• Zalo

Gỡ vướng thuế thu nhập cá nhân

Kinh tếThứ Năm, 24/07/2014 03:29:00 +07:00Google News

Tổng cục Thuế vừa ban hành một số văn bản tháo gỡ vướng mắc cho các Cục thuế địa phương và DN về thuế thu nhập cá nhân.

Tổng cục Thuế vừa ban hành một số văn bản tháo gỡ vướng mắc cho các Cục thuế địa phương và DN về thuế thu nhập cá nhân.

Được hoàn với tài sản cho thuê chịu thuế dưới 100 triệu đồng/năm; tiền thuê nhà của NLĐ được trả thay không quá 15% tổng thu nhập chịu thuế; chính sách xử phạt với lao động “ngoại” chưa kê hoặc kê thiếu thu nhập chịu thuế… là một số nội dung gỡ vướng của Tổng cục Thuế về thuế TNCN.

Tài sản cho thuê có cơ hội được hoàn thuế

Trong văn bản trả lời các Cục Thuế: Hà Nội, Bắc Ninh, Tiền Giang và Lâm Đồng về chính sách thuế TNCN đối với hộ, cá nhân cho thuê tài sản, Tổng cục Thuế hướng dẫn: Hộ, cá nhân cho thuê tài sản thực hiện khai thuế, nộp thuế và được tính giảm trừ gia cảnh theo hướng dẫn tại Điều 22 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013  của Bộ Tài chính.
 

Trường hợp hộ, cá nhân không kinh doanh có tài sản như cho thuê nhà làm văn phòng, cho thuê nhà, đất làm địa điểm đặt trạm phát sóng... mà tiền cho thuê hàng năm từ một trăm triệu đồng trở xuống thuộc thì thực hiện theo hướng dẫn tại công văn số 2270/TCT-CS ngày 18/6/2014 của Tổng cục Thuế.

Cụ thể, trường hợp hộ, cá nhân không kinh doanh có tài sản cho thuê như cho thuê nhà làm văn phòng, cho thuê nhà, đất làm địa điểm đặt trạm phát sóng... mà tiền cho thuê hàng năm từ một trăm triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, cơ quan thuế không cấp hóa đơn lẻ theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 12 Thông tư số 64/2013/TT-BTC và khoản 1 Điều 13 Thông tư số 39/2014/TT-BTC. Cơ sở đi thuê phải sử dụng Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào theo quy định của pháp luật về thuế TNDN kèm theo hợp đồng thuê địa điểm và chứng từ thanh toán để làm chứng từ hạch toán chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Trường hợp cơ quan thuế đã cấp hóa đơn và tính thuế TNCN hoặc DN đã khấu trừ thuế TNCN 10% trước khi trả tiền thuê cho cá nhân, đồng thời cá nhân xác định thuộc đối tượng có doanh thu cho thuê hàng năm từ một trăm triệu đồng trở xuống thì cơ quan Thuế xem xét hoàn thuế TNCN. Tổng cục Thuế cho biết, đối với khoản tiền thuê nhà mà người lao động có thu nhập nhiều nơi và được một trong các nơi đó trả thay tiền nhà, thì tiền nhà được trả thay tính vào thu nhập chịu thuế không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế (chưa bao gồm tiền thuê nhà) tại đơn vị trả thay tiền nhà đó.

Liên quan tới việc quy đổi thu nhập tính thuế, trường hợp cá nhân thực nhận lương sau thuế (bao gồm tiền làm ca đêm, làm thêm giờ phần được miễn thuế) thì quy đổi tổng số thu nhập mà người lao động thực nhận thành thu nhập chịu thuế. Sau đó, lấy thu nhập chịu thuế trừ (-) đi phần thu nhập làm ca đêm, làm thêm giờ phần được miễn thuế. Từ đó, tính thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân của người lao động.

Thuế với lao động “ngoại”

Trường hợp cá nhân thực nhận lương sau thuế thì quy đổi tổng số thu nhập mà người lao động thực nhận thành thu nhập chịu thuế.
Trả lời Cty Siemen AG về hướng dẫn chính sách thuế TNCN của nhân viên người nước ngoài đến làm việc, công tác tại Việt Nam, Tổng cục Thuế cho biết, các nhân viên Cty Siemen AG đến làm việc, công tác tại Việt Nam là cá nhân cư trú hoặc cá nhân không cư trú xác định thu nhập chịu thuế, kê khai và nộp thuế TNCN tại Việt Nam theo hướng dẫn tại Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật thuế TNCN, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN...

Trường hợp, nhân viên Cty Siemen AG làm việc tại Việt Nam có thu nhập chịu thuế thuộc diện được miễn thuế, giảm thuế do áp dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và các nước, vùng lãnh thổ khác thì thực hiện theo quy định của Hiệp định. Cũng liên quan đến yếu tố “ngoại” trong tính thuế TNCN, Tổng cục Thuế đã có hướng dẫn cụ thể về thuế TNCN đối với người nước ngoài như sau: Khi cơ quan thuế kiểm tra phát hiện người lao động là người nước ngoài có phát sinh thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam và ở nước ngoài nhưng chưa kê khai hoặc kê khai còn thiếu thì bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế.

Tùy thuộc vào mức độ vi phạm hành chính về thuế thì cơ quan thuế xử phạt người nộp thuế như hướng dẫn tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 166/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ Tài chính.

Trường hợp người lao động nước ngoài đã về nước trước thời điểm kiểm tra thuế, để tránh trường hợp người lao động lợi dụng để trốn tránh trách nhiệm thuế, cơ quan thuế có thể tiến hành phối hợp với đơn vị sử dụng lao động tại Việt Nam thông báo cho người nộp thuế biết về nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân.

Theo DDDN
Bình luận
vtcnews.vn