Đây là một trong những nội dung chính trong chiến lược đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được Bộ Ngoại giao Hà Lan công bố hôm 13/11. Chiến lược này được Bộ Ngoại giao Hà Lan mô tả là “tầm nhìn độc đáo của Hà Lan”.
Tương tự các quốc gia EU khác như Pháp và Đức, Hà Lan dành sự quan tâm lớn cho khu vực châu Á, cũng như mối quan hệ thương mại ngày càng tăng giữa khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và châu Âu, đặc biệt nhấn mạnh đến ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực.
Chiến lược lược đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Hà Lan vừa ban hành dành sự quan tâm đặc biệt cho Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh ngày càng bành trướng, mở rộng kinh tế cũng như sử dụng các công cụ dân sự và quân sự để đạt được “các mục tiêu chiến lược”.
Chiến lược của Hà Lan chỉ ra những lo ngại về Biển Đông, nhấn mạnh sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh đe dọa sự ổn định của tuyến đường thủy quan trọng trên thế giới. Đồng thời, Hà Lan kêu gọi khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không trở thành "nơi để các nước phô diễn sức mạnh".
Hà Lan cho rằng, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp, quân sự hóa Biển Đông dường như gây cản trở nước này trong hoạt động giao thương đến khu vực. Hà Lan đề xuất EU trao cho nước này vai trò cố vấn hoặc quan sát viên trong các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
“EU nên tìm kiếm hợp tác với các nước trong khu vực để tự do qua lại và đảm bảo an toàn hàng hải. Trong bối cảnh đó, EU phải thể hiện mình thường xuyên hơn và mạnh mẽ hơn về những diễn biến vi phạm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển đang diễn ra ở Biển Đông”, nội dung chiến lược khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Hà Lan cho hay.
Ngoại trưởng Hà Lan Stef Blok cũng đã đề cập đến các chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do Pháp và Đức đề ra, cho biết chính sách mới của Hà Lan được chuẩn bị với mong muốn về “một tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Ông cho rằng đây cũng là lập trường chung của nhiều nước EU.
Hơn 1/3 khối lượng hàng hóa, thương mại thế giới đi qua Biển Đông, phần lớn là khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền một cách phi lý. Hàng năm, khoảng 1,5 nghìn tỷ USD giá trị hàng hóa từ châu Âu đến các thị trường Ấn Độ - Thái Bình Dương.
EU gồm 27 thành viên là đối tác thương mại lớn thứ hai của khối Đông Nam Á và cũng là nhà đầu tư lớn nhất trong khối ASEAN. Hà Lan là một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất trong khối EU sang các nước ASEAN, sau Đức. 22,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hà Lan đến từ các nước châu Á.
Trung Quốc tỏ ra hung hăng khi khẳng định các yêu sách của mình ở Biển Đông, thường cử tàu tuần duyên và tàu dân quân đi vào vùng biển của các nước khác. Bắc Kinh cũng đã tăng tốc tập trận quân sự trong khu vực trong thời gian gần đây.
Trong khi đó, Washington cũng đã tiến hành một loạt cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông và đang tiến hành các cuộc tập trận Malabar 2020 với Ấn Độ, Nhật Bản và Australia ở Ấn Độ Dương.
Các quốc gia châu Âu gần đây đã có quan điểm chỉ trích mạnh mẽ về các hành vi ngang ngược của Trung Quốc ở khu vực. Cuộc khảo sát mới đây từ Viện Nghiên cứu châu Á có trụ sở tại Bratislava cho thấy, quan điểm của các nước châu Âu về Trung Quốc là tiêu cực, trong đó các nước Đức, Pháp, Anh, Thụy Điển và Cộng hòa Séc dẫn đầu.
Thời gian qua, nhiều quốc gia đã lên tiếng về những tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông. Mới đây, Canada cũng đã lên tiếng, kịch liệt chỉ trích tình hình căng thẳng ở Biển Đông khi cho rằng những gì Trung Quốc "thể hiện ở Biển Đông rõ ràng là đáng lo ngại" và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cần phải cho thế giới thấy sự đoàn kết trong việc gởi thông điệp răn đe mạnh mẽ tới Bắc Kinh.
Bình luận