• Zalo

Giá hàng siêu thị tháng 4 tăng mạnh?

Kinh tếThứ Sáu, 30/03/2012 07:58:00 +07:00Google News

(VTC News) – Sự kìm nén giá trong thời gian qua khi một số mặt hàng như xăng dầu tăng cao khiến người tiêu dùng lo lắng sẽ có làn sóng tăng giá từ đầu tháng 4.

(VTC News) – Một số siêu thị đã nhận được đề nghị tăng giá từ phía nhà cung cấp, tuy nhiên mức giá từ 1/4 của nhiều mặt hàng sẽ tăng không nhiều và không có tình trạng tăng giá hàng loạt các mặt hàng.


Mức tăng và số lượng tăng ít

Ông Phạm Hữu Nghị (Phụ trách truyền thông hệ thống siêu thị LotteMart) cho biết, tính đến ngày 27/3, LotteMart đã nhận được 80 thông báo đề nghị tăng giá từ phía các nhà cung cấp. Mức đề nghị tăng giá chủ yếu từ 10 - 15% ở các mặt hàng thực phẩm khô, thực phẩm đông lạnh và hóa mỹ phẩm.

Đến thời điểm hiện tại, LotteMart không đồng ý với 5-10 đề nghị tăng giá, đang xem xét 45 - 50 đề nghị và đồng ý với 10 - 20 đề nghi để đàm phán với nhà cung cấp nhằm đưa ra kết luận mức giá cuối cùng. Tất cả các đề nghị tăng giá đều được LotteMart làm việc với nhà cung ứng, nếu đề nghị tăng giá không hợp lý có thể dừng giao dịch hoặc ngừng đặt hàng.

“Trong tháng 4 tới, LotteMart tăng giá từ 5-10% đối với một số mặt hàng ở nhóm thực phẩm khô như bia rượu, nước giải khát... Giá thực phẩm tươi sống lên xuống theo nhu cầu và nguồn cung, tuy nhiên mức tăng một số mặt hàng trong nhóm này dao động từ 10-15%, do khi giá xăng tăng mặt hàng thực phẩm tươi sống vẫn yêu cầu về độ tươi ngon, thời gian vận chuyển”, ông Nghị cho hay.

Siêu thị đang là kênh lựa chọn của các bà nội trợ thời bão giá
(Ảnh: Hoàng Thủy)

Tại siêu thị Big C, giá các mặt hàng tương đối ổn định, thịt heo giảm khoảng 5-7% tuỳ mặt hàng, bắp cải giảm 20%, các loại rau củ quả khác không có biến động.

Bà Thanh Huyền (Phụ trách truyền thông siêu thị Big C khu vực phía Bắc) cho biết: “Nhìn chung đến đầu tháng 4 không có hiện tượng tăng giá đồng loạt do xăng tăng giá, chỉ một vài mặt hàng với tỉ lệ tăng rất nhỏ. Một số nhà cung cấp gửi yêu cầu tăng giá như cà phê Trung Nguyên tăng khoảng 4%, sữa Vixumilk tăng khoảng 3%....Big C cũng đang đàm phán, nếu có tăng thì sớm nhất cũng phải đến giữa tháng 4 mới thay đổi theo giá mới”.

Về nước giải khát, một số nhà cung cấp gửi yêu cầu tăng giá với tỉ lệ thấp như rượu Hồng Đào tăng khoảng 2%, nước uống không gas Interfood tăng 4%, nước ngọt SG Phương Nam tăng 7%... Theo bà Huyền, đây là những mặt hàng có tỉ trọng rất nhỏ trong ngành hàng giải khát tại Big C, đồng thời Big C thương lượng qua giữa tháng 4 mới áp dụng giá mới (trong khi mặt hàng có tỉ trọng lớn hơn nhiều là nước ngọt Pepsi thì  giảm gần 2% từ tháng 3), nên nhìn chung mức độ ảnh hưởng không lớn.

Các mặt hàng được thu mua tận nơi giúp giá cả các siêu thị không tăng như các chợ cóc, chợ tạm

Đại diện một siêu thị khác cho hay, một số nhà cung cấp đã thông báo áp giá nhập về mới từ ngày 1/4 hoặc 15/4. Song siêu thị chưa áp dụng giá mới ngay lập tức. 

“Mặc dù, nhà cung cấp đã thông báo áp giá nhập về mới cho các mặt hàng như đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm không thuộc nhóm bình ổn, Tuy nhiên, lượng hàng trong kho nhập về trước đó vẫn còn. Chỉ khi nào bán hết các sản phẩm còn trong kho chúng tôi mới áp dụng giá mới”, vị đại diện này giải thích.

Sẽ có mặt bằng giá mới trong siêu thị?

Ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho hay, giá một số mặt hàng đã tăng sau khi giá xăng tăng. Tuy nhiên, mức tăng không đáng kể.

“Từ tháng 4 tới, giá một số mặt hàng có thể sẽ tăng thêm từ 3-7%, do giá xăng dầu tăng tác động lên chi phí vận chuyển và giá đầu vào. Điều tôi quan tâm là giá tăng hay nhiều và làm sao kéo giá xuống bởi mặt bằng giá hiện nay ở mức cao”, ông Phú bày tỏ.

Theo lời ông Phú, sức mua đã giảm 8-10%, do giá đầu vào tăng nên đầu ra cũng khó bán. Vì vậy, nhà cung cấp cần xem xét mức độ tăng giá, đồng thời siêu thị và nhà cung cấp cần ngồi lại để tăng sức mua của người tiêu dùng.

Chính ông Phú cũng đồng ý khi cho rằng, siêu thị đang tạo ra kênh văn minh thương mại. Chợ cóc, chợ tạm tăng giá nhanh, còn siêu thị có nguồn hàng ổn định, chất lượng hàng hóa và khẳng định uy tín bằng thương hiệu, thái độ phục vụ.

Ông Vũ Vinh Phú nói thêm: “Tôi nghĩ cần phải quan tâm đến khâu phân phối, hiện nhiều khâu trung gian thu lợi nhuận lớn. Cần phải tổ chức chợ đầu mối để người mua, người bán gặp nhau. Trong khâu trung gian, chính những người thu gom các loại nông sản, thực phẩm đã ép giá là ăn đậm. Các tiểu thương ở chợ cũng không muốn ép giá đâu”

Thành Công

 


Bình luận
vtcnews.vn