Tạm yên tâm…
Cuối tháng 9/2013, sau khi EVN Hà Nội (TCty Điện lực Hà Nội) ra thông báo về chủ trương thí điểm chuyển đổi hóa đơn thanh toán tiền điện từ dạng giấy truyền thống sang hóa đơn điện tử tại hai quận Cầu Giấy và Hoàn Kiếm, nhiều trang mạng đã có loạt bài nói rõ những điểm bất hợp lý của quá trình tổ chức thực hiện chủ trương này, vì nó mang tính áp đặt, không thăm dò, thỏa thuận với khách hàng.
Hơn nữa, công tác tuyên truyền, chuẩn bị chưa chu đáo, thậm chí tờ Biên nhận thanh toán tiền điện mà EVN Hà Nội trả cho người dùng điện thay cho tờ hóa đơn giá trị gia tăng trước đây được cắt xén tiết kiệm đến mức nhỏ hơn cả tờ biên lai thanh toán trong các siêu thị.
Điều đáng nói, hình thức thể hiện và cách in ấn cũng khá sơ sài, không có chi tiết chống làm giả nên tiềm ẩn nguy cơ kẻ gian lợi dụng vào đó nhái biên nhận thanh toán để lừa đảo người tiêu dùng.
Thế nhưng, lúc đó trả lời chúng tôi, bà Nguyễn Hoàng Anh - Phó Chánh Văn phòng EVN Hà Nội - vẫn chủ quan: “Không thể giả được! Khách hàng dùng điện nhiều nơi “nhẵn” mặt nhân viên thu ngân của ngành Điện ở khu phố mình thì khó có chuyện kẻ gian lợi dụng làm giả giấy tờ rồi mang đến nhà khách hàng để lừa thanh toán”.
Chúng tôi sau đó đã dẫn chứng tình trạng lừa đảo trong hoạt động thu lệ phí môi trường, vì có nơi kẻ gian đã dùng biên lai tự “chế” mang đi thu tiền “thay” nhân viên doanh nghiệp môi trường đô thị ngay tại địa bàn Hà Nội…
Sau đó, dường như nhận thấy rõ những nguy cơ tiềm ẩn nói trên nên từ tháng 11/2013, trong tất cả các tờ Biên nhận thanh toán tiền điện giao cho khách hàng, EVN Hà Nội đã xử lý vần đề mà trước đó PLVN từng cảnh báo.
Cụ thể, mặt trước tờ Biên nhận thanh toán tiền điện hiện nay có in (chìm) thêm biểu trưng (3 màu: xanh, đỏ, vàng) của EVN Hà Nội, mép bên phải mỗi tờ Biên nhận chạy thêm 3 dòng chữ “EVNHanoi - Tổng Công ty Điện lực TP.Hà Nội”; mặt sau các tờ Biên nhận, EVN Hà Nội cho bổ sung thêm một loạt địa chỉ và số điện thoại liên lạc, giải đáp thắc mắc của Phòng Giao dịch khách hàng (thuộc Cty Điện lực các quận) và Phòng Giao dịch Khách hàng thuộc các Đội Quản lý điện của Cty Điện lực quận Cầu Giấy và Hoàn Kiếm.
Sự thay đổi này phần nào giúp khách hàng thấy yên tâm hơn trước mối lo trả tiền nhầm cho người không phải là nhân viên ngành Điện…
Xin “thông cảm”!
Tuy nhiên, những thắc mắc, kiến nghị xung quanh câu chuyện quyền lợi người dùng điện bị ảnh hưởng, trong khi ngành Điện lại có thêm bộn tiền từ chủ trương này thì chẳng thấy EVN Hà Nội có giải pháp nào cụ thể nhằm chia sẻ với khách hàng ngoài hai chữ xin “thông cảm”.
Thực tế, nếu giúp ngành Điện hiện thực hóa chủ trương này, khách hàng nhiều nơi sẽ phải mất thêm chi phí mua máy vi tính, kết nối Internet để tra cứu hoặc tải hóa đơn tiền điện giá trị gia tăng từ mạng Internet...
EVN Hà Nội đang có tham vọng nhân rộng mô hình hóa đơn điện tử ra khắp các địa bàn thuộc thành phố. Nhưng với thực tế đầy bất cập sau 2 tháng thí điểm tại 2 quận nội thành cộng với những khó khăn về cơ sở vật chất, sự đồng thuận của người dân… tại các huyện ngoại thành, chủ trương này liệu có thành công hay chỉ dừng ở mức thí điểm?
Theo Võ Tuấn/ Pháp luật Việt Nam
Bình luận