, giữ ổn định thị trường trong dịp Tết, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 08/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2018 và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Theo đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn, tổng công ty và các đơn vị liên quan lên kế hoạch cụ thể và triển khai các hoạt động chuẩn bị hàng hóa, các chương trình phục vụ Tết, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ với giá bình ổn nhằm bảo đảm phục vụ nhân dân đón Tết vui vẻ, an toàn, tiết kiệm.
"Các địa phương trên cả nước đã và đang tích cực triển khai kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cuối năm và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, trong đó có nhiều địa phương triển khai Chương trình bình ổn thị trường. Tiếp tục kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay, hầu hết các địa phương thực hiện Chương trình bình ổn thị trường theo hướng xã hội hóa, giảm thiểu sử dụng vốn ngân sách.
Một số địa phương đã vận dụng linh hoạt nguồn vốn vay ưu đãi thực hiện chương trình Bình ổn thị trường không chỉ với hàng tiêu dùng trong dịp Tết mà còn với các hàng hóa vật tư nông nghiệp, thời gian cho vay tương đối dài để nâng cao hiệu quả bình ổn thị trường", Vụ Thị trường trong nước cho hay.
Bình luận