• Zalo

Gặp 'Chí Phèo' ngoài đời

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 09/05/2014 11:12:00 +07:00Google News

Là một diễn viên nổi danh với vai Chí Phèo trong phim 'Làng Vũ Đại ngày ấy', NSƯT Bùi Cường còn là một đạo diễn mát tay cho rất nhiều phim điện ảnh.

Là một diễn viên nổi danh với vai Chí Phèo trong phim 'Làng Vũ Đại ngày ấy', NSƯT Bùi Cường còn là một đạo diễn mát tay cho rất nhiều phim điện ảnh.

Dù đã bước sang tuổi ngoại lục tuần, ông vẫn tất bật bay đi bay về giữa Hà Nội - Sài Gòn và mải miết ngoài phim trường. Làm nghề mấy mươi năm nhưng ông chưa khi nào thôi trăn trở câu chuyện nghệ thuật và bài toán kinh tế.

Theo ông: 'Mình hiểu và tôn trọng tất cả những bộ phim, kể cả phim được xem là hời hợt vì họ làm phim thị trường, họ phải nắm bắt, mình không thể chê người ta được. Nhưng còn với mình, bảo làm một bộ phim như vậy, mình không dám'.
Chí Phèo
NSƯT Bùi Cường thời đóng Biệt động Sài Gòn 
- Thưa NSƯT Bùi Cường, đạo diễn chạy theo 'sao' nhiều lúc chắc mệt lắm?

Tôi nghĩ họ có tài mới được công chúng yêu mến. Vì được yêu mến nên nhiều phim, nhiều chương trình muốn có họ cũng là điều hiển nhiên.

Mình chọn họ vì họ phù hợp với vai diễn để có một bộ phim tốt nhất nên mình luôn cố gắng xếp lịch để có sự góp mặt của họ mà không làm ảnh hưởng đến nhiều diễn viên khác. 

- Có khi nào ông cảm thấy không khiển trách được diễn viên?
 
Hình như làm việc với tôi, chưa có diễn viên nào như thế cả. Thi thoảng cũng có đến trễ một chút hoặc tới giờ quay vẫn bận bịu này kia để mọi người đợi. Nhưng vì người ta bận thật nên mình phải biết thông cảm.

Cả đoàn đợi đã khó chịu rồi, mình là đạo diễn mà giận lên nữa, người ta chắc không đóng được phim mất. Tôi cứ suy từ 
mình ra thôi. Tâm hồn, tình cảm mình mà có chuyện gì khúc mắc, ra phim trường rất khó vào vai.

Vì vậy, tôi luôn muốn làm thế nào để diễn viên thoải mái, tự nhiên nhất để thúc đẩy sức sáng tạo của họ. Tất nhiên, trước đó, tôi cũng có trao đổi với diễn viên, các bạn có thể rất bận nhưng phải cố gắng nghiên cứu và chịu trách nhiệm với vai diễn của mình, về hình ảnh của mình trước khán giả. Nếu yêu nghề, yêu khán giả, phải hết mình.

- Một số đạo diễn thường bị nhà sản xuất ép chọn người này người kia cho vai diễn. Còn ông thì sao?

Phim đầu tiên tôi làm cho hãng Đại dương xanh là Vượt qua bóng đêm. Lúc ấy, gần như họ là hãng phim mới nên cũng muốn tìm một đạo diễn có trách nhiệm, có chất lượng nên họ hoàn toàn để cho tôi thoải mái chọn diễn viên sao cho trúng vai nhất là được. Bây giờ họ vẫn tin ở tôi.

Cũng có những lúc họ gợi ý diễn viên này, diễn viên kia đang 'hot'. Vì làm phim thị trường, nhà sản xuất phải thu hồi vốn nên tôi hiểu yêu cầu đó và luôn cố gắng cân đối. Tất nhiên, diễn viên đó phải hợp vai và đóng được, còn nếu không, mình phải có ý kiến.

Làm phim muốn thu hồi vốn, trước hết, tôi nghĩ phải có chất lượng. Mà chất lượng ở đâu ra? Ngoài kịch bản và đạo diễn, khâu diễn viên rất quan trọng. Vì họ là người truyền tải nội dung, tư tưởng của tác giả kịch bản, đạo diễn và nhà sản xuất đến khán giả. Diễn viên đóng tệ quá, nhân vật sẽ hỏng. Nhân vật hỏng, phim không thể nào tốt được.
Chí Phèo
Làm phim thời thị trường nhưng ông luôn tâm niệm phải đặt chất lượng lên hàng đầu. Chính vì thế ông luôn trăn trở cho mỗi bộ phim mà mình đảm nhận.  
- Nhưng, có những phim làm rất tốt vẫn ế chỏng ế chơ trong khi có những phim hời hợt lại đắt doanh thu. Ông nghĩ sao?
 
Sản xuất một bộ phim tốn rất nhiều tiền. Cân bằng giữa chất lượng nội dung với thị hiếu người xem không phải là một chuyện dễ dàng.

Thực ra, mình hiểu và tôn trọng tất cả những bộ phim đó, kể cả những phim được xem là hời hợt vì họ làm phim thị trường, họ phải nắm bắt, mình không thể chê người ta được. Nhưng còn với mình, bảo làm một bộ phim như vậy, mình không dám…

- Theo ông, vì đâu lại có tình trạng như vậy?
 
Nhìn vào quy trình làm phim của nước ngoài, chúng ta thấy trước khi làm một bộ phim thị trường, họ phải mua cái tứ, cái đề cương sơ lược của kịch bản. Tất nhiên, họ sẽ chọn đề tài độc đáo.

