Khi công an ập vào bắt quả tang, trên tay cô gái vẫn còn chiếc điện thoại và đang gọi vào số máy 113.
Cô gái đã liên tục gọi điện thoại đến Cảnh sát 113 để chọc phá. Khi công an ập vào bắt quả tang, trên tay cô gái vẫn còn chiếc điện thoại và đang gọi vào số máy 113. Vì sao cô gái kỳ quái này lại làm chuyện chẳng giống ai như vậy?
“Thi gan” cùng… 113
Ngày 26/7, cán bộ trực đường dây nóng Cảnh sát 113 (Công an TP. Cần Thơ) nhận được một cuộc điện thoại, giọng nói là của một cô gái khá trẻ. Sau khi trình bày câu chuyện không đầu không cuối, mặc cho cán bộ trực 113 gặng hỏi, cô ta cúp máy… không bao lâu sau, chuông điện thoại 113 réo vang, vẫn giọng cô gái khi nãy.
Cứ thế, cô ta gọi liên tục cho đến hết ngày. Khi cô ta báo vừa có một vụ xảy ra, nhưng khi phía công an xác minh nhanh thì biết là giả. Khi thì cô ta gọi đến chửi rủa, thách thức với những lời lẽ thô tục…Hôm sau, cô ta lại liên tục gọi đến.
Xác định đây là một đối tượng quấy rối, nên bằng mọi phương pháp nghiệp vụ, các cán bộ, chiến sĩ Công an TP. Cần Thơ nhanh chóng xác minh và khoanh vùng nơi xuất phát các cuộc gọi từ số máy 0128.702.6624.
Khoảng 15h ngày 30/7, khi lực lượng công an bất ngờ ập vào nhà đối tượng, thì trên tay của Lê Phạm Hướng Dương (21 tuổi) – ngụ tổ 13, khu vực 2, phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ, vẫn đang cầm chiếc máy điện thoại và máy vẫn còn giữ cuộc gọi đến Cảnh sát 113.
Chỉ trong vòng 5 ngày, từ 26 đến 30/7, cô gái 21 tuổi này đã thực hiện khoảng… 500 cuộc gọi đến số máy 113 và 114, để chọc phá Cảnh sát 113 (Công an TP. Cần Thơ). Phòng Cảnh sát trật tự (Công an TP. Cần Thơ) đã mời Dương về trụ sở làm việc.
Dương khai nhận, ngoài thời gian ăn ngủ, vệ sinh cán nhân… thì cô ta dùng hết thời gian còn lại để… “thi gan”, gọi điện thoại chọc Cảnh sát 113. Ngoài số máy trên, cô ta còn dùng một vài sim khuyến mại khác để gọi điện thoại.
Ông Huỳnh Hùng Dũng - Tổ trưởng tổ 13, khu vực 2, phường Hưng Phú, cho biết: “Trước giờ, cô ta ở đây đâu có quậy phá gì lối xóm, chỉ lâu lâu đi lòng vòng chơi mà cũng không có biểu hiện gì. Chẳng hiểu sao cô ta làm như vậy?”.
Cha thủ phạm nói gì?
Tiếp chúng tôi tại nhà, ông Lê V.T – cha ruột của Hướng Dương, rầu rĩ: “Từ ngày xảy ra vụ việc liên quan đến cái Dương, tui nghỉ làm. Cả gia đình không biết ăn nói làm sao với xóm riềng nữa”.
Ông T. lại đang là cán bộ phụ trách văn hóa của 1 phường tại quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. Ông bảo: “Anh em chung cơ quan cứ hỏi hoài về vụ con Dương, tui chẳng biết giải thích sao nữa. Mất mặt quá đi!”.
Ông T. kể: “Khi công an thình lình ập vào nhà, cả gia đình mới té ngửa. Tối ngày nó chỉ ở nhà, nên lẳng lặng làm chuyện bậy bạ này, chúng tôi cũng chẳng ai hay. Nhà có 4 người con, nó là con gái út, ở cùng vợ chồng tui và một người chị của nó nữa. Cái điện thoại cũ, dạng rẻ tiền mà nó dùng để làm chuyện trái pháp luật ấy là của bạn nó cho từ năm trước.
Còn tiền đâu nó nạp thẻ đẻ gọi điện thoại quấy phá cảnh sát như vậy thì tôi cũng chẳng biết. Chị với má nó và tui đều đi làm cả ngày. Công an tạm giữ giấy chứng minh, cả cái điện thoại ấy rồi. Nó bị đưa về trụ sở làm việc, sau được thả ra, nó cũng coi như không có chuyện gì xảy ra. Hỏi về vụ việc, thì nó trả lời: “Quên hết rồi!”, xong bỏ đi chỗ khác”.
