Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, so với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2022 tăng 0,4%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước. Chỉ riêng nhóm giao thông giá giảm 2,85% do giá xăng dầu trong nước giảm.
Giá thịt lợn tăng cao, nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển là những nguyên nhân chủ yếu làm CPI tháng 7/2022 tăng 0,4% so với tháng trước.
Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 7/2022 tăng cao nhất với 1,37%, tác động làm CPI chung tăng 0,46 điểm phần trăm.
Ở chiều ngược lại, chỉ số giá nhóm giao thông tháng 7/2022 giảm 2,85% so với tháng trước làm CPI chung giảm 0,28 điểm phần trăm, chủ yếu do giá xăng dầu trong nước điều chỉnh giảm.
So với tháng 12/2021, CPI tháng 7 tăng 3,59%, trong đó có 10 nhóm hàng tăng giá, riêng nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,07%. CPI bình quân 7 tháng năm 2022 tăng 2,54% so với cùng kỳ năm 2021.
Lạm phát cơ bản tháng 7/2022 tăng 0,58% so với tháng trước, tăng 2,63% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,44% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,54%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.
Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 7/2022 giảm 2,39% so với tháng trước; tăng 6,31% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 7 tháng năm 2022 tăng 6,58%.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 7/2022 tăng 0,62% so với tháng trước và tăng 1,77% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 7 tháng năm 2022 tăng 0,08%.
Bình luận