Hà Nội: Cửa hàng vẫn đóng cửa nghỉ Tết

Kinh tếThứ Sáu, 27/01/2012 02:30:00 +07:00

(VTC News) - Nếu như mọi năm, mùng 5 Tết, nhiều cửa hàng bắt đầu rục rịch mở hàng đầu năm, thì năm nay hầu hết các cửa hàng vẫn “cửa đóng then cài”.

(VTC News) - Nếu như mọi năm, mùng 5 Tết, đường phố Hà Nội bắt đầu tấp nập trở lại, cũng là lúc nhiều cửa hàng rục rịch mở hàng đầu năm, thì năm nay hầu hết các cửa hàng vẫn “cửa đóng then cài”.

Cửa đóng then cài

Sáng mùng 5 Tết, dạo qua các tuyến phố mua sắm như: Chùa Bộc, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Hàng Ngang, Kim Mã… nhiều cửa hàng vẫn cửa đóng then cài, một số ít hàng mở cửa nhưng hàng hóa thì lộn xộn, ngổn ngang và chưa có nhân viên làm việc.


Một số mặt hàng kinh doanh mạnh vào dịp trước Tết như quần áo, đồ nội thất, đồ điện máy, thì vẫn im lìm đóng cửa do khách không có nhu cầu vào dịp đầu năm mới.

Các cửa hàng vẫn cửa đóng, then cài. Ảnh: N.Y 

Chị Nhung, chủ cửa hàng quần áo trên phố Kim Mã cho biết: “Ra Giêng, mặt hàng quần áo khá ế ẩm vì mọi người đã đi đổ xô mua quần áo từ trước Tết. Nhưng nghe nói mùng 5 đẹp ngày và hợp tuổi tôi nên tôi chỉ mở hàng để lấy ngày thôi, rồi sau đó lại nghỉ dài để đi lễ chùa. Cũng không kiếm được khách mở hàng đầu xuân nên tôi phải nhờ người thân đến mua giúp".


Trên phố Tôn Đức Thắng (Hà Nội), một số cửa hàng bách hóa, tiệm vàng, nhà sách đã mở cửa nhưng chỉ để lấy ngày.

Nguyên nhân chính khiến các cửa hàng mở cửa muộn hơn mọi năm là do năm nay dịp Tết Nguyên Đán được nghỉ dài hơn mọi năm. Vì vậy, đa số các gia đình dành thời gian để đi du xuân hay du lịch, ít người quan tâm tới hoạt động mua sắm.

Năm nay, đa số nhân viên công sở cũng như học sinh, sinh viên đều được nghỉ Tết hết ngày mùng 7 âm lịch, vì vậy, tuy mùng 5 Tết nhưng ở Hà Nội đường phố vẫn khá vắng vẻ, nhiều gia đình vẫn ở quê ăn Tết, chưa quay trở lại Hà Nội.

Điều này khiến không ít doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh dịch vụ buộc phải dời ngày khai trương muộn hơn mọi năm.

Các dịch vụ như ngân hàng, bưu điện, chuyển phát nhanh cũng chưa mở cửa vì hầu hết nhân viên đều đang trong thời gian nghỉ Tết.
 
Chị Mai (Hàng Bồ, Hà Nội) cho biết, sau Tết chị muốn gửi một tiền và quà sang cho cậu con trai đang học ở Anh nhưng cũng đành phải gác lại vì các đơn vị nhận chuyển hàng hiện đang nghỉ Tết, phải đến mùng 8 âm lịch mới bắt đầu mở cửa làm việc bình thường.

Năm nay, mở hàng sớm nhất vẫn là các cửa hàng bán rau, hoa quả, ...đa số các cửa hàng này đều mở cửa từ mùng 2, mùng 3 Tết để phục vụ nhu cầu mua thực phẩm của người dân.

Chờ ngày đẹp mới mở hàng

Đầu năm mới, bên cạnh tục xông đất, xuất hành, người ta còn chọn ngày tốt để thực hiện tục mở hàng với ước vọng việc làm ăn, buôn bán của mình trong cả năm gặp nhiều may mắn, tài lộc, tránh điều rủi ro, không hay.

Nhiều dãy phố tại Hà Nội vẫn chưa trở lại buôn bán vào ngày mùng 5 Tết. Ảnh: N.Y 

Năm Nhâm Thìn được xem là năm đem lại nhiều may mắn cho mọi người. Vì vậy, rất nhiều các chủ cửa hàng và doanh nghiệp chú trọng đến việc chọn ngày đẹp để khai trương, mở hàng đầu xuân.


Năm nay mùng 2 Tết là ngày Giáp Thân - rất tốt để khai trương năm mới. Mùng 3 Tết là ngày Ất Dậu cũng là ngày rất tốt cho việc mở hàng, khai trương. Vì vây, không ít các ông chủ cửa hàng sẵn sàng mở hàng lấy ngày trước, sau đó lại đóng cửa chờ qua Tết lại bán hàng.

Anh Minh, chủ một cửa hàng sửa chữa xe máy trên dốc Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, nhà anh mở cửa hàng từ hôm mùng 2 Tết, nhưng chỉ là thủ tục để lấy ngày, còn chính thức làm việc thì tới tận mùng 7 Tết.

Anh Minh kể, năm ngoái anh đi xem ngày đẹp để mở hàng, thầy bói bảo tuổi anh thì phải mùng 10 âm lịch thì mở hàng mới đẹp ngày. Mặc dù, anh muốn mở hàng sớm hơn vì đầu năm nhu cầu rửa xe, sửa chữa xe cũng nhiều, nhưng vì thầy bói phán không được mở sớm, nên anh cũng đành làm theo.

Bà Liên, chủ một cửa hàng tạp hóa ở phố Đội Cấn, Hà Nội cũng cho hay, việc mở hàng đầu năm là rất quan trọng, vì vậy bà đã cất công nhờ các các cụ hiểu biết về tử vi xem ngày hộ. Được biết, tuổi bà hợp với ngày mùng 7 Tết, nên bà quyết tâm chờ đến ngày này mở hàng cho đẹp.

“Sách, vở, bánh kẹo, các đồ tạp hóa…thì không chỉ những có những dịp bán chạy, mà cả năm đều có thể bán được hàng, nhưng cứ xem ngày cho chắc, vì hàng bán càng chạy thì lời lãi càng nhiều. Cũng may, là thầy xem vào ngày mùng 7, chứ muộn hơn thì cũng phí mất khách”, bà Liên tâm sự.

Châu Anh

Bình luận
vtcnews.vn