Chị Nguyễn Thị Hiếu – Thành phố Thái Bình chia sẻ suốt 3 năm vừa qua, chị luôn trong tình trạng bị khàn tiếng, có lúc khó nói, nói hụt hơi thậm chí mất tiếng. Chị Hiếu bán hàng online nên thường xuyên phải nói. Tuy nhiên, khàn tiếng khiến chị nói cũng khó khăn, phải thuê người về bán hàng.
Chị Mai Thị Phượng, Hà Đông, Hà Nội cũng bị khàn giọng. Chị đọc trên mạng thông tin khàn giọng là biểu hiện của ung thư thanh quản. Chị Phượng đi kiểm tra bác sĩ cho biết bị hạt xơ thanh quản. Cuộc sống của chị Phượng bị ảnh hưởng ngay cả việc dạy con cũng không thể nói to, lúc nào cũng thì thào. Nhiều lần, chị Phượng ức chế muốn lớn tiếng với con cũng đành chịu.
Anh Bùi Đức - Thường Tín, Hà Nội đến khám tại BV Tai Mũi Họng Trung ương vì khàn tiếng kéo dài. Trước đó, anh Đức đi nội soi ở một phòng khám bác sĩ thấy có sùi loét ở dây thanh nghi ngờ ung thư thanh quản nên giới thiệu anh Đức lên tuyến trên khám.
Kết quả, sinh thiết bác sĩ cho biết anh bị ung thư thanh quản. Nguyên nhân do thói quen uống rượu và hút thuốc. Anh Đức mới 43 tuổi, công việc chính là bán vật liệu xây dựng. Khi phẫu thuật xong anh đối diện nguy cơ không nói được hoặc giọng nói lớ lớ khiến anh lo lắng.
Theo PGS Nguyễn Thị Hoài An, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt, nhiều người vẫn nghĩ khàn giọng chỉ vì nói nhiều, nói lớn tiếng, hay chỉ vì cảm cúm…Điều đó hoàn toàn đúng với thực tế bởi đơn giản ai cũng có thể mắc phải, và chỉ cần nghỉ ngơi, ăn uống hợp lí, hoặc dùng thuốc vài ngày thì sẽ khỏi. Có lẽ vì vậy nên nhiều trường hợp khàn giọng do các bệnh lý nguy hiểm đã bị bỏ qua.
BS An cho biết khàn tiếng là hiện tượng thay đổi bất thường trong giọng nói của bạn với triệu chứng phổ biến là khô, ngứa cổ họng. Khi bạn bị khàn tiếng, giọng nói của bạn sẽ không được trong và mượt như bình thường mà âm bạn phát ra sẽ yếu hơi, nghe trần và nhỏ.
Khàn giọng biểu hiện của nhiều bệnh lý như viêm thanh quản, hạt xơ dây thanh quản, polyp thanh quản, thậm chí ung thư thanh quản.
Viêm thanh quản: thường gây phù nề thanh quản, gây khàn tiếng, mất tiếng. Nếu viêm thanh quản cấp điều trị đúng, bệnh sẽ khỏi nhanh. Nếu viêm thanh quản mạn tính, tình trạng khàn tiếng thường kéo dài và dễ tái phát.
Hạt xơ dây thanh quản hay u xơ dây thanh quản là tình trạng xuất hiện các hạt xơ nhỏ ở hai bên dây thanh. Chúng thường có chân rộng, nằm ở ⅓ giữa dây thanh, kích thước tương tự và thường mọc đối xứng nhau.
Bệnh lý dây thanh này thường xuất hiện ở những ngành nghề đòi hỏi sử dụng giọng nói nhiều với tần suất và cường độ lớn, nhất là ca sĩ, giáo viên, người dẫn chương trình, người bán hàng….
Polyp thanh quản là sự hình thành những khối u nhỏ ở mặt trên hoặc bờ trong của dây thanh, là một tổn thương lành tính. Tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nhưng lại ảnh hưởng đến giọng nói, gây bất lợi trong giao tiếp với mọi người.
Ung thư thanh quản là bệnh lý nguy hiểm nhất cảnh báo từ dấu hiệu khàn tiếng. PGS An cho biết người bệnh thường bị khàn tiếng kéo dài, sau đó ho khan, có thể ho ra máu, sụt cân. Ung thư thanh quản có thể phát triển ở bất kì phần nào của thanh quản.
Khi ung thư thanh quản di căn, các tế bào ung thư thường xâm lấn đến hạch bạch huyết lân cận ở vùng cổ. Các tế bào ung thư có thể xâm lấn đến mặt sau của lưỡi, thành phần khác của họng và cổ, đến phổi và các bộ phận khác của cơ thể.
Khi bị khàn giọng, bác sĩ An khuyến cáo bạn nên hạn chế nói chuyện và la hét nhiều trong thời gian bị khàn giọng. Uống nhiều nước ấm. Tránh chất chứa caffeine và rượu, vì chúng có thể làm khô cổ họng của bạn. Hạn chế hút thuốc lá vì thuốc lá có thể gây kích thích cổ họng của bạn.
Bình luận