• Zalo

Grab âm thầm tung dịch vụ giao thức ăn tại TP.HCM

Kinh tếThứ Hai, 30/04/2018 13:16:00 +07:00Google News

GrabFood được triển khai tại TP.HCM, nằm trong chuỗi tham vọng mở rộng dịch vụ giao thức ăn và các dịch vụ tài chính tại tất cả các nước Đông Nam Á của Grab.

Hãng công nghệ trụ sở tại Singapore vừa đưa dịch vụ GrabFood vào ứng dụng của hãng tại khu vực TP.HCM cách đây vài ngày. Như vậy bên cạnh hai dịch vụ truyền thống gồm vận chuyển, giao hàng, người dùng tại thành phố này bắt đầu được dùng dịch vụ giao thức ăn từ Grab.

 

Để bắt đầu sử dụng, người dùng chọn vào dịch vụ giao thức ăn trên thanh menu chính. Các quán ăn phổ biến gần vị trí người dùng sẽ hiển thị, gồm tên quán ăn và thời gian giao hàng. Người dùng có thể chọn một hay nhiều món ăn, sau đó chọn địa chỉ giao hàng. Khá đơn giản như khi dùng dịch vụ giao hàng của Grab.

 

Hồi tháng trước, Grab cho biết GrabFood có mặt tại Indonesia và Thái Lan, sẽ mở rộng thêm tại Singapore và Malaysia, sau đó có mặt tại tất cả các quốc gia Đông Nam Á trong nửa đầu năm 2018. Dịch vụ này được tung ra tại Việt Nam vào ngày 27/4.

Động thái mở rộng GrabFood được tiến hành ngay sau khi Grab mua lại mảng kinh doan của Uber trong khu vực Đông Nam Á. Trong thông báo chính thức về việc mua lại Uber khu vực hôm 26/3, Grab cho biết hãng đồng thời tích hợp dịch vụ giao thức ăn Uber Eats vào dịch vụ GrabFood của hãng - thông báo này được nhấn mạnh như phần quan trọng của thoả thuận mua lại Uber.

GrabFood còn khá mới mẻ, tuy nhiên Uber Eats đã có tên tuổi tại Singapore và Malaysia. Do đó việc mua lại Uber sẽ giúp Grab tận dụng Uber Eats như bệ phóng cho GrabFood trong khu vực.

Tại Việt Nam, Grab hiện đang khuyến khích người dùng sử dụng GrabPay bằng cách giảm giá khá nhiều khi thanh toán bằng hình thức này so với việc trả tiền mặt. Nếu nhiều người dùng GrabPay, Grab sẽ dễ dàng hơn trong việc triển khai các dịch vụ mới, đặc biệt khi dịch vụ này gắn với các đối tác thứ ba như nhà hàng, quán ăn, khách sạn,... Trả bằng GrabPay sẽ giúp hãng không đau đầu trong việc thu tiền hộ và dễ kết nối với hệ thống thanh toán của đối tác.

Grab cũng không giấu ý định đưa nền tảng GrabPay vào hệ sinh thái Grab Tài chính của họ. Trong thông cáo báo chí hồi tháng trước, hãng cho biết sẽ tiếp tục nâng cao và mở rộng các dịch vụ trong nền tảng Grab Financial, bao gồm thanh toán điện tử, tài chính vi mô, bảo hiểm và các dịch vụ tài chính khác, cho hàng triệu khách hàng chưa có tài khoản hoặc chưa được tiếp cận với ngân hàng, các doanh nghiệp siêu nhỏ, các doanh nghiệp nhỏ trong khu vực. Hãng khẳng định ví điện tử GrabPay sẽ có mặt tại tất cả quốc gia Đông Nam Á trước cuối năm nay.

GrabFood chắc chắn sẽ nằm trong hệ sinh thái nhằm giúp Grab bành trướng GrabPay tại khu vực Đông Nam Á.

Tại Việt Nam, GrabFood sẽ cạnh tranh với đối thủ mạnh là DeliveryNow của Foody, tiếp đến là Loship của Lozi. Trên khu vực Đông Nam Á, dịch vụ này sẽ đối đầu với các công ty nội địa như Honestbee, Deliveroo, và Foodpanda.

Sau khi thâu tóm Uber, Grab có lợi thế cực lớn ở mảng vận chuyển. Khối lượng khách hàng nhờ đó chắc chắn tăng lên, hầu như không có đối thủ đủ mạnh ở tầm khu vực. Do đó với lượng người dùng rất lớn ở mảng gọi xe cộng với nguồn vốn dồi dào, công ty khởi nghiệp tại Singapore có cơ sở để triển khai nhiều dịch vụ mới mẻ trên khu vực Đông Nam Á đang có tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ.

Video: Vắng Uber, khách hàng phàn nàn Grab tăng giá gấp đôi

(Nguồn: ictnews.vn)
Bình luận
vtcnews.vn