Cả tuần nay, Hà Nội không hề có bão giông gì, nhưng thực tế, nó vừa chứng kiến "cơn bão trong lòng dân". Nó trở nên dữ dằn cũng có lẽ phần nào do cách ứng xử và cách làm quá vội vàng của một số sở, ngành cùng với sự phê duyệt dự án chặt bỏ 6.700 cây xanh của các tuyến phố nội thành.
Cách làm này đã thiếu cái tầm của người lãnh đạo được Hà Nội giao phó. Đây chính là cốt lõi của câu chuyện gây "bão" để rồi, rất may là ông Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, sau khi nghe dư luận phản ứng đã yêu cầu thuộc cấp phải chấn chỉnh kịp thời, nhận khuyết điểm trước dân.
Việc đồng loạt chặt hạ cây xanh ở Hà Nội gây bức xúc trong người dân - Ảnh: Ngọc Thắng |
Lẽ ra, sau cái đợt cưa cây xà cừ vài chục tuổi ở ven sông Tô Lịch phục vụ cho công trình xây dựng đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông cách đây gần năm, chúng ta đã thấy được sự phản ứng của dư luận lớn đến mức nào để rút kinh nghiệm về cách làm. Rất tiếc, chuyện này lại tái diễn.
Nếu người dân mà thấy được rõ vấn đề, hiểu được đây là cách làm chẳng đặng đừng khi tiến tới hiện đại hóa Thủ đô, tôi nghĩ người dân đều có sự sẻ chia nhất định với chính quyền. Phải khẳng định việc phải làm đó là không khác được mặc dù cũng có những mất mát xen lẫn sự luyến tiếc nhất định. Vậy mà không hiểu sao, bỗng "xoẹt" một cái, hàng trăm chiếc lưỡi cưa máy đồng loạt ra quân ở một số đường phố khiến người dân không khỏi ngơ ngác và phản ứng .
Theo thống kê của Hà Nội thì Thủ đô có lượng cây xanh được trồng qua nhiều năm lên tới trên 50.000 cây, được trải dài trên 500 tuyến phố với hơn 100 loài cây, trong đó có khoảng trên 20 loài có số lượng cá thể lớn. Trong tổng số trên 50.000 cây nói trên thì có tới 10% là loại cây xà cừ với cả ưu lẫn nhược điểm của nó. Đã bao lần chúng ta phải chứng kiến việc cây xà cừ đổ, không chỉ trong bão giông mà cả lúc trời yên gió lặng. Những cái chết oan uổng của những người đi đường rồi cũng chẳng biết kêu ai để được đền bù...
Rồi thì có những tuyến phố, không rõ từ hồi nào ngập tràn hoa sữa. Thơm thì thơm thật, đẹp thì cũng đẹp và thi vị thật, song nếu ai phải sống gần với cả một dãy cây sữa bên nhà thì sẽ đủ thấy đó là một cực hình mỗi khi mùa hoa nở vào buổi đêm.
Những chuyện đó, thực ra cũng đã tới lúc phải quy hoạch, trồng mới và loại bỏ những loài nào chưa thật phù hợp. Chủ trương này của thành phố quả không sai. Nhưng tiếc thay, cách làm của chính quyền Hà Nội lại chưa thật khéo và tỉnh táo trong quá trình triển khai. Chính vì thế, họ đã tự gây "bão" trong dư luận. Đành rằng, về một góc độ nào đó, nói như vị Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội hôm trước cũng không phải không có lý. Dân bầu ra chính quyền thì hãy để chính quyền hằng ngày điều hành mọi việc, không lẽ cái gì cũng xin ý kiến dân? Sự thiếu tinh tế và thiếu nhạy cảm của người lãnh đạo chính là vào một câu chuyện cụ thể này. Đây là một việc gọi là lớn cũng đúng mà việc không lớn cũng không sai. Nhưng đây quả là vấn đề rất nhạy cảm, nó "động" đến tâm tư, tình cảm của biết bao người dân yêu Hà Nội thì rất cần để dân biết, dân bàn. Ông Phó ban nọ đã sai lầm tai hại ở chỗ này và đã khiến dân tình "dậy sóng".