Tiếp đấy, họ phác thảo sơ lược rồi đưa ra thăm dò thị hiếu của người xem ở nhiều tầng lớp khác nhau. Sau khi nhận được phản hồi, họ sẽ tổng hợp. Nếu kết quả tích cực, họ mới mời một người chuyên viết kịch bản đảm nhận phát triển đề tài.

Họ còn có cả những chuyên gia chuyên viết về chi tiết, lời thoại, hành động. Sau khi hoàn tất thì ráp lại. Rồi xem xét nên mời đạo diễn nào phù hợp với phim. Có thể giá rất cao nhưng bù lại, danh tiếng và tài năng của vị đạo diễn ấy đã phần nào đảm bảo thành công doanh thu.

Cuối cùng, họ bắt đầu khâu tuyển chọn diễn viên, thậm chí qua một số nước để tìm được diễn viên đúng ý đồ. Điện ảnh với họ là một ngành công nghiệp thực sự. Hoàn chỉnh những khâu đó, phim đỡ rủi ro hơn rất nhiều.

Còn ở mình, một người viết đủ các kiểu, đủ loại, đôi khi không biết gì, không hiểu sâu cũng túa ra viết, khiến nhiều phim kịch bản rất nông. Mà khán giả nước mình khó đoán vô cùng…

- Đó có phải là một trong những lý do khiến nhiều nhà sản xuất 'chết' vì phim?
 
Tôi nghĩ đó là một phần. Phần nữa là vì có nhiều tay đạo diễn chỉ biết nhận tiền của nhà sản xuất thôi còn phim thì mặc kệ.

Thế nhưng, lỗi cũng ở nhà sản xuất vì coi thường công tác đạo diễn. Họ chỉ thích rẻ nên mời tay ngang, hoặc tự làm lấy hoặc đưa người thân vào làm trong khi người đó chẳng biết gì về phim. Đạo diễn, theo tôi, là sự sống còn, là tác giả của phim, chuyển thể từ câu chữ của kịch bản lên hình ảnh.

Thông thường, trước khi nhận lời một phim nào đó, tôi xin phép đọc qua kịch bản. Nếu thấy không ổn thì rút chứ không dám nhảy bừa vào làm để nhà sản xuất chết.

Tất nhiên, mình cũng phải phân tích cho nhà sản xuất hiểu lý do. Không phải mình kén chọn gì nhưng như vậy là không ổn chút nào hết.
Chí Phèo
Sau những hào quang chói loà, giờ ông chọn đứng sau ống kính để tiếp tục niềm đam mê của mình  
- Tôi cứ nghĩ, nhà sản xuất phim phải hiểu về phim?

Không phải nhà sản xuất nào cũng hiểu nghề. Bây giờ trăm hoa đua nở, người người làm phim, nhà nhà làm phim. Nhiều người nghe, đọc trên báo thấy phim này doanh thu mấy chục tỷ, phim kia mấy chục tỷ, đang tiền trong tay rồi nhảy vào làm thôi.

Sản xuất phim, thật ra là kinh doanh. Nhưng kinh doanh nghệ thuật cao cấp mà không hiểu gì về nó, chỉ có nước chết.

- Nhưng cũng có nhiều nhà sản xuất hiểu phim làm phim vẫn cứ chết như thường?
 
Vấn đề lại quay về sự cân bằng giữa chất lượng và thị hiếu của người xem.

- Ông có nghĩ rằng để giải quyết được vấn đề này, người làm phim cần tạo dựng từ từ cho mình một lớp khán giả riêng như nhiều ý kiến không?

Tôi nghĩ cái này cũng không nắm bắt được đâu vì xu thế xã hội dần dần hướng đến mức xã hội cần. Mình không thể nào bắt ép người ta phải xem cái này, thích cái kia được.

Ví dụ như người ta đi làm mệt, đầu óc căng thẳng, người ta thích xem những phim giả trí cho thư thả. Còn những phim sâu sắc lại khiến người ta cảm thấy mệt nên người ta không thích, hoặc không hiểu thì mình cũng đâu can dự được.

Tôi tin rằng, một lúc nào đó, tầm văn hóa được nâng lên thì cung và cầu mới chạm nhau được.

- Nhưng, chẳng lẽ người làm phim mãi ngồi đợi đến ngày đó?
 
Đã từng có rất nhiều các cuộc bàn luận nhằm nâng cao chất lượng phim truyền hình nói riêng và phim điện ảnh nói chung. Theo ý kiến cá nhân của tôi, mọi việc hay dở đều nằm ở khâu sản xuất, cần phải đầu tư tập trung vào ba khâu chính kịch bản, đạo diễn và tổ chức.

Với phim truyền hình, ý tưởng, cấu tứ, đề tài càng gần gũi với đời sống bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu. Người làm phim phải nhạy bén chọn đề tài đúng thời điểm công chúng quan tâm.

Sau đó, cách thể hiện đề tài cho tốt, chọn diễn viên cho có cảm xúc. Bản thân tôi khi nhận lời làm một bộ phim, tôi lo lắm. Rất nguy hiểm nếu nhà sản xuất không thu hồi được vốn.

Tôi thường nói với anh em rằng chúng ta có một chút thù lao nhất định còn nhà sản xuất bỏ ra tiền tỷ, chúng ta phải hiểu điều ấy và làm hết sức. Trong khả năng, tôi luôn cố gắng làm tốt nhất.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Khám phá

Bình luận
vtcnews.vn