Đề án Đô thị thông minh nhằm giải quyết những vấn đề đặc trưng của thành phố trong quá trình đô thị hóa - mật độ dân số ngày càng cao, vượt quá khả năng phục vụ của hạ tầng giao thông, nhà ở, y tế và môi trường. Đồng thời giúp thành phố phát triển nhanh, bền vững trên nền tảng khai thác tốt các nguồn lực, nhằm thúc đẩy nghiên cứu công nghệ; giải pháp; phát triển các sản phẩm ứng dụng cụ thể phục vụ đô thị thông minh và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Tham dự hội thảo, có GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở; ông Vũ Anh Khoa, Phó Chủ tịch UBND Quận 10; ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Chủ tịch UBND Quận 12; PGS.TS Lê Minh Phương, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM cùng đại diện của các sở, ngành, trường, viện, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cung cấp giải pháp thông minh.
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng nhận định: Thành phố thông minh là khái niệm rộng lớn theo cách hiểu của nhiều người nhưng cơ bản đều đề cập tới ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cảm biến, mạng không dây tốc độ cao, xử lý dữ liệu lớn để nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố, giảm tiêu thụ năng lượng, quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên…
Muốn đánh giá một thành phố thông minh, cần dựa trên mức độ thông minh của cơ sở hạ tầng tác động lên các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục… Trong xu thế phát triển theo hướng kết nối và tương tác, nhiều công nghệ quản lý đã và đang trở thành công cụ chủ yếu của thành phố như các thiết bị tự động tương tác với con người trong lĩnh vực như an ninh, năng lượng, giao thông, môi trường, an sinh xã hội, y tế ngày càng phát triển nhanh chóng.
Hiện nay, nhiều quận huyện, đơn vị tại TP.HCM đã ứng dụng hiệu quả các giải pháp thông minh. Tuy nhiên, trong vấn đề xây dựng TP.HCM trở thành thành phố thông minh, chính quyền thành phố cũng đã chỉ ra một số thách thức lớn.
Cụ thể như thành phố chưa có hệ thống phân tích dự báo hỗ trợ ổn định cho lãnh đạo thành phố và sở, ban ngành; lãnh đạo thành phố và các sở, ban ngành chưa được cung cấp đầy đủ, kịp thời số liệu mang tính chất tổng hợp, có hệ thống để làm cơ sở đánh giá và dự báo trong thời gian thực và xu hướng của kinh tế - xã hội trong thời gian tới; chưa hình thành được kho dữ liệu chung làm cho việc liên thông dữ liệu giữa những đơn vị còn khó khăn và chưa tạo điều kiện cho việc sử dụng dữ liệu này trong hoạt động đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân…
Thách thức rất lớn đối với TP.HCM hiện nay là chưa thực sự có sự đồng bộ về kiến trúc công nghệ tiêu chuẩn cho các hệ thống được áp dụng.
Trong bối cảnh đó, TP.HCM đã xây dựng Đề án TP.HCM trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn 2055. Đồng thời, khuyến khích các nhà khoa học, nhà quản lý trong nhiều lĩnh vực khác nhau tham gia đóng góp ý kiến để thực hiện mục tiêu này. Do đó, rất cần những ý kiến góp ý từ các doanh nghiệp, sở, ban ngành liên quan để xây dựng tốt Đề án.
Tại hội thảo, các chuyên gia từ nhieuef doanh nghiệp, trường, viện đang bàn luận về các giải pháp ứng dụng thông minh để giải quyết những vấn đề thực tế mà thành phố đang gặp phải trong giao thông, y tế… nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Cùng với đó, đại diện các quận, huyện cơ sở cũng đã chia sẻ về thực tế ứng dụng công nghệ thông minh và nhu cầu của địa phương mình. Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến góp ý có ý nghĩa quan trọng trong việc phấn đấu đưa TP.HCM trở thành thành phố thông minh trong tương lai gần.
Đây là sự kiện trong khuôn khổ Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thành phố Hồ Chí Minh năm 2018 (WHISE 2018).
Bình luận