Cô gái bị tâm thần nhẹ
Theo khẳng định của ông T., Hướng Dương bị… tâm thần nhẹ. “Lớn tồng ngồng vậy mà tối ngày ở nó chơi rồi gây lộn, giành ăn với mấy đứa con nít hàng xóm”, bà Sáu Kh. – hàng xóm của Dương, xác nhận. Theo ông T., trước đây Dương học giỏi, nhưng đến năm học lớp 8 thì bất ngờ xuất hiện triệu chứng khác thường, như hay nói nhảm, nói trước quên sau. Khi đưa đi khám bệnh, các bác sĩ cho biết Dương bị tâm thần nhẹ và khuyên gia đình nên cho uống thuốc, khám bệnh đều đặn.
Theo bà H. – dì của của Dương, sau khi phát bệnh, cô gái này đã bỏ nhà đi theo bạn bè, lang thang tận TP. HCM, đến tháng 4 tháng sau gia đình mới phát hiện và đưa về. Thấy con như vậy, ông T. cũng đau lòng, nên quyết định cho con đi học nghề uốn tóc, vừa để giữ chân con, vừa mong cho con gái có cái nghề để kiếm tiền nuôi thân. Nhưng chẳng được bao lâu thì Dương lại bỏ đi mất. 2 năm sau, cô mới trở về nhà với đứa con trai chưa đầy 1 tháng tuổi.
“Chừng đó mới biết, nó bỏ nhà theo thằng bạn trai, ở trọ tại chợ Cái Răng – cách nhà khoảng 4 km. Nó thì ngu ngơ, chỉ ở nhà, còn thằng “chồng” nó thì đi làm ruộng mướn, rảnh thì làm phụ hồ… Rồi không biết sao, tụi nó chia tay nhau, mà theo tui biết, thằng kia cũng thuộc dạng không đàng hoàng”, ông T. nói. Hiện giờ, con trai của Hướng Dương đã được hai tuổi, nhưng cha nó cũng chưa một lần về thăm. Ông T. nói, ông chỉ sợ thằng nhỏ lớn lên bị bệnh tâm thần giống mẹ.
Khi chúng tôi đến, Dương cũng đang có mặt tại nhà, ra vào với vẻ mặt ngơ ngáo. Thỉnh thoảng, cô cũng cầm chổi quét nhà, phụ giúp gia đình. Nhưng chừng 5 phút, cô lại chạy đến trước gương, tỉ mỉ vén sửa… mái tóc ngắn ngủn, nhuộm vàng hoe. Chúng tôi hỏi chuyện: “Sao em dám làm chuyện dại dột, không sợ hay sao mà dám điện thoại chọc phá Cảnh sát 113?.
Dương trả lời: “Tại… tò mò”. Còn hỏi về nội dung các cuộc điện thoại chọc phá, Dương trả lời tỉnh khô: “Quên hết rồi”. Khi chúng tôi xin phép chụp ảnh, Dương chạy vào nhà sau trốn. Lát sau, cô ta nói vọng ra: “Chụp hình là… bệnh chết đó!”. Đúng là theo quan sát bề ngoài. Hướng Dương có những biểu hiện của người mắc bệnh về thần kinh.
Ông T. than thở: “Tui là cán bộ, mà bị nó làm mất mặt quá. Từ cái vụ nói bỏ nhà đi hoang rồi trở về với đứa con vừa đầy tháng, vợ chồng tôi không giám nhìn mặt ai trong xóm này rồi. Bây giờ lại vụ điện thoại quấy phá này nữa. Nhà khó khăn lắm, vợ tui cũng đi làm cho một quán cơm bên Ninh Kiều.
Nhưng sắp tới chắc tui phải xin nghỉ việc, vì làm cán bộ văn hóa mà con cái như vậy khó ăn khó nói quá. Nhưng chẳng lẽ bỏ nó? “Con dại thì lái chịu đòn”, dù trên danh nghĩa nó đã 21 tuổi, tự chịu trách nhiệm về những việc của mình rồi. Sắp tới, tiền công an phạt, tui và chị nó chờ lãnh lương, mới trích ra nộp phạt, chứ giờ thì nhà đâu có tiền”.
Một cán bộ khu vực 2 xác nhận, khi tiếp xúc và trò chuyện với Dung, đúng là cô có nhiều câu nói… nhảm. Chuyện cô bỏ nhà ra đi, sau đó trở về với đứa con hoang cũng là điều có thực. “Nhưng nếu xét về pháp luật, để bào chữa cho hành động phạm pháp ấy là do tâm thần, thì phải có xác nhận của bệnh viện hoặc hồ sơ bệnh án”, ông T. thì cho rằng, do trước đây bác sĩ nói Dương chỉ bị tâm thần nhẹ, nên gia đình cũng chỉ thỉnh thoảng cho uống thuốc chứ không điều trị chuyên sâu, bởi thấy cô cũng không quậy phá gì quá.
Khi chúng tôi gặng hỏi, Dương xác nhận: “Nhỏ bạn cho tiền nạp thẻ điện thoại”. Vì vậy, có khả năng có người lợi dụng bệnh tình của Dương để xúi giục cô làm chuyện dại dột tiếp tay bằng cách giúp tiền nạp thẻ điện thoại?! Đây cũng là bài học về việc quan tâm, quản lý con cái, thân nhân các gia đình có người nhà bị bệnh tâm thần.
Bình luận