Khép lại ngày giao dịch cuối tuần, trên sàn Kitco, giá vàng thế giới tạm đứng mức 1.744,2 – 1.745,2 USD/ounce, giảm khoảng 12 USD/ ounce so chốt phiên liền trước.
Quy đổi theo tỷ giá của ngân hàng Vietcombank, giá vàng thế giới tương đương 48,6 triệu đồng/lượng chưa bao gồm thuế, phí.
Dữ liệu thống kê trong 30 ngày gần nhất cho thấy giá vàng thế giới tăng 17,3 USD, tương đương tăng 1%. Trong 6 tháng trở lại, giá vàng vẫn giảm 9,6 %, tức mỗi ounce “bốc hơi” 186,4 USD.
Giá vàng thế giới đi lùi song vàng trong nước vẫn tiếp tục neo tại mức cao. Lúc 6h00 ngày 11/4, giá vàng SJC tại Ngân hàng Eximbank niêm yết mức 5,49 – 5,51 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), không thay đổi so với ngày giao dịch trước đó.
Trong khi đó, giá vàng miếng Doji đang niêm yết ở mức 54,80 - 55,25 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết mức 54,85 - 55,25 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tính chung, mỗi lượng vàng SJC trong nước vẫn cao hơn thế giới khoảng 6,5 triệu đồng.
Theo giới chuyên gia, giá vàng sụt giảm sau khi đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ phục hồi từ mức đáy 2 tuần. Cùng đó là sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc làm giảm nhu cầu của kim loại quý.
“Vàng đang đối mặt với áp lực giảm giá vì sự lạc quan xoay quanh câu chuyện phục hồi kinh tế sau khi dữ liệu mạnh mẽ từ Trung Quốc và Mỹ được công bố”, ông Ravindra Rao, Phó Chủ tịch Kotak Securities nhận định.
Tuy vậy, vẫn có nhiều nhà phân tích đưa ra quan điểm lạc quan về giá vàng trong tương lai. Ông Marios Hadjikyriacos, nhà phân tích đầu tư tại XM cho hay, nếu các thị trường tin rằng Fed sẽ giữ cam kết cho phép nền kinh tế tăng trưởng nóng, vàng có khả năng sẽ tỏa sáng.
Nhưng nếu lạm phát tăng quá nhanh và nhà đầu tư đặt cược vào khả năng Fed tăng lãi suất, kim loại quý này sẽ không hưởng lợi.
Bình luận