Lãnh đạo thành phố Hà Nội đã yêu cầu dừng chặt hạ thay thế cây xanh - Ảnh: Ngọc Thắng |
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã nói rất có lý, du khách quốc tế đến Hà Nội họ ít khen Hà Nội đẹp vì sự hiện đại và văn minh. Họ thường khen là do Hà Nội có nhiều cây xanh tỏa bóng mát và cổ kính mà có tiền cũng không dễ mua được ngay tức thì...
Theo tôi được biết, gần đây, Hà Nội cũng đã chi ngân sách cho việc chăm sóc, duy trì và bổ sung cây xanh cho thành phố không dưới 4 tỉ đồng mỗi năm. Như vậy có nghĩa cũng có cả ngàn cây mới được trồng mỗi năm, thay thế cho số cây cũ đã mục, bị sâu, thối rễ hoặc mọc không như ý, gây mất an toàn cho dân đi đường.
Việc đốn chặt mỗi năm như vậy cũng là hợp lý. Song để làm như một cuộc tổng tấn công vào cây xanh như vừa rồi thì quả là thiếu cân nhắc, nó đã động đến tình cảm và sự nâng niu trân quý của người dân Hà Nội nói riêng, người dân cả nước nói chung. Điều này thực ra cũng không có gì lạ bởi Hà Nội là trái tim của cả nước. Cả nước luôn hướng về Hà Nội.
Giá như một công việc được xem là nhạy cảm như vậy, Hà Nội chỉ cần cung cấp thông tin đầy đủ trên các phương tiện truyền thông. Căn cứ vào kết quả điều tra thực địa ra sao? Có thể tổ chức tọa đàm và trả lời câu hỏi của dân trên truyền hình địa phương, làm sao đó để dân có nhiều thông tin hơn, họ sẽ chia sẻ với chính quyền vì sao phải chặt hạ? Tôi tin rằng nó sẽ rất khác.
Tất nhiên, cũng cần nói luôn, dù đã tiến hành trao đổi thông tin như vậy thì cũng không thể cho phép đốn chặt nhiều đến như thế! Đó là chưa kể, thực tế Hà Nội căn cứ vào điều tra nào để khẳng định dân đồng tình cao trong khi thực tế, báo điện tử VnExpress cho thăm dò thì tỷ lệ người ủng hộ so với tổng số người được hỏi chẳng hề có là bao (chỉ khoảng 1.700 người ủng hộ trong khi có hơn 20.000 người không ủng hộ. Đó là chưa kể còn vài ngàn người cho rằng cần đưa ra xem xét bàn bạc thêm).
Nói về kinh phí cây trồng mới không phải lấy từ ngân sách mà là từ nguồn xã hội hóa, xem ra cũng rất khó thuyết phục khi mà kinh tế nước nhà đang suy thoái. Đồng tiền doanh nghiệp kiếm được không hề dễ dàng, vậy hà cớ gì họ lại nhiệt tình như vậy nếu không phải là tài trợ tự nguyện và có quyền lợi gì kèm theo?
Tất cả, xem chừng đều chưa được thuyết phục. Phải chăng cũng vì thế mới có chuyện tại buổi họp báo ngày 20/3, sau khi ông Phó chủ tịch UBND thành phố trình bày, ông có đề nghị các báo đặt câu hỏi. Không hiểu sao, ông lại không hề trả lời 21 câu chất vấn được nêu ra, lại vội rời khỏi phòng họp, để lại nhiều bức xúc cho cánh báo chí.
Dù sao đây cũng là bài học về lối ứng xử và cách làm việc xem ra có phần chủ quan của một số cơ quan chức năng thuộc Hà Nội với công dân của mình để rồi câu chuyện trở nên phức tạp. Người lãnh đạo được coi là có tầm chính là ở chỗ họ biết điều gì cần phải tham khảo, xin ý kiến dân và điều gì họ có thể tự quyết đoán, không nhất thiết phải đưa ra xin ý kiến, mất thời cơ trong công việc.
Nguồn: Hành Thiện (TNO)
Bình luận