Báo động rác thải nhựa từ gói hàng online
Phát triển thương mại điện tử là cốt yếu nền kinh tế của nhiều quốc gia nào trong bối cảnh thương mại hóa. Trong bức tranh tổng thể về kinh tế Việt Nam, thương mại điện tử tiếp tục khẳng định vị trí là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số.
Số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022. Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới (tính đến tháng 12/2023 theo Statista).
Bán lẻ trực tuyến tăng kéo theo lượng rác thải từ bao bì, đặc biệt là vật liệu nhựa và các dụng cụ nhựa dùng một lần. Theo báo cáo tóm tắt chất thải nhựa bao bì từ thương mại điện tử tại Việt Nam năm 2023 của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF), nước ta đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ chất thải nhựa.
Lượng chất thải nhựa năm 2014 khoảng 1,8 triệu tấn, năm 2016 khoảng 2,0 triệu tấn. Khối lượng chất thải nhựa vẫn tiếp tục xu hướng tăng nhanh, từ mức 2,7 triệu tấn năm 2018 lên 2,93 triệu tấn năm 2021. Thành phần của chất thải nhựa có vai trò quan trọng đối với hiệu quả tái chế. Túi nilon là thành phần chính, chiếm từ 45 - 63%, tiếp đến là các loại nhựa dùng một lần dao động từ 12 - 26% trong chất thải nhựa ở các địa phương.
Phần lớn thương mại điện tử Việt Nam tập trung ở các địa phương ven biển hoặc sông lớn chảy ra biển như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ, Nha Trang. Do hầu hết rác thải nhựa từ thương mại điện tử chưa được thu gom, tái chế hoặc xử lý thân thiện với môi trường nên tỷ lệ đáng kể rác thải nhựa từ thương mại điện tử sẽ đổ ra biển.
Theo các chuyên gia môi trường, việc giảm thiểu diễn ra trước khi một đồ vật trở thành chất thải, nghĩa là trước khi một đồ vật bị vứt bỏ…Điều này được gọi là ngăn ngừa hoặc giảm thiểu chất thải tại nguồn.
“Trong phát triển bền vững có một yếu tố quan trọng đó là môi trường. VECOM nhận định, các doanh nghiệp/nhà cung cấp sản phẩm cần phải đặt yếu tố giảm nhựa đi kèm với lợi ích kinh tế để đảm bảo tính bền vững” - ông Trần Văn Trọng, Tổng Thư ký Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), nêu ý kiến.
Phát triển xanh để mạnh mẽ hơn
Ngăn ngừa chất thải nhựa có thể được thực hiện qua các biện pháp sau:
- Trong quá trình sản xuất: Thiết kế sinh thái giúp ngăn ngừa việc tạo ra chất thải từ các giai đoạn thiết kế và sản xuất đồ vật (giảm bề mặt bao bì, quy trình sản xuất ít gây ô nhiễm hơn, kéo dài thời gian sử dụng…). Điều này phù hợp với các doanh nghiệp thuộc danh mục hàng hóa thực hiện quy định Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).
-Trong quá trình tiêu dùng: Tận dụng, tái sử dụng và sửa chữa sản phẩm để có thể kéo dài thời gian sử dụng và giảm lượng chất thải được tạo ra.
“Về lý thuyết là vậy, tuy nhiên nhựa vẫn là vật liệu rẻ, bền, dai, nhẹ, không thấm nước, phù hợp cho thiết kế bao bì hoặc bọc lót sản phẩm cần vận chuyển. Vì vậy, việc thay đổi vật liệu hoặc thiết kế cần sự quyết liệt của doanh nghiệp đó” - ông Trần Văn Trọng cho biết.
Ông Trọng cho biết hiện nay các doanh nghiệp lớn như Lazada, Grab, Shoppe… thực hiện nhiều giải pháp “xanh” trong kinh doanh vận chuyển.
Báo cáo tác động đến Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) năm 2023 của Lazada có tiêu đề “Làm phong phú cuộc sống, phát triển mạnh mẽ hơn”. Với vị trí là nền tảng thương mại kỹ thuật số hàng đầu Đông Nam Á, báo các ESG của Lazada khẳng định: Các tác động môi trường vốn có mối liên hệ với nhau với sự thịnh vượng của hành tinh và nhân loại của chúng ta.
“Chúng tôi nhận thấy tác động mà hoạt động kinh doanh của chúng tôi gây ra đối với môi trường, đặc biệt là từ việc gia tăng lượng khí thải liên quan đến vận tải và chất thải tạo ra từ vật liệu đóng gói” - trích báo cáo.
Nhận thức được những lo ngại này, Lazada cố gắng giảm thiểu tác động đến môi trường trong các hoạt động của mình bằng cách nâng cao hiệu quả giao hàng và giảm việc sử dụng vật liệu đóng gói nếu có thể. “Chúng tôi cũng mở rộng hợp tác với các đối tác có cùng quan điểm và tận dụng phạm vi tiếp cận của nền tảng để ủng hộ các hoạt động có trách nhiệm giữa các bên liên quan của chúng tôi”. Bằng cách này, hơn 250kg nhựa tái chế được tái sử dụng kể từ khi ra mắt dòng sản phẩm tẩy rửa gia dụng sinh thái của RedMart.
Một số sàn thương mại điện tử lớn đã tham gia vào quá trình “tuyên truyền” cho công dân “mua hàng có trách nhiệm với môi trường”. Cụ thể: Đơn vị đóng gói sử dụng vật liệu cách nhiệt có thể tái sử dụng trong các thùng giao hàng và khuyến khích thu gom hộp carton để tái sử dụng hoặc tái chế, giảm việc sử dụng bao bì sử dụng một lần và lượng rác thải đưa vào bãi chôn lấp.
Trước cơn sốt gia tăng nhựa từ thương mại điện tử ở Việt Nam, theo WWF, các nền tảng thương mại điện tử, các doanh nghiệp trung gian và thương nhân kinh doanh online sẽ phải tăng chi phí khi triển khai các hoạt động thân thiện với môi trường, sử dụng các bao bì, vật liệu thay thế bao bì, vật liệu nhựa. Đặc biệt, doanh nghiệp cần đánh giá các rủi ro khách hàng quay lưng khi họ thờ ơ với trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Bình luận