Theo dự kiến, trong tháng 7, TAND tỉnh Hà Giang sẽ đưa vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018 và 5 bị can trong vụ án này ra xét xử sơ thẩm.
Theo đó, 5 bị can bị truy tố là Nguyễn Thanh Hoài (cựu trưởng Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang), Vũ Trọng Lương (cựu phó Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục), Phạm Văn Khuông, Triệu Thị Chính (2 cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) và Lê Thị Dung (cựu cán bộ Công an tỉnh Hà Giang).
Theo cáo trạng truy tố của VKSND tỉnh Hà Giang, Nguyễn Thanh Hoài bàn bạc thống nhất với Vũ Trọng Lương về việc nâng điểm bài thi môn trắc nghiệm cho các thí sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018.
Hành vi của Hoài vi phạm quy chế thi dù bị can này không trực tiếp sửa kết quả bài thi của các thí sinh để nâng điểm, nhưng Hoài đưa danh sách 93 thí sinh cần được nâng điểm cho Lương và Lương trực tiếp nhận giúp nâng điểm 14 thí sinh. Lương thực hiện thao tác trên máy tính can thiệp, kết quả của 309 bài thi các môn của 107 thí sinh trong quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm để nâng điểm.
Trong đó, 102 bài thi môn Toán, 85 bài thi môn Vật lý, 56 bài thi môn Hóa học, 7 bài thi môn Lịch sử, 1 bài thi môn Địa lý, 50 bài thi môn Tiếng Anh và 8 bài thi môn Sinh học. Trong số 107 thí sinh, số báo danh 05000592 được nâng nhiều điểm nhất với 4 môn thi trắc nghiệm (Toán, Tiếng Anh, Hóa, Lý) số điểm chênh lệch 29,95 điểm.
Bị can Phạm Văn Khuông nhờ Nguyễn Thanh Hoài nâng điểm cho con, kết quả số báo danh 05000284 được nâng 13,3 điểm.
Đối với bị can Lê Thị Dung do mối quan hệ quen biết nên nhờ bị can Hoài nâng điểm cho 20 thí sinh, kết quả 20 thí sinh đều được nâng điểm.
Bị can Triệu Thị Chính không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ của trưởng ban chấm thi vi phạm quy chế thi, đưa danh sách 13 thí sinh nhờ bị can Hoài nâng điểm môn ngữ văn cho 12 thí sinh (1 thí sinh Triệu Thị Chính nhờ xem điểm) giữa 2 bị can đã thống nhất số điểm cần nâng đạt đượ. Tuy nhiên vì lý do khách quan nên bị can Hoài chưa thực hiện can thiệp nâng điểm.
Trong quá trình điều tra, Cơ quan an ninh điều tra không thu thập được chứng cứ để chứng minh được có yếu tố vụ lợi trong vụ án. Hành vi phạm tội của các bị can nói trên không chỉ để lại hậu quả trước mắt mà còn về lâu dài sẽ đào tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng thấp và yếu kém tác động đến đạo đức xã hội không còn sự công bằng trong xã hội.
Tuy nhiên, sau khi phát hiện hành vi gian lận thi cử của các bị can tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở Hà Giang, Bộ GD&ĐT chấm thẩm định trả lại kết quả chính xác cho các thí sinh trước khi xét tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng trên toàn quốc, nên không có thí sinh nào bị buộc thôi học tại các trường Đại học, Cao đẳng.
VKSND kết luận, hành vi phạm tội của các bị can gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội do đó cần phải xử lý hình sự.
Ngày 28/5/2019, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang ban hành cáo trạng số 09/KSĐT truy tố trước Toà án nhân dân tỉnh Hà Giang để xét xử đối với các bị can:
Nguyễn Thanh Hoài, Vũ Trọng Lương về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", theo điểm a khoản 2 điều 356 BLHS năm 2015.
Triệu Thị Chính về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi", quy định tại điểm b khoản 1 điều 358 Bộ luật hình sự 2015.
Phạm Văn Khuông, Lê Thị Dung về tội "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi", quy định tại điểm b khoản 1 điều 366 Bộ luật hình sự 2015.
Cùng ngày hồ sơ vụ án được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang chuyển sang Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang để xét xử theo thẩm quyền.
Bình luận