• Zalo

Giáo viên 'phát mệt' với 9 kiểu phụ huynh này

Giáo dụcThứ Sáu, 11/10/2019 16:55:00 +07:00Google News

Nhiều giáo viên cảm thấy tồi tệ khi phải đối mặt với những phụ huynh kiểm soát thái quá, luôn coi con mình đúng hay chiều theo mọi ý muốn của con.

Dưới đây là chia sẻ của một số giáo viên ở khắp nước Mỹ về những kiểu phụ huynh tồi tệ nhất mà họ từng đối phó:

1. Phụ huynh "trực thăng" (kiểm soát thái quá)

Lynn, giáo viên trung học ở New Jersey cho biết từng gặp một số phụ huynh luôn cố gắng can thiệp vào công việc của mình. Họ liên tục gọi điện đến trường, đôi khi là cả ngày để kiểm tra. Họ nhờ con đưa những tờ ghi chú cho giáo viên, trong đó ghi những điều cần chú ý và cách xử lý một số hành vi của học sinh như thể các thầy cô chưa được đào tạo và chưa có nhiều kinh nghiệm giảng dạy.

"Họ luôn quan sát quá kỹ khiến tôi và cả những đứa trẻ không thể thở nổi. Học sinh của tôi đang học trung học. Chúng đủ lớn để không phải chịu sự kiểm soát thái quá như vậy từ bố mẹ", cô Lynn nói.

2. Coi con mình luôn đúng

Anne, giáo viên trung học ở New Jersey chia sẻ có một học sinh luôn làm lớp học bị gián đoạn bởi những trò đùa thô lỗ đến nỗi cô phải đuổi ra khỏi lớp nhiều lần trong năm. Thế nhưng, phụ huynh của học sinh này luôn cáo buộc Anne phân biệt đối xử với con trai bà. Theo cô Anne, các ông bố bà mẹ có suy nghĩ như vậy thì con sẽ không bao giờ thay đổi hành vi sai trái.

phu-huynh-khien-giao-vien-phat-met

 (Ảnh: Shutterstock)

3. Chiều theo mọi ý muốn của con

"Một trong những học sinh của tôi cứ đến lớp là khoe một cái gì đó mới. Tôi thề là bố mẹ của em đó mua cho con bất cứ thứ gì con muốn, từ chiếc vòng tay Hermes đến túi Chanel", Francis, giáo viên THCS ở New York nói.

Anh cho rằng trường hợp này có thể khiến những học sinh khác cảm thấy không được yêu thương và bị tổn thương lòng tự trọng. Còn việc phụ huynh quá chiều con như vậy sẽ khiến đứa trẻ nổi lòng tham, thường xuyên đòi quyền lợi.

4. Thờ ơ, phó mặc con cho nhà trường

Troy Dot, giáo viên THCS, nhận định phụ huynh không chịu trách nhiệm về hành vi của con là kiểu tồi tệ nhất. Những cha mẹ này phó mặc việc học tập của con cho nhà trường và tỏ ra không liên quan đến tương lai học hành của con cái.

Một giáo viên khác tên Isabella cảm thấy "tan nát trái tim" khi phụ huynh không quan tâm đến con ở trường ra sao, không bao giờ hỏi con xem hôm nay ở trường như thế nào, điểm số hay quan hệ bạn bè có tốt không.

5. Chỉ biết nói "Đồng ý"

Giáo viên dành nhiều thời gian lên kế hoạch cho các buổi họp phụ huynh nhằm thảo luận về những gì thầy cô, phụ huynh cũng như học sinh phải làm để thành công. Phụ huynh luôn đồng ý với giáo viên về những điều đã được vạch ra nhưng sau đó không làm gì cả. Việc này lặp đi nhiều lần khiến giáo viên tên Kate L. bực bội.

6. Đổ lỗi cho đối phương (trường hợp bố mẹ không ở cùng nhau)

Những cặp vợ chồng không ở cùng nhau thường đổ lỗi cho nhau trước tất cả vấn đề mà con họ gây ra. Cô Kate L. từng gặp trường hợp này. Khi đó, một trong hai phụ huynh sẽ nói "Tôi không biết những gì xảy ra trong ngôi nhà đó nhưng điều này không xảy ra trong nhà của tôi".

"Thực tế, học sinh không làm một chút bài tập về nhà nào trong học kỳ này. Vì vậy, việc con không học ở nhà xảy ra ở cả hai gia đình", cô Kate L. thông tin.

7. Đổ lỗi cho giáo viên

Một giáo viên tên Mirinda từng gặp những phụ huynh suốt ngày đổ lỗi cho giáo viên khi con họ bị điểm kém hay thất bại trong các hoạt động ở trường. "Chúng tôi có liên hệ với gia đình qua email, điện thoại, thậm chí có báo cáo về tiến độ học tập của trẻ để cảnh báo. Và bằng cách nào đó, phụ huynh cho rằng đó là lỗi của chúng tôi", Mirinda nói.

8. Không làm việc trực tiếp với giáo viên

Cô Cynthia, giáo viên THPT, cho rằng điều tồi tệ nhất là phụ huynh không giao tiếp trực tiếp với giáo viên. "Tôi đã gặp chuyện này hơn một lần. Khi có vấn đề gì, phụ huynh liên lạc với ban giám hiệu hoặc cấp trên của tôi trong khi vấn đề có thể giải quyết bằng cách liên hệ với tôi đầu tiên", cô Cynthia nói.

9. Nói thay con quá nhiều

Nhiều phụ huynh thay con nói mọi thứ với giáo viên trong khi chúng hoàn toàn có thể tự làm điều này. "Tôi không biết đứa trẻ cần giúp đỡ hay đang có thắc mắc về điểm số. Tôi chỉ nghe thấy những điều này từ bố mẹ của chúng. Điều đó khiến tôi không thể chịu đựng được", cô Cynthia bày tỏ và nhận định việc bố mẹ lên tiếng thay con quá nhiều sẽ khiến chúng thất bại.

vnexpress/Fairygodboss
Bình luận
vtcnews.vn